Làm giàu từ trồng rau hữu cơ

Làm giàu từ trồng rau hữu cơ
Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi có mặt tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn. Người dân trong xã phấn khởi, tự hào về người phụ nữ cần cù, dám nghĩ, dám làm đó là chị Hoàng Bích Thùy, xóm Gừa. Chị Thùy là 1 trong 50 nông dân tiêu biểu toàn tỉnh được biểu dương tại Hội nghị biểu dương nông dân xuất sắc tỉnh năm 2017.
 
Chị Hoàng Bích Thùy, xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn chăm sóc vườn rau hữu cơ của gia đình.
 
Chị Hoàng Bích Thùy sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xóm Gừa, xã Cư Yên (Lương Sơn). Chị luôn có đam mê với nông nghiệp. Chính vì vậy, chị tích cực tham gia các buổi tập huấn do Trạm KN - KL và Phòng NN&PTNT tổ chức. Ban đầu gia đình chị chỉ có 2.500 m2 đất, chủ yếu trồng hoa màu và cấy lúa. Không chịu khuất phục trước khó khăn, không muốn rời bỏ ruộng đồng đi làm công nhân như nhiều gia đình khác, chị Thùy cùng gia đình quyết tâm gắn bó với đất đồng quê nhà. Gia đình chị mạnh dạn đấu thầu 3.000 m2 đất để đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại kết hợp chăn nuôi lợn bản địa và gà thả vườn… Sự nỗ lực không ngừng của người phụ nữ tần tảo sớm hôm đã được đền đáp bằng thành công trong sản xuất nông nghiệp.
 
Với sự năng động, sáng tạo áp dụng KHKT vào trong sản xuất, năm 2015, chị Hoàng Bích Thùy được đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề của trường Cao đẳng NN & PTNT Bắc bộ về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Với những kiến thức chị học được về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau hữu cơ, sau khi được cấp chứng chỉ, chị Thùy về địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nông dân trong xóm dồn điền, đổi thửa tham gia trồng rau hữu cơ. Lúc đầu chỉ có 7 thành viên tham gia với diện tích 7.000 m2. Chị Thùy được bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác. Tổ hợp tác trồng nhiều loại rau, với vai trò, trách nhiệm của người tổ trưởng chị Thùy luôn trăn trở làm thế nào để tổ hợp tác rau hữu cơ phát triển, thành công. Chị chủ động tìm kiếm, quảng bá, liên kết với các công ty, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Được sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Lương Sơn và chính quyền xã trong việc hướng dẫn chuyển giao KH-KT, hướng dẫn trồng các loại rau có năng suất cao. Tháng 10/2015, sản phẩm rau hữu cơ của tổ hợp tác được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, tổ hợp tác có 16 thành viên với diện tích 1,8 ha. Sản phẩm tiêu thụ hàng tháng bình quân từ 100 kg - 1 tấn sản phẩm các loại. Với giá bán ổn định 15.000 đồng/ kg sản phẩm đã góp phần tạo thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng cho các thành viên. Tổ hợp tác ký hợp đồng liên kết cung ứng sản phẩm với Công ty Vinagap, sản phẩm được đóng gói với nhãn mác đầy đủ. Ngoài ra, sản phẩm còn được tiêu thụ tại cửa hàng tại trung tâm huyện Lương Sơn, phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.
 
Để có được thành công trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ cần phải có kiến thức KH-KT trong chăm sóc. Chị Hoàng Bích Thùy chia sẻ: Trồng rau hữu cơ như chăm sóc con nhỏ, phải thường xuyên ở ngoài ruộng theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của rau. Nếu rau để quá thời gian thu hoạch, rau sẽ già, chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của tôi, để tránh các loại sâu bệnh phải luân canh các loại rau khác nhau nhằm tránh hại đất và có lợi cho cây trồng. Đầu mỗi luống rau đều cắm biển ghi nhật ký xuống giống và thời gian chăm sóc, bón phân để tiện theo dõi. Chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà dùng biện pháp thủ công bắt sâu bằng tay hoặc ủ gừng, tỏi, ớt để phun trừ sâu bệnh. Phân bón được sử dụng từ nguồn phân chuồng ủ hoai mục 3 tháng để bón cho rau.
 
Với mục tiêu làm giàu từ những sản phẩm sạch, đảm bảo VSATTP, những sản phẩm do gia đình chị Thùy cùng tổ hợp tác rau hữu cơ sản xuất ra đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hàng năm, gia đình chị Thùy thu nhập từ sản xuất rau hữu cơ và kinh doanh dịch vụ ổn định từ 400 - 700 triệu đồng. Chị Hoàng Bích Thùy là tấm gương về bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương. Ngoài ra, chị còn tích cực đem những kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ cho các hộ nông dân trên địa bàn học tập và làm theo.
 
Thu Thủy/ Báo Hòa Bình