Làm giàu ở nông thôn: Bỏ lương nghìn đô về trồng rau “hoàng đế”
- Thứ tư - 29/08/2018 04:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chị Nguyễn Thị Trâm là cử nhân của Đại học Giao thông Vận tải, còn anh Nguyễn Đình Hải – chồng chị – tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, từng giữ vị trí Trưởng phòng sản xuất của một Tập đoàn điện tử của Hàn Quốc với mức lương gần 2.000 USD/tháng. Có công việc ổn định với mức lương đáng mơ ước như vậy nhưng sau khi kết hôn, họ vẫn quyết định trở về quê làm nông nghiệp sạch để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong.
Năm 2012, sau khi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi, vợ chồng chị Trâm nhận thấy măng tây xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Tuy nhiên, loại cây này chỉ được trồng chủ yếu ở miền Nam, để vận chuyển ra miền Bắc tốn nhiều chi phí nên giá thành khá đắt đỏ. Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng này, vợ chồng chị dùng toàn bộ số tiền tích cóp từ khi đi làm thuê 10 mẫu ruộng để trồng măng tây xanh.
Thực tế không ngọt ngào như trong tưởng tượng, vụ đầu tiên cây măng tây chết rất nhiều, số thu hoạch được lại không tìm được đầu ra nên vợ chồng chị Trâm lỗ nặng, không chỉ 300 triệu đồng tiền đầu tư bốc hơi mà còn vướng thêm nợ nần. Trả ruộng thuê, hai vợ chồng xin mượn bố mẹ 5 sào ruộng quyết tâm làm lại từ đầu. Trên 5 sào ruộng, họ bắt đầu thử nghiệm lại với nhiều giống măng tây khác nhau để tìm ra giống cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu. Lên mạng internet tìm hiểu, tham khảo các chuyên gia, những người có kinh nghiệm, cuối cùng họ đã tìm ra giống măng tây xanh nhập từ Mỹ là phù hợp nhất.
Măng tây giòn, ngọt, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên được mệnh danh là rau "hoàng đế" - vua các loại rau.
Nhờ vào kinh nghiệm được tích lũy và không ngừng học hỏi trong quá trình sản xuất, sang vụ thứ 2 gia đình chị Trâm cũng đã trồng thành công giống măng tây xanh nhập từ Mỹ. Vậy nhưng vấn đề đầu ra lúc này vẫn còn là một bài toán nan giải.
Ruộng măng tây thì không thể thiếu bàn tay người chăm sóc, chỉ cần lơ là vài ba hôm là tất cả công sức có thể đổ sống đổ biển. Không còn cách nào khác, anh Hải phải ngày đêm “bám” ruộng, còn chị Trâm dù con còn nhỏ nhưng cũng bôn ba khắp các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... để tìm kiếm thị trường.
Chị kể, có những nhà hàng còn chưa biết đến măng tây, càng không biết chế biến như thế nào nên mình tự tay xào nấu cho họ ăn thử. Ban đầu cũng không có đơn hàng lớn, thậm chí có những khách chỉ đặt vài kg, tiền ship hơn cả tiền măng tây nhưng mình vẫn đóng gói và gửi đi để giới thiệu sản phẩm của mình.
Những khó khăn không đánh gục chị Trâm và anh Hải, ngược lại nó còn khiến cho những thành quả về sau càng ngọt ngào. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng khách hàng cũng biết và tìm đến tận vườn để đặt mua măng tây.
Sản phẩm măng tây xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị lớn như: Big C, VinMart, Fivimart…
Năm 2015, trang trại măng tây xanh của gia đình chị Trâm là một trong 2 cơ sở sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Chị thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Hải Phong, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP với các siêu thị lớn như: Big C, VinMart, Fivimart…Các đơn vị, doanh nghiệp về tận nơi thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Diện tích sản xuất nông sản của Công ty Hải Phong cũng được nâng lên gần 5 ha, trong đó 2ha trồng măng tây và hơn 2,5ha trồng luân canh các loại rau ngắn ngày theo mùa vụ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động.
Chia sẻ về những kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, chị Nguyễn Thị Trâm cho biết: Nông nghiệp là ngành sản xuất rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, sát sao với công việc. Vốn đầu tư lớn nhưng khả năng xoay vòng chậm. Phải lăn xả vào mà làm nhưng cũng phải nghiên cứu kỹ, chuẩn bị sẵn sàng về tài chính, sức lực thì mới có cơ hội thành công.
Năm 2017 măng tây xanh và rau VietGAP mang về cho vợ chồng chị Trâm doanh thu 5,5 tỷ đồng.
Chị Trâm cũng cho biết, hiện măng tây vẫn là sản phẩm cung không đủ cầu trên thị trường. Chính vì vậy, Công ty Hải Phong đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với một số hộ trong vùng và đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản với sức chứa khoảng 40 tấn. Trong thời gian tới, chị Trâm sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và mong muốn được tạo điều kiện về vốn, công nghệ theo các chính sách của tỉnh.