Làm giàu từ nhân giống 'thần tốc' chuối cấy mô
- Thứ năm - 01/03/2018 19:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Nguyễn Đức Quang nghiên cứu về quy trình nhân giống chuối cấy mô. |
Vốn là thạc sĩ ngành sinh học, nên việc nhân giống chuối theo phương pháp cấy mô với anh không có gì là khó. Ngoài ra, nếu muốn mua các giống chuối cho năng suất cao nông dân địa phương rất khó mua giống. Mỗi lần cần cây trồng, họ phải lên TP Hồ Chí Minh hoặc Đà Lạt để tìm mua. Do đó, anh đã quyết định đầu tư, nhân giống chuối cấy mô theo phương thức “thần tốc” để cung cấp ra thị trường.
Với những kiến thức về ngành sinh học của mình, anh Nguyễn Đức Quang đã nghiên cứu và tìm ra cách để nhân giống từ 1 cây giống ban đầu có thể cho khoảng 500 cây con trong vòng 6 tháng. Với cách làm này, trung bình mỗi năm mô hình trồng chuối cấy mô của anh Quang cho hơn 400.000 cây giống, giá bán thường dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/cây cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Đức Quang cho biết, để tạo ra một cây chuối cấy mô khỏe mạnh phải trải qua nhiều giai đoạn; trong đó, người trồng phải đặc biệt chú ý đến các giai đoạn như chọn cây giống, cấy vào chai, nhân chồi, tập nhiễm ánh sáng ngoài vườn ươm để cây quen dần với môi trường tự nhiên. Khi cây chuối cấy mô khỏe mạnh mới được cấy lên giá thể xơ dừa và cuối cùng cho vào bầu ươm dưới đất.
Theo anh Nguyễn Đức Quang, thời gian đầu anh chọn loại chuối già hương để nhân giống và trồng thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Sau 1 năm, kết quả mang lại rất ấn tượng, cây phát triển tốt, sức đề kháng cao, trung bình các quầy chuối thu hoạch cân nặng khoảng 35 kg/quầy, năng suất gần gấp đôi so với phương pháp trồng truyền thống là tách cây con từ cây mẹ.
Từ hiệu quả mang lại như trên, bà con nông dân trồng chuối trên địa bàn tỉnh kéo đến tham quan và bắt đầu đặt mua giống các loại chuối cấy mô để sản xuất. Theo đó, anh Quang tiếp tục nghiên cứu các loại chuối cấy mô khác để tung ra thị trường làm phong phú các sản phẩm từ chuối như chuối cau, sứ, sáp… Hiện tại mô hình nhân giống chuối cấy mô của anh Nguyễn Đức Quang có diện tích hơn 1,5 ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho 9 lao động tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, là địa phương chủ yếu dựa vào trồng chuối, nên nhu cầu về cây giống rất lớn. Trước đây người dân khó khăn trong việc mua giống chuối, nhưng từ khi phát triển mô hình cung cấp giống tại địa phương đã tạo nhiều thuận lợi cho người nông dân. Cung cấp giống tại chỗ vừa giảm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng của cây trồng, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Do đó, nhờ sáng kiến của thạc sĩ Nguyễn Đức Quang nhiều người dân trong xã đã học tập và phát triển, nhân rộng mô hình này.
Trước đó, cuối năm 2017, anh Nguyễn Đức Quang vinh dự được là đại diện duy nhất của tỉnh Đồng Nai được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017 do đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới.
Chuối cấy mô được cấy vào trong bầu đất trước khi đưa ra môi trường tự nhiên. |
Trước đó, cuối năm 2017, anh Nguyễn Đức Quang vinh dự được là đại diện duy nhất của tỉnh Đồng Nai được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017 do đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới.