Kỹ sư bỏ thành phố về quê làm máy xúc cho nông dân

Kỹ sư bỏ thành phố về quê làm máy xúc cho nông dân
Anh Hoàng Thanh Liêm ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã sáng chế chiếc máy xúc nông sản tự động, giúp bà con nông dân ở ĐBSCL an tâm phơi hàng tấn lúa sau thu hoạch vào mùa mưa bão.

Đó là anh Hoàng Thanh Liêm, cựu sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Năm 1989, anh tốt nghiệp ĐH với tấm bằng kỹ sư rồi sau đó về giảng dạy tại trường Công nhân kỹ thuật Cần Thơ (nay là trường CĐ nghề Cần Thơ). Với nhiều sáng chế hữu ích, thiết thực, anh được phân công về TP.HCM làm việc ở một vị trí cao hơn. Sống nơi "phồn hoa đô hội", anh lại thèm về quê để làm… nông dân.

Nhiều lần về quê thấy bà con nông dân rất vất vả trong quá trình phơi nông sản. Mọi công đoạn phơi bà con đều thực hiện thủ công, rủi mà ông trời đổ mưa xuống đột ngột, hàng tấn lúa bị ngâm nước, bà con phải đối mặt với nguy cơ thất thu. Được học hành tử tế, ra trường với tấm bằng ĐH mà không làm gì cho bà con, mình áy náy lắm”- anh Liêm kể.

Do vậy, anh quyết định trở về quê với dự định sáng chế nhiều sản phẩm hữu ích giúp đỡ bà con.

Anh Liêm cho biết, có những sân phơi tập trung hàng nghìn tấn lúa, có nhiều HTX với hàng nghìn héc-ta trồng lúa, vào vụ thu hoạch rộ, lượng lúa lên đến chục, trăm nghìn tấn. Khối lượng lúa nhiều đến vậy nhưng công việc xúc lúa vào bao thường dùng sức người là chính, không có loại máy móc nào thay thế. Điều này khiến anh hết sức trăn trở và quyết tâm phải tạo ra một sản phẩm thay thế sức lao động chân tay cho nông dân.

Nghĩ là làm, sau 2 năm mày mò nghiên cứu, chiếc máy xúc nông sản vào bao đã được anh hoàn thiện. Chiếc máy này góp phần giải quyết phần lớn các công việc sau thu hoạch, chống thất thoát, giúp nông dân có thể làm chủ được thời tiết bất lợi khi phải phơi nông sản trong mùa mưa bão.

Kỹ sư bỏ thành phố về quê làm máy xúc cho nông dân - 1

Chiếc máy xúc nông sản tự động. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mặt khác, sáng chế này còn có thể sử dụng cho các lò sấy, kho nông sản, khi cần vào bao bì. Ở những nơi mà nông sản có khối lượng lớn chất thành đống hình nón hay các dạng khối bất kỳ, máy cũng có thể xúc được vào bao bì một cách thuận lợi .

Máy xúc nông sản vào bao thao tác sử dụng dễ dàng, cơ cấu đơn giản nhưng mang lại năng suất cao. Bao gồm các bộ phận: Trục nan, khoan, động cơ, tay nắm + khung sườn, bánh xe dẫn, lưỡi gà, con lăn đỡ và bàn đỡ nông sản, máy xúc nông sản có thể vận hành bằng động cơ xăng hoặc dầu diesel.

Khi động cơ khởi động, trục nan quay các tấm xúc sẽ trực tiếp va chạm với các hạt nông sản, đẩy nông sản tì vào lưỡi gà và đưa chúng lên hộc khoan (hộc khoan có nhiệm vụ chứa tạm thời trước khi đi vào miệng khoan). Tại miệng khoan, các hạt bị trục xoắn nhận và đưa lên cao theo chiều xoắn trôn ốc của lá xoắn. Đến độ cao nhất định các hạt được thoát ra ngoài tại miệng thoát và đi vào bao chứa. Tất cả hệ thống làm việc nhờ động cơ điện 1 pha 220V.

Người sử dụng có thể điều chỉnh công suất làm việc của máy tùy theo nhu cầu.

Ngoài ra, máy cũng được thiết kế một tính năng đặc biệt, đó là khi người sử dụng không muốn tự vận hành máy có thể gạt cần số để máy hoạt động tự động.

Không chỉ sử dụng đóng lúa và các nông sản khác như ngô, đậu, cà phê… máy còn sử dụng được cho tất cả các hạt có kích thước tương đương.

Máy xúc nông sản cho năng suất 4-6 tấn lúa/1 giờ (tương đương khoảng 100-120 bao lúa), giá thành bán ra cho sản phẩm khoảng 15 triệu đồng.

Với những ưu điểm thiết thực, máy xúc nông sản của anh Liêm đã giành được nhiều giải thưởng giá trị: Giải nhì hội thi sáng tạo KT Cần Thơ năm 2009, giải nhất tuần chương trình nhà sáng chế của VTV2 năm 2013, nằm trong danh sách đạt giải hội Thi STKT toàn quốc hội nông dân trung ương tổ chức năm 2015. Tại Techmart 2015, anh Liêm cũng đã ký được khá nhiều hợp đồng bán chiếc máy xúc nông sản này.

Kỹ sư bỏ thành phố về quê làm máy xúc cho nông dân - 2

Nhà sáng chế Hoàng Thanh Liêm nhận cúp vàng cho một sản phẩm mình sáng chế tại sự kiện AGROVIET năm 2012. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cho đến nay, trên thị trường vẫn chưa có loại máy chuyên dùng cho việc xúc nông sản vào bao. Trong khi nhu cầu của người dân, nhất là ở ĐBSCL cần rất lớn. Vì thế điều quan tâm nhất của tôi là giảm giá thành sản phẩm để ai cũng có thể sử dụng”- anh Liêm nói.

Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, thiếu vốn, công nghệ gia công lạc hậu... việc hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bà con vùng sâu, vùng xa là một bài toán nan giải mà anh chưa thực hiện được.

Tính đến nay, anh Liêm đã bán trên dưới 40 máy và được bà con đón nhận rất nhiệt tình vì hiệu quả sử dụng thiết thực. Anh Liêm cho biết, trong tương lai, anh sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Theo Khám Phá