Lâm Đồng: Ðồng bào dân tộc thiểu số trồng rau hữu cơ

Lâm Đồng: Ðồng bào dân tộc thiểu số trồng rau hữu cơ
Nói không với thuốc BVTV, phân hóa học, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản hay đất ô nhiễm, là nguyên tắc trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng.

Hiện, những sản phẩm rau hữu cơ của ông Liêng Jrang Ha Srỗn, Thôn 4, xã Ðạ Sar, huyện Lạc Dương, đang được công ty thu mua với giá cao.

rau-966.gif

 Ông Ha Srỗn canh tác hữu cơ tại vường nhà

Do nằm trên đồi, nên vườn rau ông Srỗn, nối tiếp nhau theo bậc thang. Ông kể: mình chưa có kiến thức sản xuất, nên khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn, mình luôn là người tích cực tham gia.

“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ phá cà phê để trồng rau thôi, nhưng được dự hội nghị của huyện về “phát triển nông nghiệp không hóa chất”, tôi mới có định hướng rõ, nên trồng gì, và làm nông nghiệp như thế nào. Bởi thực phẩm sạch đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, vì nó liên quan đến sức khỏe con người” - Ha Srỗn nói.

Song, nhiều nông dân góp ý, trồng theo kiểu truyền thống đã khó, trồng hữu cơ càng khó hơn, đầu ra cũng chênh lệch không bao nhiêu. Thế nhưng, Ha Srỗn vẫn quyết tâm, và chứng minh là họ đã sai. 

Sau khi nắm vững quy trình trồng rau sạch, được ngành nông nghiệp hỗ trợ, ông mạnh dạn trồng 6 sào súp lơ hữu cơ. Tháng 8/2018, ông liên kết với Công ty Jan’s sản xuất rau hữu cơ. Và hiệu quả mang lại thật sự lớn.

Trong khi mọi người được thương lái thu mua loại 1 với giá 8.000 đồng. Còn lại xả hàng, loại bỏ (1 tạ thương lái lựa hàng đẹp khoảng 20 kg còn lại giá rẻ bèo).

Trong khi sản phẩm của ông Srỗn được thu mua 100% với giá 15.000 đồng đổ đều, nếu cây nào hư, không có bông, được  Công ty hỗ trợ 3.000 đồng/ gốc.

Nhờ đó, ông không sợ rơi vào cảnh được mùa mất giá. Hiện, với 6 sào súp lơ ông thu về 90 triệu đồng/ vụ 4 tháng. 

Hiện, xã có 50 ha nông nghiệp công nghệ cao, thời gian tới, tiếp tục vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có liên kết chặt chẽ với công ty để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp Lạc Dương cho biết: Nông nghiệp Lạc Dương đã đạt được 1 số thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại.

Song, đang đứng trước thách thức ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất bạc màu, sâu bệnh. Để khắc phục những nhược điểm trên, Lạc Dương đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ.

Thực tế, huyện đã mở rộng diện tích công nghệ cao, nhưng mới có 2 doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ, với diện tích gần 6 ha, và mới thực hiện trên trồng trọt.

Những mô hình xen canh hiệu quả ở xã Dliê Ya  

Toàn xã Dliê Ya, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có khoảng 1.000 đoàn viên, thanh niên, thời gian qua, do không có việc làm ổn định, nên nhiều thanh niên đi lao động ở khu công nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động Đoàn.

đl-93.jpg

 Anh Huân trong vườn cây trồng xen canh của gia đình 

Vì vậy, Đoàn xã đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế, để giúp thanh niên phát triển sản xuất ngay tại quê hương. Từ đó, nhiều đoàn viên đã mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu tại quê nhà.

Đoàn viên Phạm Công Huân, sinh năm 1985, Bí thư Chi đoàn thôn Ea Bi, một lần xem tivi, thấy mô hình xen canh nhiều loại cây trên đơn vị diện tích, thu nhập cao hơn, anh đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm.

Hiện, anh có 2 ha cà phê, xen 300 cây chanh dây, 200 cây bơ, 100 cây sầu riêng, 1.000 trụ tiêu, trừ chi phí, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Anh Huân cho biết: “Trồng xen nhiều loại cây, dù cà phê không ổn định, vẫn có thu nhập, vì mất nguồn này sẽ có nguồn khác”.

Tương tự, anh Phan Thanh Sơn, buôn Dliê Ya A, cũng làm giàu ngay trên đồng ruộng. Sau khi dành dụm tiền mua 1 ha đất trồng hồ tiêu xen canh: chanh dây, bơ, sầu riêng.

"Lúc đầu còn lưỡng lự, vì vốn lớn, nhưng trồng thuần hồ tiêu thì chỉ đủ ăn, không dư. Trồng xen canh, vừa có tác dụng che nắng, chắn gió, chống khô hạn cho cây trồng chính, còn đem lại nguồn thu đáng kể. Hiện, sau khi trừ chi phí, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”- Anh Sơn chia sẻ

Đắk Nông: Đẩy mạnh sản xuất hồ tiêu hữu cơ, sinh học

Trước thực tế dịch bệnh phát sinh gây hại nhiều trên cây hồ tiêu thời gian qua, nhiều nông dân đang sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh, hướng tới sản xuất bền vững cho hồ tiêu.

tieu-69.jpg

 Với diện tích 2 ha, bà Thể thu 6-7 tấn hồ tiêu hữu cơ

Bà Nguyễn Thị Thể, thôn 3, xã  Hưng Bình (Đắk R’lấp) đã trồng hồ tiêu gần chục năm nay.  Nhưng do chưa quan tâm đúng mức chất lượng, nguồn gốc cây giống, lạm dụng phân bón để tăng năng suất, nên có lúc bị chết trắng gần 1 ha hồ tiêu.

3 năm nay, bà đã hạn chế được tình trạng hồ tiêu bệnh, chết nhờ canh tác theo hướng hữu cơ. Bà Thể cho biết: Thực ra sản xuất hữu cơ, sinh học là cách bao đời nay nông dân Việt Nam đã làm.

Ví như dùng phế phẩm nông nghiệp, cây phân xanh, ủ với chất thải gia súc, gia cầm đến khi hoai mục thì bón cho cây. Trồng các loại cây che bóng, chắn gió, cây làm trụ cho tiêu leo.

Phương pháp hữu cơ như hiện nay chi phí ít hơn khoảng 20-30%. Bình quân hàng năm, vườn tiêu bà Thể đạt 6-7 tấn/ 2 ha. Sản lượng khá cao, cộng với việc thu hái quả chín nhiều, đạt trên 95% nên giá bán cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.

Ông Trần Văn Giang, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có 3 ha hồ tiêu. Song ít khi bị bệnh, năng suất khá ổn định, khoảng  2,5-3 tấn/ ha. Được như vậy, do ông kiên trì sản xuất theo hướng sinh học.

Tính đến cuối năm 2018, Đắc Nông  có trên 32.700 ha hồ tiêu, sản lượng đạt 32.734 tấn. Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đăk Nông thì, đây là xu thế tất yếu, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mặc khác, hồ tiêu được sản xuất VietGAP, GlobalGAP, Oganic chưa nhiều, song, đã chứng tỏ những ưu việt nông dân cần học tập, áp dụng rộng rãi.

Ia Grai: 80ha cà phê bị chết do không được tưới nước

Huyện Ia Grai vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Gia Lai về việc xung đột giữa người dân xã Ia Grăng với Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai.

c-fee-899.jpg

 Người dân Ia Grai đang thu hái cà phê

Theo UBND huyện Ia Grai, năm 2016, trước khi cổ phần hóa, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai), cho công nhân trồng xen sầu riêng, bơ trong vườn cà phê, để chắn gió, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, đầu năm 2019, Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai họp công nhân, phổ biến chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng chuối, và hứa sẽ đền bù thỏa đáng, khi nhổ bỏ để trồng chuối.

Sau cuộc họp, một số hộ công nhân đã đồng ý nhổ bỏ 60 ha cà phê già cỗi, sang trồng chuối. Đối với diện tích còn lại, Công ty yêu cầu công nhân không được tưới nước để chuyển sang trồng chuối.

Hậu quả là 60 ha cà phê kinh doanh và 20 ha cà phê tái canh bị chết. Cây  chết, Công ty tiếp tục “hứa miệng” sẽ đền bù 20.000 đồng/cây.

Người dân không đồng ý, Công ty thay đổi phương án “ai thích thì chuyển đổi”, nếu bỏ đất trống 3 năm, sẽ thu hồi.

Hiện, có  khoảng 60 ha đã nhổ bỏ cà phê, nhưng chưa trồng chuối; 80 ha  bị chết do Công ty không cho tưới, ảnh hưởng đến thu nhập của 140 công nhân.

Nghiêm trọng hơn, dù người dân chưa đồng thuận mức đền bù, nhưng Công ty đã đưa máy móc vào nhổ cây, dẫn đến xung đột 2 bên. Vì vậy, huyện Ia Grai đề nghị Tỉnh, các sở, ngành sớm giải quyết.

Được biết, trước đây, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai quản lý 362 ha đất tại xã Ia Grăng. Trong đó, cà phê đang kinh doanh là 229,48 ha; một số trồng mới, tái canh từ năm 2000 - 2015; có 239 hộ (82 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) nhận khoán và tái canh.

 An Như (tổng hợp)/ Kinh tế nông thôn