Làm giàu ở nông thôn: Phu thê ra giữa đồng làm trang trại
- Thứ ba - 25/06/2019 03:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Liều với ước mơ làm giàu từ đất
Là hộ nông dân chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Hoàng Trọng Tiến và chị Trần Thị Tịnh luôn được biết đến là người làm nông trại giỏi. Xuất phát từ mong muốn thoát nghèo, nhận thấy khu đất có nhiều điểm thuận lợi cho việc xây dựng trang trại, năm 2002 anh Tiến làm liều vay vốn ngân hàng về xây dựng trang trại giữa đồng.
Trên mảnh đất rộng gần 8.000m2, anh Tiến chia thành các khu chăn nuôi riêng để xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn thịt, nuôi lợn nái, nuôi gà thả rông, vịt đẻ, thả cá,…
Trong thời gian đang diễn ra dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng ở nhiều địa phương, anh Tiến đã chủ động giảm đàn lợn thịt, chưa vội tái đàn mới.
Anh Hoàng Trọng Tiến cho biết: “Trang trại này tôi xây dựng đã gần 17 năm. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh tự rút ra kinh nghiệm, tự học hỏi, tự sửa sang chuồng trại mới có được thành quả kha khá như bây giờ. Khi nhận thấy mảnh đất có mặt bằng, có ao hồ đủ rộng để có thể nuôi thêm vịt, thả thêm cá, tôi quyết tâm thuê đất và đầu tư. Nuôi lâu thì tích lũy dần được kinh nghiệm chăn nuôi từ đó mạnh dạn đầu tư thêm...”.
Trong 8.000m2, anh Tiến quy hoạch dành 6.000m2 để đào ao nuôi cá nước ngọt. Các giống cá chủ yếu anh nuôi gồm: cá mè, cá trắm, cá rô phi,… Giống cá được anh lựa chọn mua ở nơi cung cấp uy tín để đảm bảo cá giống tốt, nuôi năng suất và hiệu quả. Khoảng 2.000m2 đất còn lại anh xây dựng trang trại, khu nuôi lợn và nơi cho vịt đẻ, gà ở trên 1.000m2 và 1.000m2 còn lại anh đào ao thả vịt.
Anh Tiến cho biết, sau nhiều năm giá trứng vịt ở mức ổn định người chăn nuôi có lời thì từ tết Nguyên đán đến nay giá trứng giảm khiến người chăn nuôi gia cầm lấy trứng gặp khó khăn.
"Chăn nuôi phụ thuộc rất nhiều vào thị trường đầu ra, những khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, nguồn vốn,… Đặc biệt là dịch bệnh, như đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi ở lợn và dịch lở mồm long móng, giá lợn giảm nhiều, đến thời điểm hiện tại vợ chồng tôi vẫn chưa dám tái đàn. Còn nhớ cuối năm 2016 – đầu năm 2017, gia đình vừa tu sửa chuồng trại hết khoảng 160 - 170 triệu đồng thì đàn lợn cũng đồng thời rớt giá do dịch tai xanh, năm đó tính ra tôi cũng phải lỗ trên 300 triệu đồng tất cả”, anh Tiến nhớ lại.
Nuôi thành công cho lợi nhuận cao
Cho dù bước đầu gặp nhiều khó khăn và thua lỗ trong chăn nuôi, nhưng vợ chồng anh Tiến vẫn không nản lòng, tiếp tục đầu tư, nâng cao các giải pháp phòng dịch bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Tiến đang nuôi 1.000 con vịt đẻ, 11 con lợn nái, gà thả khoảng 300 con thả rông, còn lợn thịt anh chỉ còn gần 30 con vì thời điểm hiện tại giá cả đang giảm nên anh chị chưa tái nuôi đàn lợn mới. Mô hình chăn nuôi kết hợp của anh chị, mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 200 – 250 triệu đồng.
Ngoài thả cá, khu ao còn là nơi anh Tiến thả nuôi 1.000 con vịt đẻ.
Với đàn vịt đẻ 1.000 con mỗi ngày gia đình anh Tiến thu hoạch được 700 – 750 trứng. Vào thời điểm giá trứng chưa giảm mỗi tháng anh chị thu về 15 - 20 triệu đồng. Chị Tịnh chia sẻ: “ Làm chăn nuôi nên cũng tùy vào nhu cầu người tiêu dùng, sau đợt trứng rớt giá thê thảm sau Tết, mặc dù vịt đẻ nhiều nhưng mỗi đêm anh chị vẫn lỗ khoảng từ 700 – 800.000 đồng. Như vậy mỗi tháng lỗ khoảng hơn 20 triệu đồng rồi”.
Còn về đàn lợn,mỗi lứa anh chị nuôi trung bình 150 - 160 con, năm nào nhận thấy giá cả ổn định anh chị lại tái đàn với số lượng lớn hơn từ 200 - 220 con. Theo chị Tịnh, năm 2018 có lứa anh chị nuôi 170 con sau khi bán thu lời hơn 140 triệu đồng.
Ao cá của anh chị vừa thu hoạch xong, số lượng thu hoạch được bằng tấn, thu lời khoảng 30 triệu đồng/ vụ. Mô hình chăn nuôi của anh Tiến có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, nên nguồn thức ăn chủ yếu để nuôi cá là từ hoạt động nuôi lợn, gà và vịt đẻ. Hiện tại gia đình anh đang xử lí ao cá, phơi đất để chuẩn bị cho công tác thả nuôi vụ tiếp theo.
Tất cả thành phẩm lợn, gà, vịt, cá của anh được các thương lái thu mua ngay tại trang trại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các huyện Kỳ Anh , Cẩm Xuyên, Thạch Hà và các cùng lân cận trong thôn, xã,…
Bởi những khó khăn nhất định, số lượng chưa cao nên thu nhập còn chưa ổn định giữa các năm. Tuy nhiên tiếp theo anh Tiến vẫn sẽ cố gắng chuẩn bị tốt công tác dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại để tái đàn, tiếp tục phát triển. Bên cạnh chăn nuôi thành công, vợ chồng anh Tiến vẫn theo nghề trồng lúa nước để cung cấp cho nhu cầu gia đình và có phụ phẩm thức ăn cho chăn nuôi. |
Xem bài viết gốc tại đây!