Kích cầu nâng cao chất lượng nông sản

Kích cầu nâng cao chất lượng nông sản
Đến nay, phần lớn các cây trồng mũi nhọn của tỉnh Tuyên Quang như mía, chè, cam, bưởi… đều đã đăng ký nhãn hiệu và bước đầu có thương hiệu.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước thì nông sản của Tuyên Quang còn yếu cả về thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm.

15-36-51_1
Nông dân xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn thu hái chè búp

Hiện tại, tỉnh Tuyên Quang đã có 30 sản phẩm xây dựng được nhãn mác, thương hiệu. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào sau khi xây dựng cũng phát triển tốt trên thị trường. Một số sản phẩm như gạo Kim Phú, huyện Yên Sơn, vịt bầu Minh Hương, huyện Hàm Yên... được đánh giá khá cao về chất lượng, song vùng sản xuất quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường nên khi thị trường có nhu cầu lớn không đáp ứng đủ. Một số sản phẩm chè đã xây dựng được nhãn hiệu, có cơ sở sản xuất nhưng do thương hiệu còn yếu, không đủ sức cạnh tranh với thị trường nên vẫn “giậm chân tại chỗ”…

Cam sành Hàm Yên là một trong những sản phẩm nông sản nổi bật của tỉnh Tuyên Quang bởi đã xây dựng được nhãn hiệu và có thương hiệu khi lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam, được chứng nhận đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Tuy nhiên, loại trái cây này đang gặp phải những khó khăn nhất định. 

Đầu vụ thu hoạch năm 2017-2018, người nông dân tại vùng cam Hàm Yên đều thừa nhận rằng, so với năm ngoái, giá cam năm nay thấp hơn từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ SX không có lãi.

Lý giải về vấn đề này, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên Đàm Ngọc Hưng cho biết, nguyên nhân do sự cạnh tranh mạnh mẽ của của cam các tỉnh như Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình... Khó khăn nữa là người dân thấy cây cam có hiệu quả kinh tế đã đua nhau trồng, mở rộng diện tích vượt hàng nghìn ha so quy hoạch hơn 5.000ha của huyện. Bên cạnh đó, việc chưa chú trọng đến sản xuất nông nghiệp tốt cũng là nguyên nhân khiến cây cam bị rớt giá.

Để nông sản có chỗ đứng trên thị trường, những năm qua, tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ...

15-36-51_2
Vườn cam của gia đình chị Đoàn Thị Thơm, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên)

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, tỉnh đã xây dựng thành công 3 chuỗi sản xuất nông nghiệp có nhãn hiệu sản phẩm bao gồm chuỗi dong riềng, chuỗi cam và chuỗi chè. Trong đó đã thực hiện hỗ trợ chuỗi chè hơn 1,8 tỷ đồng bao gồm: Xây dựng nhãn hiệu cho HTX chè Ngân Sơn - Trung Long, huyện Sơn Dương, chè 168, huyện Hàm Yên; hỗ trợ 1,6 tỷ đồng xây dựng chuỗi dong riềng; hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng chuỗi cam gồm, chứng nhận VietGAP cho 5 HTX với diện tích trên 36ha và hỗ trợ 7.000 bao bì đóng gói, 7.000 nhãn mác sản phẩm...

Nhờ đó, nhiều địa phương như vùng cam Hàm Yên đã có hàng nghìn hộ gia đình thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/năm, trong đó có 180 trang trại thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Vùng bưởi huyện Yên Sơn giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động thời vụ. Ngành mía đường có tổng diện tích 10.374ha, giải quyết việc làm cho 700 lao động của công ty và ký kết hợp đồng với hơn 20.000 hộ trồng mía. 

Để nông sản tiếp tục có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, cần tiếp tục chú trọng đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại... Cùng với đó, người nông dân cần năng động hơn trong SX, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng áp dụng quy trình SX sạch, hạn chế làm tự phát, làm ảnh hưởng đến thương hiệu các sản phẩm địa phương.
ĐÀO THANH/nongnghiep.vn