Làm lồng chim phải có hồn, con chim mới trường thọ!

Làm lồng chim phải có hồn, con chim mới trường thọ!
Giờ đây, làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội chẳng còn làm quạt giấy nữa, mà hầu như mọi nhà đều chuyển sang làm lồng chim, đã mấy mươi năm nay. Phố Vác của làng giờ càng thêm nhộn nhịp với những đoàn xe đổ hàng trúc tre, nườm nượp từ vùng Tây Bắc chở về. Hàng phố lồng chim chạy dọc con đường 22...

Hàng phố lồng chim chạy dọc con đường 22, cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, tạo nên một hình ảnh rộn ràng. Những chiếc lồng đung đưa như những giỏ nắng vào buổi sớm mai, cùng với tiếng chim hót ríu ran. Tôi rẽ vào làng cũng bởi những tiếng chim hót mê hoặc lòng người.

 

lam long chim phai co hon, con chim moi truong tho! hinh anh 1

1. Lần theo những lời đon đả, mời chào khắp xóm ngõ, tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ. Ông là con cả của cụ Nguyễn Đức Nghi (tức Ba My) nức tiếng một thời. Nếu tính từ cố nghệ nhân Nguyễn Văn Tý, bố của cụ Nghi, người có công đưa nghề làm lồng chim về làng, thì Canh Hoạch có tới hơn trăm năm làm nghề mua vui cho thiên hạ. Hiện ông Nguyễn Văn Nghệ là người duy nhất của làng được TP Hà Nội phong danh nghệ nhân, năm 2006 và còn được chứng nhận là thợ giỏi năm 2008.

Ông nghệ tuy đã sắp bước tới tuổi 60, nhưng biết bao ký ức tràn về, với những ngày đạp xe lang thang trên đường phố Hà Nội rao bán lồng chim, khi mới 14 tuổi. Vào những năm chiến tranh giặc Mỹ ném bom, đánh phá ác liệt, vậy mà vẫn có người nuôi chim cảnh. Cái đận những năm 68 đến 70, không ngày nào là cậu bé Nghệ không có mặt ở Hà Nội để bán dạo lồng chim ở mọi ngõ ngách, phố phường. Đầu tiên còn theo bố rao bán, sau đó cậu tự đi kiếm tiền. Chính vì được học nghề từ gia đình nên từ nhỏ, cậu bé Nghệ đã phụ bố làm hàng trăm lồng chim giao cho khắp bàn dân thiên hạ.

Bồi hồi với những chuyện cũ, ông Nghệ nhớ nhất là chuyện gia đình ông đã làm hàng chục lồng chim theo lời yêu cầu của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Nhà ông rộn ràng ngày đêm như chuẩn bị hội làng vậy. Gia đình của mấy người em cùng náo nức vào cuộc. Người thì chuẩn bị trúc, người thì chuốt nan, người lại làm vành, hay chạm đục hoa văn.

Ông Nghệ luôn luôn nhớ lời người cha dạy, làm lồng chim phải có hồn, con chim mới trường thọ, nên đêm nào ông cũng mơ về công việc, sao cho từng nan nhỏ cũng phải đẹp nhất. Và người trong làng cũng nói, ngôi nhà của chim nếu đẹp, nuôi chim cũng khôn hơn. Chiếc lồng có bền, có nuột nà thì tiếng chim hót sẽ vui và ngọt hơn. Người già còn dạy, tiếng chim chính là tiếng người vậy, nếu chăm chút yêu thương nó, vì thế trong làng nhiều người còn nhớ đến câu ca dao: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng nhẹ nhàng dễ nghe”. Đó là những ngày đêm ghi dấu ấn kỳ lạ nhất trong đời làm nghề của ông cùng con cháu trong nhà.

Ấy rồi ông lại nhớ, vào những ngày đất nước mới thống nhất, có người từ Hà Nội về nhà ông đặt làm lồng chim khá cầu kỳ. Đó là đơn đặt hàng theo yêu cầu, làm hàng kỹ, đẹp thường sẽ đắt vì phải đòi hỏi tay nghề cao. Sau khi xem mẫu vẽ của ông Nghệ, anh ta đồng ý liền.

 

lam long chim phai co hon, con chim moi truong tho! hinh anh 2

Thế rồi anh ta ăn chực nằm chờ ở ngoài làng để đợi hàng. Khi chiếc lồng chim đầu tiên theo yêu cầu, anh ta hớn hở mang đi Hà Nội liền. Nhưng ngay hôm sau anh ta lại có mặt, với nụ cười rạng rỡ, và lại thúc gia đình tiếp tục cấp hàng. Rồi hai cái, ba cái lồng chim...liên tiếp hoàn thành.

Cứ thế anh ta đi về làng như con thoi. Cả nhà thắc mắc không hiểu anh ta có mối hàng nào mà phát tài thế. Hỏi mãi sau này anh ta mới tiết lộ, cứ mỗi cái lồng chim đẹp của gia đình là anh ta đưa vào Sài Gòn để đổi lấy xe cúp 50 cũ. Những người chơi chim trong đó vượng lắm. Họ sẵn sàng đổi chiếc xe bãi để lấy một chiếc lồng chim đẹp. Mà cái mẫu của ông Nghệ họ ưng cái bụng nên chẳng tiếc xe. Nghe nói sau này anh ta có cả một cửa hàng toàn xe bãi ở chợ Giời, và một thời độc quyền bán thêm lồng chim của làng Canh Hoạch.

Những nghệ nhân làng Canh Hoạch quan niệm: Ngôi nhà của chim nếu đẹp, nuôi chim cũng khôn hơn. Chiếc lồng có bền, có nuột nà thì tiếng chim hót sẽ vui và ngọt hơn.

Kể đến đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ lim dim mắt nói, cái nghề làm đẹp cho thiên hạ như ông không ngờ còn làm giầu cho thiên hạ. Lâu nay, chắc anh ta giầu có rồi không thấy về làng nữa. Cũng bởi lẽ giờ đây, những chiếc lồng hàng kỹ, đẹp bền, không bao giờ mối mọt, giá đã lên tới hàng chục triệu đồng, chứ không còn rẻ như cách đây hơn 20 năm.

Thời ấy đã đi qua, nhưng thật ra ai buôn lồng chim của làng Canh Hoạch vẫn lời lắm, vì người chơi chim đã biết “độ” lồng, không những sang trọng mà còn kén về mẫu mã độc đáo. Nhiều khi giá của một chiếc lồng, làm bằng ngà voi chẳng hạn còn đắt gấp hàng chục lần giá tiền mua chim quý. 

2. Tôi đang say sưa hầu chuyện, thì hai người con trai đã gọi ông Nghệ xuống xưởng để xử lý về chuyến hàng đèn lồng sắp xuất đi nước ngoài. Thảo nào, khi tôi hỏi ông về cửa hàng của gia đình, ở ngoài phố Vác, ông đã lắc đầu vì không cần thiết. Bởi hiện nay, gia đình ông chỉ nhận hàng đặt xuất đi, theo số lượng lớn. Nhiều gia đình trong làng hiện đã trở thành địa chỉ vệ tinh làm theo dây chuyền do ông tổ chức, theo kiểu tổ hợp vậy.

Ông cười rồi kể, cái làng này tử tế vậy đó, khi có phần là chia đều miếng ăn cho nhau. Loanh quanh ông Nghệ vui, xoay sang chuyện nói về cái làng mình. Ông sôi nổi kể, chuyện đã có đền thờ hai trạng ở Canh Hoạch, mà chỉ có ở làng ông mới thế. Ông thuộc vanh vách sử quê, nào là trạng Nguyễn Đức Lượng (Bảng vàng Trạng nguyên), làm Thượng Thư triều Lê. Sau đó, còn có người cháu gọi bằng cậu, tên là Nguyễn Thiến, cũng đỗ Trạng nguyên năm 1532, thời nhà Mạc. Vậy nay, nói đến chuyện làm lồng chim và làm quạt của làng là không thể quên chuyện làng còn là đất học và đất làm quan to của nhiều triều đại xưa. Người nghệ nhân say sưa trong niềm tự hào.

Tôi thấy dường như ông quên phắt cái chuyện phải đi kiểm soát hàng đèn lồng mà con ông vừa gọi. Ông định nói gì đó, thì có tiếng chuông điện thoại, nên vội vàng ra sân lấy xe. Thấy ông mắc bận, tôi định chào để ra về, thì ông dừng lại rồi còn thêm chuyện vì vừa chợt nhớ ra.

 

lam long chim phai co hon, con chim moi truong tho! hinh anh 3

Mặc tiếng chuông điện thoại lại reo lên, ông cười xởi lởi nói thêm rằng, dòng họ Nguyễn quê ông còn có một chi, vì biến cố lịch sử phải phiêu dạt vào vùng Tiên Điền, Hà Tĩnh đã sinh ra nhà thơ Nguyễn Du đó. Ông đã nổ máy xe, nhưng vẫn ngoái lại nhấn thêm, trong gia phả của đại thi hào Nguyễn Du cũng có ghi như vậy. Tôi gật đầu đến sái cổ vì nhiệt tình của ông.Tôi vẫy tay. Ông cũng vẫy tay.

Giá của một chiếc lồng, làm bằng ngà voi chẳng hạn, còn đắt gấp hàng chục lần giá tiền mua chim quý.

Chúng tôi chia tay vội vã như thế, nên vẫn chưa kịp hỏi chuyện về giải thưởng bộ bốn chiếc lồng chim, đoạt giải 3 của ông, vào năm 2011. Và, nhất là cái lồng to mang cái tên “Một thoáng Việt Nam” của ông hồi đưa dự triển lãm trong TP Hồ Chí Minh, năm 2010. Đó là lồng chim cao 2,7m và rộng 0,9m, ngày đó được coi là kỷ lục, tuy chưa được công nhận, nhưng ai nấy đều rất vui khi chiếc lồng chim lớn của nghệ nhân của làng Canh Hoạch lên truyền hình. Nhưng lại nghe nói mới đây, trong làng có một người tên là Đào Văn Vững đã thể hiện tài năng, khi thi công một chiếc lồng chim cao tới 3m, rộng 1,2m.

Chiếc lồng chim “khủng” này do một khách ở nội thành về làng đặt anh với giá 10 triệu đồng. Đây có lẽ là một tin vui cho anh em làm nghề trong làng. Thế là tôi đi lòng vòng trong làng hỏi đến nhà anh Vững, và muốn biết làm thế nào mà anh có những nan trúc dài tới 3m. Một cậu bé nói chú Vững đã đi chợ, rồi giơ một chiếc lồng chim nhỏ xíu, hỏi tôi có mua không.

Tôi nói vui đây lâu đài cho chim ở chứ không phải là nơi để chim ị nữa. Cậu bé cười khì khì thích thú, để hở một cái răng sứt, nom rất ngộ ngĩnh. Cậu bé vừa chạy vừa gọi bạn bè mang lồng chim của mình làm ra bày hàng khắp xóm. Tôi thấy thơ thới trong lòng vì niềm vui con trẻ, với những ngôi nhà bằng tăm trúc nõn nà nuôi chim hót. 

3. Tôi đi trong làng với miên man cảm xúc. Tiếng chim hót ríu ran trong từng ngôi nhà đầy hương hoa. Trước đây, người ta nói làng Canh Hoạch một thời tím ngát đường làng vì màu thủy chung của những chiếc quạt giấy. Một ngày xưa đằm thắm với câu ca dao:

“Hỡi cô thắt dải bao xanh

Có về Canh Hoạch với anh thì về

Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề

Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua?

Nhưng giờ đây từ mọi ngõ xóm ngập tràn tiếng chim líu ríu cùng tre trúc phơi đầy đường. Tiếng gõ lách cách, hay tiếng đục chạm những bức tranh “Tố nữ” lên lồng chim tạo nên âm thanh tình tứ. Đó là bức tranh bốn cô gái đang tay đàn, tay sáo rộn ràng ca vang trong bản nhạc về những chú chim nho nhỏ, hót lên tiếng xao xuyến, tiếng thì thầm gọi bạn,với những nỗi niềm ngân nga: “Kêu sao cho quân tử nghe cùng/Phải duyên thì kết, phải lòng thì thương”.

Theo Vương Tâm (Kiến thức gia đình)