Lâm Đồng: Làm giàu từ cây bơ trên đất boxit
- Thứ tư - 19/09/2018 04:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tôi ghé thăm vườn bơ vào thời điểm trời đang mùa mưa nên đường vào trang trại nhiều bùn lầy và đá ghồ ghề bởi vùng đất này toàn đá boxit, trời nắng còn đi lại dễ chứ mùa mưa thì rất khó. Bởi vậy ông chủ Nguyễn Văn Tắc cũng thường ở lại trang trại để tiện quản lý. Nhìn trang trại bơ trồng thuần một màu xanh với những quả lủng lẳng trên cành mà thầm cảm phục người nông dân với tình yêu nghề mới dám đầu tư vào vùng đất đá như thế này.
Tiếp tôi với gương mặt tươi cười, ông Tắc khoe với tôi những sọt bơ vừa thu hoạch đang được các thương lái vào đóng thu mua tận vườn. Ông cho biết chỉ bán cho các thương lái trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn không đủ hàng, bởi vào thời điểm tháng 7, hầu hết các vườn trồng bơ giống BLĐ 034 đã thu hoạch hết thì vườn của ông Tắc đang còn trĩu quả. Vì vậy giá bán của ông cũng cao hơn nhiều so với thời điểm trước đó khoảng 1 tháng. Ông Tắc chia sẻ vườn bơ của ông do cắt mầm bán nhiều nên quả ra muộn hơn so với thời vụ. Các vườn bơ khác hầu như đã hết quả nhưng vườn của ông quả vẫn còn nhiều, phải hơn tháng nữa mới thu hoạch xong, thu trái vụ lại bán được giá hơn so với những vườn ra trái đúng vụ.
Trang trại bơ BLĐ 034 của ông Nguyễn Văn Tắc
Ông Tắc nói: “Năm 2011, tôi tình cờ nhận thấy giống bơ trong vườn của ông Dậu rất ngon và có nhiều đặc tính nổi trội nên tôi quyết định đầu tư thâm canh 4 ha trồng 1.100 cây bơ ghép giống BLĐ 034 từ cây đầu dòng của ông Nguyễn Văn Dậu. Lúc đó tôi vẫn tìm hiểu và biết nhiều giống bơ nhập nội khác, nhưng cuối cùng vẫn quyết định chỉ trồng 1 giống bơ BLĐ 034”.
Mặc dù trồng trên vùng đất đồi đá, vùng đất khai thác đá boxit rất khó canh tác, nhưng với suy nghĩ và tâm huyết với cây bơ, ông đã tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là đầu tư phân hữu cơ để cải tạo đất, từ đó trang trại bơ sinh trưởng phát triển tốt. Sau 3 năm vườn bơ đã cho thu hoạch bói, sản lượng hàng năm tăng dần. Riêng năm nay dự kiến sản lượng trên 60 tấn. Ngoài ra hàng năm ông còn thu từ bán chồi ghép khoảng 1 tỷ/năm để chi phí cho công lao động, công bảo vệ và phân thuốc cho vườn cây. Như vậy lợi nhuận ròng hoàn toàn từ việc thu hái quả bơ dự kiến năm 2018 khoảng 60-70 tấn.
Theo chân ông đi thăm một vòng vườn bơ, nghe những chia sẻ về cây bơ cùng những suy nghĩ của ông chứng tỏ ông đã bỏ công sức rất nhiều vào nghiên cứu và học hỏi về cây bơ, đầu tư phân hữu cơ cũng như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó ưu tiên sử dụng các dòng thuốc sinh học. Vườn bơ được ông cắt tỉa, tạo tán đều giúp cây có bộ tán gọn và không bị cạnh tranh ánh sáng cũng như việc thu hái thuận tiện hơn, cắt tỉa những quả nhỏ, quả xấu, dị hình… Vườn cây thông thoáng nên cũng hạn chế sâu bệnh, chủ yếu là phun bổ sung phân bón trung vi lượng và dùng các chủng vi sinh để phòng bệnh, giúp quả to đẹp, trung bình 2-3 quả/kg. Để quả bơ có giá cao, ngoài việc chất lượng đảm bảo thì cũng cần mẫu mã đẹp để giúp nâng cao giá trị sản phẩm, có thể cạnh tranh trên thị trường.
Có thể nói, nhờ định hướng đúng đắn, ông Nguyễn Văn Tắc đã lựa chọn cách làm hay phù hợp với mảnh đất khô cằn toàn đá boxit cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ông là tấm gương sáng về tinh thần “dám làm”, luôn nỗ lực học hỏi tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp mà bà con nông dân có thể noi theo.
Hoài Nam
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng/ Khuyến nông