Kỳ vọng từ đột phá chính sách

Kỳ vọng từ đột phá chính sách
Một giải pháp then chốt và được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt TTTD đó là liên kết cho vay giữa ngân hàng – doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thông qua các hợp đồng cho vay liên kết chặt chẽ.

Tín dụng chờ cầu vốn

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 13/3/2014, tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống vẫn giảm 1,05% so với cuối năm 2013. Phân tích chi tiết hơn có thể thấy tín hiệu khả quan: nếu như hai tháng đầu năm TTTD âm, thì 13 ngày đầu tháng 3/2014 đã có dấu hiệu tăng 0,13% so với cuối tháng 2. Tuy nhiên, do mức tăng nhẹ nên chưa thể giúp TTTD đến thời điểm này “ngoi lên mặt đất”. Nhận định về tình hình chung, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, mặc dù vẫn âm, song tín dụng đã có bước cải thiện.


Tăng trưởng tín dụng đã có bước cải thiện

Diễn biến TTTD năm 2014 có vẻ đi theo đúng quy luật trong những năm qua. Đó là âm trong 2 tháng đầu năm do có kỳ nghỉ dài ngày dịp Tết và thường tăng trở lại từ tháng thứ 3. Nếu theo dõi quy luật trong hoạt động ngân hàng thì thường những tháng đầu năm, tín dụng suy giảm là do kỳ nghỉ lễ hội và Tết, sau đó mức độ TTTD tăng dần và đạt cao nhất trong quý IV - là mùa “làm ăn” sôi động dịp cuối năm.

Trên cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngày 18/3, NHNN chính thức giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm các mức lãi suất điều hành chủ chốt khác. Động thái này của NHNN nhằm thúc đẩy TTTD đạt mục tiêu đề ra là 12-14% trong năm nay, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vì, về lý thuyết, lãi suất hạ sẽ kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất lần này của ngân hàng không được nhiều nhà kinh tế kỳ vọng sẽ tạo thành đòn bẩy cho sức sản xuất hay tạo lực cầu tiêu dùng, nhưng phát tín hiệu tích cực đến cầu tín dụng. Các chuyên gia đều có chung nhận định: hạ lãi suất không thể đẩy TTTD nhanh do vấp phải yếu tố tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa cải thiện. Và nhiều DN cũng thừa nhận rằng, việc hạ lãi suất kỳ hạn ngắn không tác động nhiều đến quyết định vay vốn của họ.

Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phát Nguyễn Mạnh Trường cho biết, hiện đầu ra sản phẩm của DN chưa có gì đột biến nên dù lãi suất giảm, DN cũng không vay thêm vốn. Hiện tại, trong cơ cấu nguồn vốn của DN này, vốn vay ngân hàng chỉ chiếm 30 - 40%.

Theo ông Trường, doanh nhân luôn muốn tối đa lợi nhuận, vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào DN cũng mong muốn lãi suất thấp. Nhưng việc giảm lãi suất chỉ trong kỳ hạn ngắn sẽ không tác động nhiều. Bởi mục đích vay vốn của DN lại tập trung cho nhu cầu đầu tư mở rộng hoặc mua mới thiết bị, đòi hỏi kỳ hạn hoàn vốn trong trung và dài hạn. Thêm vào đó, hiện các DN khác trên địa bàn khá thận trọng vay vốn vì chưa biết thị trường đầu ra sản phẩm ra sao, nên không dám mở rộng sản xuất, chỉ duy trì ổn định để tồn tại.

Lãnh đạo một DN khác lại cho rằng, nếu lợi nhuận của DN tăng 30 – 40% thì dù lãi suất có tăng, giảm vài phần trăm cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cầu vốn của DN. Bên cạnh đó, các DN đều cho rằng mức lãi suất cho vay là quan trọng, nhưng việc đẩy nhanh thời gian làm thủ tục hành chính để họ nhận được vốn giải ngân sớm còn quan trọng hơn.

Về phía ngân hàng, điều quan trọng để họ xét ký hợp đồng tín dụng và giải ngân lại là khả năng tài chính, độ khả thi của dự án, mức sinh lời có đảm bảo người vay trả nợ, lãi đúng hạn không…. Như vậy có thể thấy, TTTD phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Và xét trên tổng thể thời điểm này, TTTD đang chịu chi phối bởi tổng cầu nền kinh tế còn yếu.

Đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi giá trị

NHNN đã lên nhiều phương án cho kế hoạch TTTD của toàn hệ thống nhằm đạt mục tiêu đề ra. Theo lãnh đạo NHNN, TTTD chỉ có thể hiệu quả khi dòng chảy vốn đúng lĩnh vực cần ưu tiên, đang được khuyến khích của Chính phủ. Nếu tăng trưởng không hiệu quả, không đúng lĩnh vực cần thiết được ưu tiên thì dù đạt con số TTTD cao cũng không hẳn là kết quả tốt đẹp. Do vậy, NHNN đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng TTTD hiệu quả và đúng vào lĩnh vực ưu tiên.

NHNN luôn theo dõi sát TTTD toàn hệ thống và điều hành linh hoạt như đã thể hiện trong năm 2013 để các TCTD có khả năng TTTD bảo đảm an toàn, nhất là tăng vốn đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN cũng sẵn sàng dành cung tiền cho vay tái cấp vốn nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu, nhất là cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như tái canh cà phê, cho vay thu mua lúa gạo… NHNN khuyến khích các TCTD phối hợp bộ ngành liên quan triển khai mô hình thí điểm cho vay chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

Mới đây, Thống đốc NHNN đề xuất dành một khoản tiền nhất định hỗ trợ cho tam nông, đặc biệt là tín dụng phục vụ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; và tín dụng cho mô hình sản xuất mới phục vụ cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản…

“Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất hàng hóa theo quy mô nhỏ, manh mún thì sản phẩm không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp của các nước láng giềng”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN - ông Nguyễn Viết Mạnh nêu quan điểm và lấy THTrue Milk làm ví dụ cho mô hình điển hình áp dụng công nghệ cao, làm cho sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Hay như hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng cho thấy, vốn đầu tư vào mô hình này an toàn hơn nên ngành Ngân hàng đang tập trung “đẩy” nhiều vốn vào đây để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp…

Một giải pháp then chốt và được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt TTTD đó là liên kết cho vay giữa ngân hàng – doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thông qua các hợp đồng cho vay liên kết chặt chẽ. Sắp tới NHNN sẽ phối hợp với các Hiệp hội, DN vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh để triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh. Với những giải pháp tổng thể như vậy, kỳ vọng thời gian tới tín dụng sẽ có mức tăng trưởng mạnh hơn.

Theo thoibaonganhang.vn