Ông Tâm kể, trước đây, gia đình ông có 6.000m2 đất chủ yếu trồng lúa và luân canh rau màu theo thời vụ, thấy loại nào giá cao trồng ngay loại đó nên giá cả bấp bênh. Năm 2006, HTX Rau an toàn Gò Công ra đời, ông đi dự các lớp phổ biến quy chế sản xuất rau an toàn do HTX tổ chức và thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia HTX nên ông mạnh dạn tham gia vào HTX và chuyển 1.500m2 đất lúa sang chuyên canh trồng rau an toàn.
Lúc đầu, khi mới tham gia HTX, còn nhiều bỡ ngỡ do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên ông Tâm dành nhiều thời gian học hỏi cách thức chăm sóc rau từ các hộ đi trước; đồng thời, ông còn tìm đọc thêm tài liệu, sách, báo, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp tập huấn rau an toàn do HTX tổ chức để có thêm kinh nghiệm, áp dụng cho việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả cao. Theo ông Tâm, trồng rau an toàn không quá khó, muốn sản xuất được cần phải siêng năng, phải tuân thủ theo quy trình sản xuất, có sổ ghi chép lịch thời vụ hẳn hoi. Mọi thứ từ nhà lưới, giống cây trồng, phân bón đến đường ống dẫn nước tưới... đều được HTX hướng dẫn hỗ trợ làm đúng quy trình. Ông chỉ lo tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau, đảm bảo rau thu hoạch phải sạch, phải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng được yêu cầu của HTX đưa ra thì đảm bảo sản phẩm do mình làm ra không lo không có nơi tiêu thụ, nhiều lúc sản lượng rau còn không đủ để cung cấp cho HTX.
Từ khi vào HTX đến nay, ông cứ luân phiên từ bầu, bí, mướp, rau muống, rau thơm và các loại cải... kiên quyết không để đất trống. Hiện tại, với 1.500m2 đất, mỗi ngày ông cung cấp cho HTX từ 50 -100kg rau, những ngày cao điểm lên đến 200kg. Hàng năm sau khi trừ chi phí, ruộng rau mang về cho gia đình ông nguồn thu gần 100 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với cây lúa.