Kiến nghị xây dựng mô hình ngân hàng đất đai

Kiến nghị xây dựng mô hình ngân hàng đất đai
Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước về dồn điền đổi thửa sau khi thực hiện được 79.454 ha, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho 617.964 mảnh đất, đạt tỷ lệ 99,21%, bước đầu giúp hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên khá nhanh.
10-06-07_dsc_1501
Sau dồn điền đổi thửa, phần lớn nông dân vẫn chỉ có những thửa ruộng tương đối nhỏ.

Tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế cố hữu như diện tích canh tác phần lớn vẫn do các hộ nông dân nắm giữ với quy mô nhỏ lẻ, manh mún khiến cho việc áp dụng cơ giới và khoa học công nghệ rất khó khăn.

Với đặc điểm tập quán, tâm lý của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng là quyền sử dụng đất được coi là một tài sản có giá trị lâu dài nên thường được các hộ tách sổ, chia nhỏ cho con cái khi lập gia đình. Việc làm đó đã vô hình chung tạo thành một hòn đá tảng cản trở việc đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai.

Hơn thế nữa, chi phí thuê quyền sử dụng đất của thành phố Hà Nội lại đắt đỏ hơn rất nhiều so với các địa phương khác nên chưa đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư vì sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, độ rủi ro cao, thủ tục quy trình phức tạp, đặc biệt là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nông dân nhiều người còn có tâm lý lo ngại sợ mất đất, sợ bị lừa khi góp đất hoặc cho doanh nghiệp thuê nên phần lớn các mô hình tích tụ, tập trung trên địa bàn chỉ ở quy mô nhỏ, chưa có đủ điều kiện về tài chính, kỹ năng sản xuất, quản lý theo hướng hàng hóa một cách chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội tại hội thảo khoa học- thực tiễn tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ (tổ chức tại thành phố PHủ Lý, Hà Nam mới đây) cho rang, với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc cần làm ngay là tích tụ, tập trung đất.

Các giải pháp cụ thể ông đưa ra gồm: Một là tiếp tục tuyên truyền đến người dân về các quyền cho thuê đất, góp đất, hàng năm đánh giá các mô hình tích tụ, tập trung đất có hiệu quả để từ đó phổ biến, nhân rộng. Hai là tiếp tục rà soát ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ đất như hỗ trợ vốn, miễn hoặc giảm thuế đối với giao dịch chuyển nhượng đất.

Ba là điều chỉnh lại các chiến lược sản xuất nông nghiệp phù hợp với tái cấu trúc nông nghiệp, nông thôn. Bốn là hỗ trợ phát triển các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn.

Cũng theo ông Sửu kiến nghị với các Bộ, ngành, trung ương để đẩy mạnh những giải pháp trên, thứ nhất phải điều chỉnh Luật Đất đai 2013 ở phần hạn điền để không cản trở quá trình tích tụ, tập trung.

Có cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ dất theo hai phương thức: Nhà nước (huyện, thị xã) thuê quyền sử dụng đất của các hộ nông dân sau đó ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại để dầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp sẽ đào tạo, huấn luyện nông dân cho thuê quyền sử dụng đất để nhận họ vào làm cho doanh nghiệp.

Các hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho tư cách pháp nhân là hợp tác xã sau đó hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đôi bên cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận, trong đó doanh nghiệp ứng trước giống, phân bón…đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Cuối cùng là có chính sách khuyến khích hình thành các hợp tác xã hoặc các trung tâm phát triển quỹ đất để nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sau đó cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất. Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình ngân hàng đất đai trong đó các hộ gia đình, cá nhân gửi đất vào ngân hàng và được hưởng các lợi ích từ đất. Sau thời hạn gửi tùy theo loại dự án, người dân được nhận lại đất của mình.
THANH HUYỀN/ Nông nghiệp