Làm giàu nhờ xây dựng mô hình “chung sống với lũ”

Mỹ Lợi A, Cái Bè nằm trong vùng ngập lũ đầu nguồn tỉnh Tiền Giang. Trước đây, hàng năm thiên tai thường xuyên gây hại. Những năm lũ lớn, nhà cửa, hoa màu, cơ sở vật chất hạ tầng đều bị nhấn chìm dưới làn nước trắng xóa. Lũ lụt gây nhiều thiệt hại nên những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực khuyến khích nhân dân chuyển đổi sản xuất theo hướng xây dựng những mô hình “chung sống với lũ” để an cư lạc nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất và đời sống.
Một trong những người đi tiên phong tái cơ cấu lại cây trồng, cải tạo đất đai để lập vườn quả đặc sản chuyên canh rất thành công, “đổi đời” nhanh chóng trên vùng ngập lũ Mỹ Lợi A là nông dân Nguyễn Văn Tòng, sinh năm 1974, cư ngụ tại ấp Mỹ An. Gia đình anh canh tác chỉ có 2.000 m2 đất vườn quả. Trước đây trồng tạp nham đủ chủng loại cây ăn quả, thu nhập không đáng là bao. Những năm lũ lớn cây cối chết hết. Đời sống đối mặt nhiều khó khăn.

Đúc kết kinh nghiệm đối phó với thiên tai, dăm năm trở lại đây, khi Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao ngăn lũ bảo vệ vườn cây ăn trái, mùa màng, đời sống, anh Tòng đi tiên phong cải tạo vườn tạp để trồng chuyên canh cam sành. Đây là giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Để vườn cây cho năng suất, sản lượng cao, chủ động phòng tránh sâu bệnh gây hại, anh Nguyễn Văn Tòng chú trọng áp dụng các biện pháp thâm canh khoa học: Trồng thưa, chọn cây giống tốt, áp dụng IPM trên cây có múi, thiết kế hệ thống tưới phun tự động cho phép tiết kiệm chi phí và nhân công lao động…

Đáng chú ý, qua nhiều năm canh tác, anh đúc kết kinh nghiệm về sự cần thiết bón phân hữu cơ cho vườn cam sành, kéo dài tuổi thọ vườn cây vừa cho năng suất, sản lượng cao, phẩm chất trái tốt bán rất được giá trên thị trường. Anh Tòng cho biết, trung bình mỗi năm mình xử dụng khoảng 3 tấn phân hữu cơ bón cho 2.000 m2 vườn cam sành. Chủ yếu anh dùng phân dơi, phân cút, phân bò, chỉ sử dụng phân hóa học khi cần thiết với liều lượng rất hạn chế. Theo anh Tòng nghiên cứu từ thực tế, sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn cam sành mang lại nhiều lợi ích: Làm cho đất tơi xốp, thông thoáng và thoát nước nhanh, khắc phục hiện tượng cây bị nghẹt rễ dễ mắc bệnh vàng lá, thối rễ; Tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật hữu ích trong đất phát triển mạnh có lợi cho sức khỏe cây trồng; Cung cấp thêm nguồn vi lượng, giữ ẩm trong mùa nắng vừa tiêu úng tốt trong mùa mưa lũ; Phẩm chất trái tốt và vườn cây sung mãn, tuổi thọ kéo dài…Ngoài ra, môi trường, môi sinh được bảo vệ vừa an toàn cho sức khỏe. Nhờ tích cực sử dụng phân hữu cơ một cách hợp lý, vườn cam sành hàng chục năm tuổi của anh vẫn xanh tốt, sung mãn và cho năng suất cao.

Theo anh Nguyễn Văn Tòng, cam sành 4 năm tuổi đã cho năng suất ổn định cao, trung bình mỗi cây đạt sản lượng từ 30 – 40 kg/ năm. Vườn cam sành 2.000 m2 của anh mỗi năm thu hoạch khoảng 6 tấn trái. Bán với giá bình quân 30.000 đ/kg, mỗi năm gia đình anh thu được 180 triệu đồng, trừ chi phí cần thiết anh còn thực lãi 100 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi sản xuất theo mô hình trồng chuyên canh cam sành trên vùng ngập lũ, kinh tế gia đình đã khởi sắc, khấm khá hẳn lên, không còn cảnh bồng bế nhau chạy lũ gian nan, vất vả như trước.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cái Bè đánh giá, mô hình canh tác của anh Nguyễn Văn Tòng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chủ trương “chung sống với lũ”, đặc biệt là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nông dân làm giàu trên miếng vườn, mãnh ruộng thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay. Kinh nghiệm và phương pháp mà anh Tòng đúc kết được đang được Hội Nông dân huyện Cai Bè nhân rộng nhằm giúp nông dân các địa bàn thường xuyên ngập lũ đầu nguồn cùng áp dụng thành công để đưa nông nghiệp – nông dân – nông thôn những vùng đất khó sang một trang mới./.

Theo Tiền Giang