Ký hợp đồng trồng chanh dây đỡ đau đầu lo ép giá, thu lãi khá

Ký hợp đồng trồng chanh dây đỡ đau đầu lo ép giá, thu lãi khá
Chanh dây là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của những vùng đất như Lâm Hà, Ðức Trọng, Ðơn Dương và đang mang lại thu nhập khá cho nông dân tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, điều làm nông dân trồng chanh dây còn băn khoăn chính là giá cả lên xuống thất thường.

Giải quyết được vấn đề đầu ra, Công ty Trường Hoàng Lâm Ðồng đang gắn bó với nông dân Ðức Trọng, tạo giá trị ổn định cho loại trái cây đặc sắc này.

 ky hop dong trong chanh day do dau dau lo ep gia, thu lai kha hinh anh 1

Vườn chanh dây liên kết với Công ty Trường Hoàng. Ảnh: D.Q

Ông Lê Minh Tân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đức Trọng cho biết, hiện nông dân Đức Trọng trồng chanh dây với diện tích lớn theo hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Trường Hoàng Lâm Đồng. Công ty cung cấp giống chanh dây, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thấp nhất 7 ngàn đồng/kg. Nếu giá thị trường cao hơn sẽ thu mua theo giá thị trường và đảm bảo không thấp hơn giá thị trường.

Như vậy, với năng suất khá ổn định của cây chanh dây do công ty cung cấp, một năm năng suất đạt từ  7-10 tấn. Chỉ tính giá thấp nhất là 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nông dân cũng thu được 50-60 triệu đồng, một con số khá cao do cây chanh dây đầu tư không lớn. 

Ông Tân cho biết, toàn tỉnh đã có 180 nông hộ tham gia liên kết với Công ty Trường Hoàng, trồng chanh dây cung cấp cho công ty và diện tích cũng như số người tham gia ngày càng mở rộng. Không chỉ dừng lại với các nông hộ đơn lẻ, Công ty Trường Hoàng còn liên kết với một số tổ hợp tác, HTX để trồng chanh dây theo hợp đồng liên kết lớn.  

Gia đình anh Trần Văn Diện, ngụ tại thôn Nam Hải, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng là một nông hộ vốn trồng cà phê. Nhưng hiện tại, anh đang có trên 1 sào chanh dây đang cho thu đợt đầu với giá 22-25 ngàn đồng/kg. Anh Diện cho hay, anh là thành viên của tổ hợp tác trồng chanh  dây Ninh Loan, Đức Trọng và tổ hợp tác của anh đang trồng chanh dây theo hợp đồng với Công ty Trường Hoàng.

Anh Diện nói: “Giống chanh dây này của Công ty Trường Hoàng cung cấp, là giống Đài Loan, cây khỏe và năng suất rất cao. Trái đậu trên dây rất sát nên dù trồng không nhiều nhưng nhà tôi có thu khá. Hiện công ty đang thu mua ngay tại địa bàn xã, không phải mang ra ngoài đường lộ hay ra thị trấn nên đỡ công đi cho bà con”.

 ky hop dong trong chanh day do dau dau lo ep gia, thu lai kha hinh anh 2

Cây chanh dây dễ trồng, phù hợp với đồng đất Lâm Đồng nên cho năng suất cao. Ảnh minh họa

Cũng giống anh Diện, chi hội chanh dây xã Ninh Loan được thành lập để liên kết với Công ty Trường Hoàng, đủ diện tích và sản lượng để công ty đầu tư giống, kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Ngoài Ninh Loan, các xã có đông nông dân liên kết với Trường Hoàng là Bình Thạnh, Phú Hội, Tân Hội…, những vùng trồng chanh dây nổi tiếng của Đức Trọng. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, một đối tác thu mua chanh dây của Trường Hoàng tại Ninh Loan chia sẻ, ông thu mua cho Trường Hoàng theo ủy quyền của công ty. Do Trường Hoàng chuyên sản xuất nước ép chanh dây xuất khẩu nên đòi hỏi chanh dây phải đồng nhất về giống, chất lượng trái cũng như độ chín trái khi thu hoạch.

Thu mua qua hợp đồng, nông dân không bị ép giá và nếu hộ nông dân, tổ hợp tác sản xuất hiệu quả, công ty sẽ có chính sách cộng thưởng để khuyến khích - ông Nguyễn Văn Hiếu

Ông Hiếu cho biết, thu mua qua hợp đồng, nông dân không bị ép giá và nếu hộ nông dân, tổ hợp tác sản xuất hiệu quả, công ty sẽ có chính sách cộng thưởng để khuyến khích. Công ty gắn bó với nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định bằng việc ký kết hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với hộ nông dân, với giá cả đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất từ 20% trở lên sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thực tế. Trường Hoàng luôn khuyến khích nông dân thành lập các tổ hợp tác, HTX để ký hợp đồng thu mua lớn, hiệu quả hơn so với liên kết qua các hộ nhỏ lẻ do năng suất lớn và dễ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tiêu chí của công ty là tạo vùng nguyên liệu, gắn bó với nông dân để có sản phẩm “Xanh - sạch - tươi”. 

 
Theo Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)