Làm giàu từ tay trắng
- Thứ hai - 03/08/2015 11:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hai anh em ông Nguyễn Ngọc Thành - Nguyễn Ngọc Thạch.
Hai anh em Nguyễn Ngọc Thành và Nguyễn Ngọc Thạch sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha mẹ hai ông thuộc diện bần nông, đông con nên sớm rời làng quê, bồng bế con lên Sài Gòn tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nghề sửa xe gắn máy không còn đất dụng võ, bởi xe đạp không có mà đi, còn giá trị một chiếc xe honda 67 chỉ đổi được… 10 lít xăng – ông Thành nói. Trong suy nghĩ của ông lúc đó, nếu càng bám víu thành phố thì càng có nguy cơ đói, còn về quê cũ làm ruộng vẫn có gạo ăn. Thế là ông Thành quyết định hồi hương.
Về Trà Vinh, ông Thành bắt tay ngay vào việc khai khẩn vùng đất hương hỏa bỏ hoang mọc đầy năng lác, trồng lúa một vụ một năm. Đến năm 1990, thời kỳ đất nước mở cửa đón nhận nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, người dân ngày càng có cơ hội làm ăn hơn. Trong số ấy có ông Võ Văn Vân (anh ruột nhưng làm con nuôi một người họ hàng) ở TP HCM đang phất lên nhờ xưởng cơ khí và cơ sở sản xuất mốp xốp.
Ông Thành bàn chuyện với ông Thạch (trước đây cũng hồi hương như ông) rồi đi đến quyết định, để vợ ở lại quê nhà chăm sóc ruộng vườn và lo cho con cái, còn hai ông lên thành phố phụ và học việc với ông Vân.
Sau nhiều năm làm công dành dụm tiền, nắm vững kỹ thuật, lại được người anh chỉ “bí quyết” làm ăn, giúp đỡ thêm vốn ra thuê mặt bằng ở quận 10 để sản xuất và kinh doanh thùng mốp xốp, hai ông Thành - Thạch đã khấm khá lên.
Với kiến thức về cơ khí tốt, tay nghề cao, có mặt bằng rộng rãi… hai ông tự mày mò thiết kế khuôn, chế tạo máy móc để khỏi bỏ tiền nhập khẩu, nghiên cứu mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhằm hạ giá thành mới đủ sức cạnh tranh.
Kinh nghiệm của hai ông là luôn nghiên cứu thị trường và lắng nghe các góp ý của khách hàng để sản phẩm ngày càng bền đẹp và giá cả lại rẻ hơn hàng cùng loại. Vì thế, các sản phẩm mốp xốp như: tấm trần nhà, bao xốp đựng linh kiện điện tử, nón bảo hiểm, thùng đựng nước đá… làm ra không đủ tiêu thụ.
Đối với công nhân trong xưởng, hai ông không bao giờ phân biệt chủ tớ, làm việc và ăn uống cùng họ. Hai ông luôn tận tình chỉ bảo và xem họ như người thân trong nhà. Xưởng sản xuất mốp xốp của họ giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 lao động thường nhật cũng như rất nhiều lao động thời vụ tại địa phương.
Sau bao năm vất vả lao động cực nhọc, hai ông Thành - Thạch đã có cơ ngơi vững chắc, cơ sở sản xuất vẫn tạo ra được nhiều lợi nhuận mặc dù kinh tế toàn cầu còn đang trong giai đoạn suy thoái. Thông thường khi tuổi đã cao và nắm trong tay nhiều tiền bạc, người ta thường nghỉ ngơi an nhàn và thụ hưởng sung sướng.
Nhưng với tấm lòng nhân ái sẵn có, hình như họ đang chạy đua với thời gian còn lại để làm điều tốt đẹp cho đời như: đóng góp tiền bạc vào quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo hiếu học, quỹ nhà tình thương, giúp vốn sản xuất cho nông dân nghèo, góp tiền xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương…
Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, hai ông Thành – Thạch đã nhận được nhiều giấy khen từ các cấp chính quyền phường, quận, đến thành phố.
Theo daidoanket.vn