LẠ MÀ HAY: Xếp hàng trăm bao đất trong bồn chỉ để...nuôi con trơn
- Thứ ba - 28/11/2017 10:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang hiện đang có trên 300 hộ dân chọn mô hình nuôi lươn đồng trong bồn bằng ni lông, bên trong sẽ chất bao cát chứa đầy đất sét dẻo trộn bùn non. Bên trên các bao cát bà con trồng một số rau vừa để che mát vừa tăng thêm nguồn thu nhập.
Ông Trần Văn Gon, ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành đang xếp hàng trăm bao đất trong bồn lót bạt để chuẩn bị thả nuôi vụ lươn mới.
Ông Trần Văn Gon, ngụ ấp Vĩnh Phúc cho biết: “Mô hình nuôi lươn bằng cách xếp bao đất đã có trên 15 năm qua tại địa phương và rất phù hợp cho những hộ ít vốn, ít đất sản xuất, khả năng rủi ro thấp. Giá bán lươn đồng nuôi khá ổn định nên người nuôi rất yên tâm”.
Niên vụ nuôi lươn 2016-2017, Với 4 bồn thả nuôi lươn, ông Trần Văn Gon có được 80 triệu đồng tiền lãi chỉ trên môt diện tích chưa đến 100m2 quả là con số rất hấp dẫn đối với nông dân.
Vụ lươn 2016-2017, ông Gon thả nuôi lươn đồng trong 4 bồn chứa, mỗi bồn có kích thước rộng 2,4m, dài 8m, cao 1m. Bên trong các bồn ông Gon chất 800 bao đất loại nhỏ, mỗi bao nặng khoảng 12 ký gồm đất sét dẻo và bùn sình non. Bình quân chi phí để làm 1 bồn lươn khoảng 700-800 ngàn đồng. Mỗi bồn ông Gon thả nuôi 50 ký lươn giống. Sau 12 tháng nuôi ông Gon thu hoạch được 120 ký lươn/ bồn, trừ hết chi phí thức ăn cho lươn, ông Gon lãi 20 triệu/ bồn.
Người dân xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) làm bồn lót bạt, xếp hàng trăm bao đất để nuôi lươn làm cặp ngay bờ kênh với chi phí từ 700-800 ngàn đồng/bồn.
Ông Nguyễn Văn Sết, người đã có gần 10 năm nuôi lươn trong bồn xếp bao đất chia sẻ: "Người nuôi phải chọn lươn giống từ các cơ sở có uy tín. Khi chất bao đất bên trong sao cho vẫn có kẻ hở để lươn chui vào ẩn nàu và tránh ánh sáng. Người nuôi phải trồng rau màu tạo bóng mát bên trên để hạn chế lượng mưa to, nắng gắt; Mực nước trong bồn nuôi lươn luôn duy trì từ 20-30cm là phù hợp nhất.
Nhiều hộ dân xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) còn làm bồn lót bạt, xếp bao tải đất nuôi lươn ở trong các khu vườn.
Theo ông Trần Văn Sết, người nuôi lươn phải thường xuyên thay nước bên trong bồn lươn để tránh ô nhiễm. Kích cỡ lươn giống thả nuôi tốt nhất từ 40-60 con/kg, đồng đều, không bị xây xát. Mỗi ngày chỉ cho lươn ăn từ 1-2 lần. Người nuôi lươn cần chú ý các bệnh thường gặp ở lươn như : bệnh lở loét, bệnh nấm thủy mi, bệnh tuyến trùng...Những bao đựng đất sét dẻo trộn bùn sình non có thể tái xử dụng trong nhiều lần thả nuôi lươn tiếp theo để tiết kiệm tiền mua bao mới.
Làm bồn lót bạt rồi xếp hàng trăm bao đất vào để nuôi lươn là mô hình hiệu quả, giảm chi phí và giúp lươn nuôi phát triển tốt.
Điều rất thuận lợi là đa phần người dân xã Vĩnh Hanh nuôi lươn đồng bằng thức ăn ốc bươu vàng pha lẫn cua đồng, cá vụn có rất nhiều tại đồng ruộng địa phương nên chi phí đầu tư rất thấp. Để không cạn nguồn thức ăn này nhiều hộ nuôi còn làm các chuồng trại để chứa ốc các loại, cua, cá không gián đoạn nguồn thức ăn cho lươn đồng.
Người nuôi lươn thu gom, trữ các loại ốc, cua để làm thức ăn cho lươn nuôi trong bồn.
Ông Nguyễn Văn Chính, trưởng ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh nhận xét : “Mô hình nuôi lươn bằng bao đất trong bồn đã và đang là nguồn thu chủ lực của rất nhiều nông dân tại địa phương với những đặc điểm thuận lợi: ít vốn, dễ làm, lời nhiều, không cần nhiều diện tích”.