Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra
- Thứ hai - 23/11/2015 10:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham dự lễ kỷ niệm có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy; ông Đặng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Văn Huyên - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh và đông đảo công chức, viên chức ngành Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh.
Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết nghị số 171 NQ/HT ngày 2/4/1958 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Thời kỳ đầu mới thành lập, ngành gồm có 8 cán bộ, hoạt động thanh tra chủ yếu phục vụ công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hoá sản xuất nông nghiệp, xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo chủ trương chung, tổ chức Thanh tra Hà Tĩnh được nhập về Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh với 3-5 biên chế; hoạt động tập trung tham mưu cho Uỷ ban Hành chính tỉnh trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện cuộc vận động "3 xây, 3 chống"; đảm bảo phát triển sản xuất, giao thông, phục vụ chiến đấu.
Ông Đặng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Kỷ niệm chương cho ngành Thanh tra Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Quốc
Năm 1970, Ủy ban Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh được thành lập lại theo Quyết định số 667/QĐ-UB ngày 10/11/1970 của Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh. Biên chế lúc này được tăng cường từ 8 đến 17 người (năm 1975). Hoạt động thanh tra được đẩy mạnh và mở rộng thông qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 228 của Bộ Chính trị về "đấu tranh chống lấy cắp tài sản XHCN, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự an ninh phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân”.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Nghị quyết của Quốc hội khoá V, tỉnh Nghệ Tĩnh được hình thành từ sự hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Uỷ ban Thanh tra tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban Thanh tra hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngành hình thành hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, gồm Thanh tra tỉnh, thanh tra cấp sở, ngành và thanh tra huyện; với 2 nhiệm vụ công tác chính là giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra kinh tế, xã hội, phát huy truyền thống, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1991, cùng với việc tái lập tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh tái thành lập theo Quyết định số 54/QĐ-UB ngày 7/9/1991 của UBND tỉnh, với 3 phòng chuyên môn, 15 biên chế. Tổ chức lực lượng toàn ngành có 88 cán bộ, công chức (Thanh tra tỉnh 15 người, thanh tra các huyện, thị xã 27 người, thanh tra các sở, ngành 46 người).
Trong 25 năm tiếp tục công cuộc đổi mới, ngành Thanh tra Hà Tĩnh đã thực hiện 69.876 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; phát hiện sai phạm và xử lý về kinh tế trên 529 tỷ đồng; đã tham mưu tiếp 60.087 lượt người, xử lý 43.836 đơn thư; giải quyết 16.005/ 17.237 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ bình quân hàng năm trên 92%. Tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã động viên, phát huy những nhân tố tích cực; hạn chế, phòng ngừa và xử lý các vi phạm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách sát hợp tình hình thực tế; tăng cường trật tự, kỷ cương.
Ngành thực hiện ngày càng tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ chính quyền các cấp triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Thanh tra Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác: Tham mưu - Quản lý Nhà nước - Phối hợp công tác - Tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ; tổ chức thanh tra kinh tế, xã hội có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng chính sách pháp luật, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp; tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; luôn luôn đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ công việc đột xuất của cấp uỷ, chính quyền địa phương giao, hướng đến tiếp nhận giải quyết các vụ việc có phạm vi ảnh hưởng rộng, mới, phức tạp, khó khăn.
Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị, xã hội; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, tạo sự ổn định và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội với tốc độ cao và bền vững trên quê hương Hà Tĩnh.
Với những thành tích, kết quả đã đạt được, ngành Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao qúy. Đặc biệt, trong 10 năm qua, Thanh tra Hà Tĩnh liên tục được xếp loại Đảng bộ trong sạch vững mạnh, sở, ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng 3 Huân chương, 9 Cờ Thi đua xuất sắc, 27 Bằng khen của Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành T.Ư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khác; Nhiều tập thể Thanh tra huyện, ngành, phòng nghiệp vụ Thanh tra tỉnh được tặng thưởng Huân chương, Cờ Thi đua, Bằng khen và danh hiệu thi đua cao quý khác.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy biểu dương những thành tích mà ngành Thanh tra Hà Tĩnh đã nổ lực đạt được trong nhiều năm qua.
Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy định hướng: “Trong thời gian tới, ngành Thanh tra Hà Tĩnh cần tập trung cao cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, góp phần đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện tốt xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và những lĩnh vực có liên quan, bảo đảm hoạt động của thanh tra ngày càng hiệu quả theo hướng tập trung cao, hoàn thiện từng bước tính chuyên nghiệp”.
Theo Thanh Tra