Lâm Đồng: Tìm lại thương hiệu cho cây dứa Cayen trên đất D’ran

Lâm Đồng: Tìm lại thương hiệu cho cây dứa Cayen trên đất D’ran
Cây dứa Cayen với ưu thế sinh trưởng và phát triển tốt trên địa hình đồi dốc, đã được trồng tại thị trấn D’ran từ rất lâu. Hiện nay, dứa Cayen của thị trấn D’ran đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền, làm gia tăng hiệu quả kinh tế, nông dân càng có niềm tin gắn bó lâu dài với loại trái cây đặc sản này.

Dứa Cayen một thời gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân của thị trấn D’ran nói riêng và nhân dân huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nói chung. Nhìn từ xa những vạt dứa nằm cheo leo trên sườn đồi cùng người nông dân tần tảo được xem là hình ảnh thân quen của người dân thị trấn D’ran. Theo các nhà nghiên cứu, cây dứa Cayen phù hợp với điều kiện đất đai ở Đơn Dương, có ưu điểm vượt trội so với nhiều giống dứa khác, như: trái lớn, thưa mắt, quả đều và đẹp, độ ngọt cao, màu sắc vàng óng, hương thơm, ít tốn công đầu tư chăm sóc, phù hợp trên tất cả mọi địa hình đất, cho năng suất bình quân cao hơn nhiều so với các vùng dứa khác trong cả nước nhưng chất lượng được cho là thơm ngon vào loại bậc nhất.

 

Chất đất ở  thị trấn D’ran rất phù hợp cho cây dứa sinh trưởng và phát triển

 

Khi chúng tôi đến vườn nhà anh Nguyễn Văn Quý - hiện đang sinh sống tại tổ dân phố Phú Thuận 3, thị trấn D’ran, đúng vào mùa thu hoạch rộ dứa Cayen. Anh Quý là một người đã trồng dứa Cayen hàng chục năm, anh chia sẻ: “Từ khi lớn lên, gia đình tôi đã gắn bó cuộc đời mình với cây dứa. Mặc dù có giai đoạn, cây dứa không còn đem lại giá trị cao nhưng gia đình tôi vẫn cố bám trụ với loại cây trồng đặc sản này. Ông trời không phụ lòng người, mấy năm gần đây, giá trái dứa đặc biệt tăng cao, với diện tích 3 ha trồng dứa, sản lượng 25 - 30 tấn mỗi vụ, gia đình tôi thu về 210 triệu đồng”.

Chất đất ở D’ran rất phù hợp cho cây dứa sinh trưởng và phát triển, dứa ở đây có độ đường  vượt hẳn dứa nơi khác; nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, khối lượng quả đạt từ 2 - 2,5 kg/quả. Hiện nay, nguồn cung dứa không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường do được dùng làm thực phẩm chế biến, nước ép trái cây. Tuy nhiên trên địa bàn thị trấn D’ran chưa có doanh nghiệp hoặc tổ chức đứng ra sản xuất, tiêu thụ dứa, chỉ có các cá nhân sản xuất thuộc cá thể quy mô nhỏ, thị trường chủ yếu bán lẻ ở chợ và khách vãng lai, vì vậy giá cả cũng bấp bênh, chưa ổn định. Để đưa nhãn hiệu của cây dứa Cayen tại D’ran đi xa hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân thì chúng ta cần nâng cao uy tín thương hiệu, từng bước mở rộng diện tích, tiến đến quy hoạch vùng nguyên liệu cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bích Tới

Khuyến nông viên thị trấn D’ran/ Khuyến nông VN