Lâm Đồng đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ tư - 01/02/2017 22:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - chia sẻ xung quanh chiến lược tạo đột phá trong phát triển bằng “công nghệ xanh” của tỉnh.
Hút đầu tư bằng nông nghiệp công nghệ cao
Tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo tại buổi lễ công bố chính sách đặc thù cho tỉnh Lâm Đồng, trong đó nhấn mạnh đến mũi nhọn là nông nghiệp công nghệ cao. Vậy tỉnh đang có những bước đi như thế nào để triển khai hướng đi này, thưa ông?
Hiện chúng tôi đang rốt ráo thực hiện các công việc để có tác động nhanh, trực tiếp tới sản xuất. Thủ tướng khi về thăm Lâm Đồng đã đánh giá rất cao việc địa phương xác định đúng hướng là tăng trưởng xanh bằng hai lĩnh vực tập trung là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch chất lượng cao. Chính điều này đã góp phần cho Lâm Đồng có một diện mạo phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo môi trường sinh thái.
Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Loan Lê
Hiện các sở, ngành đang tập trung chỉ đạo những biện pháp thúc đẩy như giảm thuế nhập khẩu nhà kính, nhà lưới phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng đang tập trung triển khai Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu công nghiệp nông nghiệp Tân Phú và quy hoạch 7 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung với diện tích 1.900ha để thu hút đầu tư. Lâm Đồng cũng đang triển khai thí điểm mô hình làng đô thị xanh và trên cơ sở kết quả tại địa phương, Bộ Xây dựng sẽ xác định những tiêu chí, nội dung để nhân rộng mô hình này ra cả nước.
Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch xây dựng làng đô thị xanh ở Lâm Đồng?
Đây là mô hình có quy mô khoảng 200ha đặt tại thành phố Đà Lạt, trong đó đảm bảo trên 70% diện tích phải có sự đồng đều về kiến trúc, mật độ xây dựng công trình có mái che và không mái che không vượt quá 30% cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ.
Các hoạt động kinh tế, dịch vụ của người dân trong mô hình này sẽ vận hành theo xu hướng thân thiện với môi trường. Tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các vụ của Bộ Xây dựng tiến hành các nội dung phù hợp với tình hình thực tế để thí điểm triển khai trong năm 2016. Hiện tỉnh đã công bố địa điểm xây dựng mô hình làng đô thị xanh.
Với những hướng đi như trên, ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của các đối tác trong nước và quốc tế đối với nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng?
Tính đến cuối năm 2015, diện tích nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 43.000ha - chiếm 16,9% diện tích toàn ngành. Nông sản xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD - chiếm 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Từ thực tế này, chúng tôi coi đây là một lợi thế để tỉnh thúc đẩy hợp tác quốc tế. Hiện Lâm Đồng là một trong số địa phương có nhiều dự án thu hút đầu tư FDI, ODA trong nông nghiệp nhất cả nước.
Một khu vườn dâu tây theo công nghệ thủy canh tại Đà Lạt. Ảnh: Wiki
Chỉ riêng trong 3 năm qua, Lâm Đồng thu hút được 67 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng. Đáng chú ý có Tập đoàn Bejo, Hà Lan đầu tư 9,5 triệu euro cho dự án sản xuất giống rau xuất khẩu tại huyện Lâm Hà, quy mô lớn nhất Đông Nam Á; dự án nghiên cứu và nhân giống hoa cao cấp của Công ty TNHH AgriVINA lớn nhất Việt Nam với kinh phí 1,5 triệu USD; phối hợp với tỉnh Đông Flanders, Bỉ, thực hiện dự án Trung tâm công nghệ cao canh tác rau, hoa, cây cảnh trong nhà kính và dự án phát triển đàn bò thịt cao sản chất lượng cao BBB.
Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có 11 dự án với tổng vốn đăng ký là 32,48 triệu USD. Lâm Đồng đã quy hoạch một khu khoảng 328ha chuyên về nông nghiệp dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản, hướng tới cho ra đời những sản phẩm đủ chất lượng đưa vào thị trường Nhật. Chúng tôi xác định đây cũng sẽ là bước đột phá của Lâm Đồng trong tương lai.
“Cú hích” từ KH&CN
Có thể thấy KH&CN đã giúp Lâm Đồng phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vậy ông cho biết cụ thể khoa học đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế địa phương?
Chúng tôi xác định KH&CN là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, do đó xây dựng cơ chế chính sách để đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới vào để cả doanh nghiệp và nông dân đều được tiếp cận như công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học và sắp tới là công nghệ thủy canh, tự động hóa và đặc biệt là công nghệ robot và nano trong nông nghiệp.
Bên trong một trang trại công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: Du lịch Đà Lạt
Những đề tài nghiên cứu KH&CN của tỉnh cũng góp phần cải thiện giống cây trồng, vật nuôi, môi trường canh tác, tổ chức sản xuất và công nghệ sau thu hoạch. Nhiều loại cây trồng của Lâm Đồng có năng suất ở top đầu của thế giới như chè - đặc biệt là chè ô long, trên thế giới chỉ có năng suất cao nhất là 12 tấn/ha thì tại Lâm Đồng đạt 18 tấn/ha.
Do đó, đóng góp của KH&CN tại Lâm Đồng là đặc biệt rõ nét. Tính về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) hiện KH&CN đóng góp 34% trên cả nước, trong khi đó tại Lâm Đồng chỉ số này là 55%.
Với những cơ sở và kết quả như trên, chiến lược xa hơn của Lâm Đồng về nông nghiệp công nghệ cao là gì, thưa ông?
Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ làm khâu đột phá trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Hiện Lâm Đồng nằm trong top các tỉnh có những thương hiệu nông sản lớn với 17 thương hiệu. Tuy nhiên, những thương hiệu này thời gian qua mới chỉ có tầm ảnh hưởng quốc gia, trong khi một số sản phẩm dù đã xây dựng thương hiệu nhưng chưa phát huy đúng giá trị tiềm năng.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản đang quan tâm tới Lâm Đồng. Ảnh: Tech Raptor
Do đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch truyền thông mạnh mẽ hơn. Dự kiến vào tháng 3/2017, Lâm Đồng sẽ triển khai chiến lược truyền thông riêng về nông sản và du lịch của tỉnh. Đây cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm tỉnh xác định để thúc đẩy đưa các thương hiệu của Đà Lạt đến với người tiêu dùng rộng rãi hơn nữa.
Trên cơ sở các điều kiện cần và đủ như thế cùng với quyết tâm chiến lược, Lâm Đồng sẽ tiếp tục đứng đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng tới trở thành một trong những trung tâm hàng đầu về lĩnh vực này ở Đông Nam Á vào năm 2020.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bích Ngọc (Thực hiện)