Lâm Đồng: Liên kết phát triển cây thanh long ruột đỏ tại xã Nam Hà
- Thứ năm - 19/09/2019 09:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Nam Hà là vùng chuyên canh cây cà phê của huyện Lâm Hà, nhưng từ năm 2013, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, cây thanh long ruột đỏ đã “bén rễ” nơi đây, khi vài hộ trồng thử giống thanh long ruột đỏ cho kết quả rất tốt như sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất thu hoạch cao, trái ngọt, ruột trái có màu đỏ tím rất đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, toàn xã có gần 70 ha cây thanh long ruột đỏ và điều rất đáng mừng với những người nông dân trồng thanh long ở xã Nam Hà là họ đã liên kết lại với nhau thành lập Hợp tác xã Cây ăn trái thanh long Nam Hà (HTX).
Anh Trần Văn Dũng, Giám đốc HTX cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long ở xã Nam Hà. Anh là một trong những thành viên đi đầu, vận động thành lập HTX và khi Hợp tác xã Cây ăn trái thanh long Nam Hà ra đời vào tháng 6/2019, anh trở thành Giám đốc dù tuổi đời còn rất trẻ. Anh Dũng cho rằng, trồng cây gì cũng phải chú trọng đầu ra. Muốn có đầu ra ổn định, tìm được đối tác bao tiêu sản phẩm, phải có một diện tích nhất định, trồng theo đơn đặt hàng, đúng theo tiêu chuẩn quy định để chất lượng trái đồng đều. Vì vậy, cùng với 16 thành viên, HTX có 17 ha thanh long đang cho trái để cùng hợp tác. Thành viên của HTX không chỉ các hộ trồng thanh long ở xã Nam Hà mà còn ở vùng lân cận như xã Phi Tô, Tân Văn, Đông Thanh (Lâm Hà) và cả một số thành viên ở huyện Đức Trọng.
Hợp tác xã Cây ăn trái thanh long Nam Hà không chỉ bao tiêu sản phẩm cho nội bộ các xã viên mà còn chuyển giao kỹ thuật, thu mua trái của tất cả những hộ trồng thanh long trong vùng, tạo nên vùng nguyên liệu thanh long ổn định.
Theo ông Trần Văn Diên, một trong 17 thành viên sáng lập HTX cho biết, cây thanh long ruột đỏ trồng ở xã Nam Hà cho năng suất rất cao, trái to, màu trái đẹp, 1 ha có thể trồng được 1.300 trụ, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng/ha nếu trồng bằng trụ; 250 - 350 triệu đồng/ha nếu trồng bằng giàn, khoảng cách trồng 2,7 x 2,8m. Từ khi trồng đến khi thu hoạch quả bói khoảng 12 tháng. Cây trồng từ 2,5 - 3 năm cho thu hoạch chính và cho thu trái quanh năm, mùa thuận kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, trái vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau và phải thắp điện chiếu sáng cho cây thanh long ra hoa, đậu trái. Thời gian chiếu sáng từ 15 - 22 ngày, từ 20 giờ hoặc 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Sau khi ngắt điện 3 - 5 ngày, cây bắt đầu ra hoa, đậu trái, thời gian khoảng 2,5 - 3 tháng là bắt đầu cho thu hoạch, cứ 25 - 40 ngày cho thu 1 đợt, một năm trung bình thu được 8 đợt. Quả thanh long khi thu hái trong điều kiện thường có thể bảo quản được từ 20 - 25 ngày, rất thuận tiện trong việc vận chuyển đi xa và bán tại các chợ. Theo tính toán của ông Trần Văn Diên thì sau 3 năm trồng, trung bình mỗi trụ thanh long ruột đỏ cho từ 20 - 30 kg trái/năm, với 1.300 trụ, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng cây cà phê. Tuy nhiên, việc chăm sóc cây thanh long nơi đây khó hơn so với trồng ở vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, thời gian trái chín lâu hơn tới 40 ngày mới cho thu hoạch đợt trái tiếp theo. Chăm sóc khó nhưng trái ngon, đẹp, vườn nhà ông có trái nặng tới 1 kg, giá bán trên thị trường luôn cao hơn trái cùng loại.
Ông Trần Văn Diên bên vườn thanh long của gia đình
Để sản phẩm thanh long đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, HTX luôn định hướng cho các xã viên sử dụng chủ yếu phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh bón cho cây, đây là yếu tố giúp cây thanh long cho năng suất cao, phẩm chất tốt. Ngoài ra, các công đoạn chăm sóc cũng ít phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, bởi loại cây này có sức đề kháng với sâu bệnh khá tốt. Chính vì vậy mà vừa mới được thành lập nhưng HTX đã tìm được đối tác có chung mục tiêu xây dựng thương hiệu thanh long Nam Hà, đó chính là Công ty TNHH Mộc Lan Viên ở thành phố Hồ Chí Minh. Công ty chuyên về hạt giống, xuất nhập khẩu trái cây và nhiệt tình hợp tác với bà con trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác thanh long bền vững, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu thanh long xã Nam Hà và bao tiêu sản phẩm.
Anh Trần Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái thanh long Nam Hà cho biết, trong thời gian tới, HTX sẽ kết nạp thêm các xã viên và tìm kiếm thêm đối tác để thu mua, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng quy trình sản xuất hoàn chỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, HTX sẽ đồng hành cùng bà con xã viên xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây thanh long phát triển bền vững, có tem truy xuất nguồn gốc để có sản phẩm xuất khẩu nhằm đưa thương hiệu thanh long Nam Hà vươn ra thế giới.
Bùi Hằng
TTKN Lâm Đồng/ Khuyến nông VN