Nhận diện những tồn tại
Trong những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh tăng trưởng mạnh, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Sở hữu những giá trị nổi trội với hơn 600 điểm tham quan, trong đó có Vịnh Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, Quảng Ninh đang hướng đến việc trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực. Theo thống kê của Sở Du lịch, ước tính 10 tháng năm 2019, Quảng Ninh đón trên 11,7 triệu lượt du khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế 4,22 triệu lượt, tăng 4%; tổng thu từ du lịch trên 23.800 tỷ đồng, tăng 22%; thu ngân sách từ du lịch (hết tháng 9/2019) đạt 2.480 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Những con số ấn tượng trên là minh chứng rõ nét để thấy du lịch Quảng Ninh đang có những bước tiến mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra ở góc độ toàn quốc, lượng du khách quốc tế đến với Quảng Ninh còn khiêm tốn, cụ thể 9 tháng năm 2019: Khách Trung Quốc đến Việt Nam trên 3,9 triệu lượt, trong đó Quảng Ninh đón trên 1,04 triệu lượt, chiếm 26%; khách Hàn Quốc trên 3,1 triệu lượt, trong đó Quảng Ninh 292.000 lượt, chiếm 9%; khách Mỹ đến Quảng Ninh chiếm 11%, Pháp 27%, Anh 23%, Úc 17%, Nhật là 5%, Đức 20% tổng du khách tới Việt Nam.
Từ góc độ khai thác khách qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, từ đầu năm 2019 đến ngày 15/10, Cảng đón 1.576 chuyến bay đến và đi với 207.000 lượt hành khách, chủ yếu là khách nội địa đến từ TP Hồ Chí Minh, chỉ có 7.827 khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tàu khách quốc tế cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Hiện du lịch Quảng Ninh vẫn chịu áp lực trong việc cạnh tranh của các điểm đến khác trong nước và quốc tế, chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ, giao thời của các mùa khách trong năm. Ông Đinh Thọ Quang, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Hạ Long, đánh giá: Lượng du khách tới Quảng Ninh hằng năm rất đông, nhưng tập trung theo thời điểm, đặc biệt là mùa du lịch hè và hình thức du lịch biển. Trong khi đó, còn nhiều thế mạnh khác về du lịch chưa thực sự được khai thác hết để thu hút du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh: Gắn kết giữa các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, còn có yếu tố cạnh tranh không lành mạnh. Kết nối du khách đến Quảng Ninh vẫn chủ yếu dựa vào các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh và phụ thuộc nhiều vào một số thị trường khách truyền thống khu vực Đông Bắc Á. Vì vậy, khi có biến động, lượng khách sẽ sụt giảm nhanh, khó có thể bù đắp ngay từ các thị trường khác.
Du khách tham quan, giải trí tại tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld Halong Complex.
Hướng đến giải pháp tổng thể, bền vững
Tại hội nghị phát động triển khai các biện pháp kích cầu du lịch Quảng Ninh, do tỉnh tổ chức tháng 10/2019, đại diện các doanh nghiệp đều đánh giá Quảng Ninh hiện có những bước phát triển mạnh mẽ về du lịch, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, cần tạo ra nhiều dịch vụ hấp dẫn để thu hút các dòng khách, đặc biệt là dòng khách lưu trú. Trên cơ sở này, doanh nghiệp đề xuất tỉnh cần tiếp tục mở rộng không gian du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mới. Mặt khác, việc phân khúc thị trường khách du lịch cũng là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của từng dòng du khách. Tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thị trường một cách rộng khắp, liên tục; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Bà Nguyễn Thị Trực, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Quảng Ninh, cho rằng: Việc kích cầu du lịch cần có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các đơn vị dịch vụ. Đơn cử như giữa công ty lữ hành Vietravel với đơn vị cung cấp dịch vụ tại các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh, khi có sự phối hợp chặt chẽ, Vietravel có thể xây dựng các chương trình cụ thể, hấp dẫn về nội dung, giá cả để có thể thu hút du khách, cũng như tạo tính cạnh tranh với các điểm du lịch khác.
Những góp ý, giải pháp, hướng đi mới, hiến kế cho phát triển du lịch Quảng Ninh của các doanh nghiệp là những kinh nghiệm, thực tiễn quý báu để xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn phát triển du lịch Quảng Ninh, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch của địa bàn được coi là trọng điểm của du lịch Việt Nam. Đây cũng là cơ hội giúp cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về việc xây dựng và kích cầu du lịch địa phương, từ đó có những định hướng đúng đắn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch bốn mùa.
Khẳng định quan điểm lấy du lịch làm trọng tâm phát triển, tại Hội nghị Phát động triển khai các biện pháp kích cầu du lịch Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Thời gian qua, Quảng Ninh rất quan tâm, chỉ đạo tăng cường và không ngừng đổi mới, đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, định hướng, quy hoạch du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không mở đường bay đến Quảng Ninh, như miễn phí vận chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến TP Hạ Long và nhiều địa phương khác trong tỉnh, miễn vé tham quan Vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử cho tất cả du khách đến Việt Nam qua sân bay Vân Đồn; tạo điều kiện mở văn phòng, chi nhánh, triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá… Cùng với đó, Quảng Ninh đang tập trung mở rộng không gian phát triển, sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP Hạ Long, tạo không gian xứng tầm, phát huy tiềm năng, lợi thế đa dạng các loại hình du lịch. Đây là chiến lược mới của tỉnh, tạo ra đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, đa dạng độc đáo về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, có tính kết nối mạnh mẽ giữa du lịch Vịnh Hạ Long với cảnh quan kỳ vĩ của Hoành Bồ, hình thành công viên rừng. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ sớm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với thương hiệu Hạ Long. Theo đó, tỉnh đã giao cụ thể từng nội dung cho từng ngành, đơn vị thuộc thẩm quyền trách nhiệm giải quyết, triển khai các giải pháp thu hút du khách, như: Tổ chức lễ hội, chương trình du lịch vào mùa thấp điểm, phát triển những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế; kết nối các tuyến, điểm, khu du lịch, sản phẩm mới, hấp dẫn và chất lượng cao...
Nguyễn Thanh/https://www.quangninh.gov.vn