Lai Châu: Đổi thay sau 10 năm nỗ lực phủ xanh rừng cao su
- Thứ ba - 03/04/2018 03:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lai Châu nằm ở khu vực biên giới phía Tây Bắc của đất nước với địa hình miền núi phức tạp, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Lai Châu đã triển khai Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn.
Nhằm triển khai chương trình có hiệu quả, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020, bao gồm 4 tiểu vùng: Tiểu vùng I: Quy hoạch diện tích tự nhiên 26.000 ha trên địa bàn 10 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ gồm: Ma Quai, Nậm Tăm, Nậm Cha, Nậm Cuổi, Căn Co, Noong Hẻo, Nậm Hăn, Nậm Mạ, Pu Sam Cáp và một phần xã Tả Ngảo để trồng 11.500 ha cao su.
Cây cao su được trồng ở huyện Sìn Hồ, đang cho hiệu quả kinh tế cao. |
Tiểu vùng II: Quy hoạch diện tích tự nhiên 3000 ha trên địa bàn 5 xã thuộc lưu vực sông Nậm Na huyện Phong Thổ gồm: Mường So, Nậm Xe, Khổng Lào, Hoang Thèn và Huổi Luông để trồng 1600 ha cao su. Tiều vùng III: Quy hoạch diện tích tự nhiên 14.000 ha trên địa bàn 10 xã thuộc lưu vực sông Nậm Na huyện Sìn Hồ gồm: Chăn Nưa, Lê Lợi, Pú Đao, Xà Dề Phìn, Pa Tần, Nậm Ban, Tủa Sín Chải, Làng Mô, Tả Phìn, Hồng Thu để trồng 6500 ha cao su. Tiểu vùng IV: Quy hoạch diện tích tự nhiên 15.000 ha trên địa bàn 6 xã huyện Mường Tè gồm: Nậm Hàng, Nậm Manh, Mường Mô, Kan Hồ, Nậm Khao, Mường Tè để trồng 7000 ha cao su.
Tiểu vùng V: Quy hoạch diện tích tự nhiên 7000 ha trên địa bàn 5 xã: xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên), xã Phúc Than, Mường Than, Mường Cang, thị trấn Than Uyên thuộc huyện Than Uyên để trồng 3400 ha cao su.
Cùng với đó, tỉnh cũng định hướng hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng cao su gồm: 300 km hệ thống giao thông đến vùng quy hoạch và trong vùng quy hoạch, 60 nhà đội và nhà ở công nhân, 15 nông trường, 15 làng công nhân, 15 vườn ươm cố định, 7 nhà máy chế biến mủ cao su.Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh Lai Châu, đến nay, toàn tỉnh có 13.220 ha diện tích cây cao su trong đó: Diện tích cao su đại điền là 12.771,6 ha, diện tích cao su tiểu điền là 508,4 ha. Năm 2017, tổng diện tích khai thác tăng lên 1.500 ha, sản lượng khai thác kế lũy tính đến ngày 28/9/2017 là 436,53 tấn mủ quy khô.
Song song với việc triển khai chương trình phát triển cây cao su, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó tập trung chủ yếu tại các Công ty cao su trên địa bàn.
Cụ thể, tổng kinh phí hỗ trợ là 46.347,6 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ về đào tạo là 473,1 triệu đồng (Công ty Cổ phần cao su Lai Châu là 318,5 triệu đồng, Công ty Cổ phần cao su Dầu Tiếng Lai Châu là 154,6 triệu đồng). Số tiền hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 43.776,5 triệu đồng. Còn số kinh phí hỗ trợ áp dụng định mức lao động là 2098 triệu đồng (hỗ trợ Công ty Cổ phần cao su Dầu Tiếng Lai Châu).
Việc triển khai trồng cao su đã từng bước giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, nhất là các hộ tái định cư trong vùng dự án trồng cao su. Đến nay, có khoảng 1.300 lao động thường xuyên làm việc tại các công ty cao su. Dự án đồng thời cũng đã mang lại ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng rất lớn, giúp tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.
Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường cao su cũng có nhiều biến động, do vậy, UBND tỉnh Lai Châu đã thống nhất với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam xác định hướng phát triển cây cao su trong thời gian tới như sau: tiếp tục chăm sóc diện tích 13.220 ha cây cao su hiện có, tăng sản lượng cao su khai thác lên 10.000 ha đến năm 2020, năng suất bình quân là 1,5 tấn/ha/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 4.000 người lao động, xây dựng 2 nhà máy chế biến mủ cao su với dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo chế biến mủ cao su đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển cao su đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân vùng trồng cây cao su về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, vận động Nhân dân tham gia góp đất trồng cây cao su, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích cao su hiện có, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào công tác trồng, chăm sóc, cạo mủ cây cao su theo hướng giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh việc đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng góp đất cho các hộ gia đình đã tham gia góp đất trồng cây cao su, ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương vào làm công nhân trực tiếp chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su.
Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư triển khai xây dựng 02 nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo chế biến mủ cao su đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường tại xã Nậm Tăm và Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân của các Công ty Cao su trên địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh, cây cao su đang sinh trưởng, phát triển tốt, công nhân và người dân cần tích cực chăm sóc những diện tích cây cao su đã có để cây cho sản lượng mủ cao. Giá mủ cao su trên thị trường đang tăng đây là tín hiệu vui đối với người trồng cao su, mong rằng cây cao su sẽ là cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình phát triển cây cao su, đến nay, các cấp, ngành và bà con nhân dân trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò của cây cao su cũng như lợi ích của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Chương trình đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức sản xuất của một bộ phận không nhỏ người dân trong vùng, giúp khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi trọc, chống xói mòn và rửa trôi đất, tăng độ che phủ rừng. Có thể nói Chương trình phát triển cây cao su là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Thái Sơn/gaidinhvaphapluat.vn