Lãi suất cho vay hạ nhiệt

Lãi suất cho vay hạ nhiệt
Giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn đang được quán triệt trong toàn hệ thống ngân hàng. Hai ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ trần lãi suất huy động tiền gửi VNĐ kỳ hạn 6 tháng trở xuống về mức 6%/năm, các ngân hàng đã công bố biểu bảng lãi suất cho vay mới. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
 
 
 
Hạ lãi suất cho vay giúp cho doanh nghiệp có thêm điều kiện 
tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất
Ảnh: Hoàng Long
 
Nhiều lĩnh vực ưu tiên giảm lãi suất 
 
Đi tiên phong lần này vẫn là các đại gia, trong đó BIDV cho biết  trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 7 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%/năm. Các đối tượng ưu tiên gồm: Phát triển nông nghiệp nông thôn, tài trợ xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, khắc phục bão lũ, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra, tôm.
 
Với các đối tượng thông thường, BIDV tiếp tục tuân thủ mức trần lãi suất 13,0%/năm đối với cho vay sản xuất kinh doanh theo quy định của NHNN (riêng cho vay ngắn hạn dưới 6 tháng tối đa không quá 9,5% năm).
 
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đưa mức lãi suất cho vay mới hạ nhiệt 1%. Với lãi suất cho vay ngắn hạn, áp dụng lãi suất VND cho vay tối đa là 8%/năm.  Ngoài việc giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 8%/năm, riêng cho vay ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tối đa là 7%/năm. 
 
Các ngân hàng thương mại khác cũng phát đi thông điệp, hạ lãi suất cho vay. Ông Rahn Wood, Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, hiện đang hướng việc giảm lãi suất tới lĩnh vực tiêu dùng, đặc biệt là các khách hàng khu vực bất động sản vì nhóm khách hàng này có khả năng chứng minh được nguồn trả nợ.
 
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, việc giảm các lãi suất căn cứ trên các điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Đây là động thái nhắm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Giảm lãi suất là cơ sở quan trọng để giảm cho vay, cùng với nhiều biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
 
 Đứng ở phía khách hàng, giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối rau sạch Eco Bắc Hà cho biết: "Tôi rất mừng vì nghe thông tin giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay. Nhưng ai được tiếp cận, tiếp cận như thế nào mới là điều quan trọng. Bản thân tài sản thế chấp của doanh nghiệp nông nghiệp không có, rủi ro trong nông nghiệp cao vì thường xuyên đối diện cảnh mất mùa được giá, được giá mất mùa, giá cả trồi sụt. Hi vọng cùng với chính sách này Ngân hàng Nhà nước mở ra cơ chế vay hợp lý hơn để DN dễ tiếp cận vốn”.
 
 
Lãi suất giảm sẽ kéo theo chi phí sản xuất giảm
Ảnh: Hoàng Long
 
Mở ra cơ chế tiếp cận vốn mới
 
Việc đưa lãi suất xuống là cơ sở để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đồng thời thực hiện chỉ đạo của NHNN thông qua các giải pháp như gắn kết giữa hệ thống tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, với khách hàng tạo mối liên kết hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xét cơ cấu lại nợ, dành những chương trình thí điểm được kỳ vọng tín dụng sẽ nhích tăng.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng,  lãnh đạo ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng mặt bằng lãi suất mới cả cho vay và huy động sẽ được thiết lập. Ông cũng cho biết, trước đây khi cho vay, các ngân hàng chỉ quan tâm cho ai vay và vay để làm gì, nhưng bây giờ phải quan tâm thêm cả việc ngân hàng có tìm được đầu ra hay không? Vì dù lãi suất hạ nữa, nhưng không kích cầu, DN chưa thoát khỏi khó khăn thì cũng không có người vay vốn.
 
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định, các ngân hàng nhanh nhẹn thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay là điều rất cần thiết, mũi tên trúng hai đích. Bản thân ngân hàng đang thừa vốn, sẽ có thêm cơ hội giải ngân vốn,  doanh nghiệp đang cần vốn thêm cơ hội tiếp cận được vốn. Khi lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm chắc chắn sẽ tạo cơ hội làm ăn cùng có lợi hơn cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. 
 
Cú hích thúc đẩy đầu tư sản xuất?
 
Trước quyết định hạ lãi suất trần huy động tiền gửi của ngân hàng Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là quyết định mang ý nghĩ thiết thực nhằm khôi phục nền kinh tế. Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động đầu tư sản xuất hơn. Đây chính là điều kiện để DN tiếp cận vốn rẻ và là điều kiện để DN cải tiến công nghệ hiện đại nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu.  Tuy nhiên một số DN lại bày tỏ quan điểm lo ngại sức mua hiện nay bị "bế quan, tỏa cảng” thì việc hạ lãi suất cũng không có giá trị cao trong lúc này. 
 
Quan điểm của DN là thế còn về phía các chuyên gia kinh tế có phần lạc quan hơn. Bởi vì, theo quy luật kinh tế sức mua phụ thuộc vào giá. Chỉ khi nào lãi suất giảm kéo theo giảm chi phí  và giảm giá sản phẩm khi đó tổng cầu mới có khả năng tăng cao. Cho nên, giảm lãi suất chính là tăng sức mua thị trường. Còn theo các Bộ ngành thì tình hình sản xuất và kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc khi một số ngành khởi động đầu năm 2014 theo chiều hướng đi lên. 
 
Nhìn nhận về khả năng tiếp cận vốn trong thời gian tới của DN ông Nguyễn Văn Trình, chuyên gia kinh tế khẳng định: "Trước đây chưa hạ lãi suất cơ bản thì ngân hàng chưa có điều kiện pháp lý cho vay với lãi suất thấp hơn. Giờ đã có quyết định hạ lãi suất huy động thì ngân hàng chắc chắn sẽ đẩy vốn ra nhằm đảm bảo kinh doanh có lãi”. Ông cũng cho biết thêm, lãi suất cơ bản giảm, chắc chắn trái phiếu Chính phủ cũng giảm. Khi đó ngân hàng thấy không có lợi từ việc mua trái phiếu bắt buộc quay ra cho DN vay. Nghĩa là giảm lãi suất thì đường đi của đồng vốn từ ngân hàng đến với DN sẽ được rút ngắn hơn. 
 
Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, hạ lãi suất không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ cũng muốn giảm lãi suất để đẩy thị trường chứng khoán lên. Nghĩa là, khi giảm lãi suất một số vốn của người dân vào ngân hàng không còn hiệu quả cao, cho nên những đồng vốn đó lại được đẩy đến chứng khoán. Song song đó, cổ phiếu được khôi phục lại. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh thu hút vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất.
 
Thúy Hằng - Thanh Giang
Nguồn daidoanket.vn