Làm nông mà chẳng lấm bùn
- Thứ tư - 29/03/2017 21:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gần 100% diện tích lúa của HTX Nông nghiệp An Mỹ (huyện Mỹ Đức) được gặt bằng máy. |
Máy thay người cấy lúa, trồng khoai
Trong khi nhiều hợp tác xã nông nghiệp khác trong tình cảnh "ăn nhờ ở đậu", thiếu thốn đủ bề thì Hợp tác xã Nông nghiệp An Mỹ (HTX) nhiều năm nay luôn ăn nên làm ra. Trụ sở HTX bề thế, rộng cả trăm mét vuông, các phòng làm việc bố trí liên hoàn, khang trang, hiện đại. Nông dân An Mỹ tự hào vì đây là xã đầu tiên của Thủ đô gần như không còn hình ảnh lam lũ mỗi khi vào vụ, dù diện tích đất trồng lúa lên tới 314ha. Hiện tại, ngoài những dịch vụ truyền thống, HTX đã thực hiện 3 dịch vụ khép kín trong trồng lúa mà ít HTX khác làm được, đó là: Làm đất, ngâm ủ chạy sạ và thu hoạch gặt đập bằng máy.
Chia sẻ niềm vui vì đã từ lâu không phải "chân lấm tay bùn", bà Nguyễn Thị Lựu, ở thôn Kênh Đào, hồ hởi: "Gia đình tôi cấy gần 1 mẫu, nhưng đã 5 năm nay không biết đến cấy hái là gì! Khi cấy có dịch vụ làm đất, chạy sạ, đến lúc thu hoạch chỉ cần có mặt tại ruộng để đưa thóc về phơi". Nông dân nơi đây luôn đặt trọn niềm tin vào sử dụng các dịch vụ của HTX bởi chi phí dịch vụ thường thấp hơn thị trường từ 10% đến 50%. Bà Lựu nhẩm tính: "HTX tổ chức cày ải, bừa, ngâm ủ và gieo sạ với chi phí khoảng 98.000 đồng/sào, trong khi nếu tự lo mỗi hộ phải tốn 346.000 đồng/sào. Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, giá thị trường là 150.000 đồng/sào trong khi giá của HTX là 120.000 đồng/sào". Cũng nhờ được cung cấp dịch vụ tốt, trong khi người dân ở nhiều xã khác không mặn mà với cây vụ đông thì An Mỹ luôn vượt kế hoạch với gần 300ha trồng đậu tương, cho năng suất từ 13 tạ đến 14 tạ/ha, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nông dân... Bà Lựu tâm sự: "Dịch vụ của HTX không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian để làm việc khác, vì thời vụ triển khai nhanh gọn, không mất nhiều công sức".
Không chỉ góp phần giải phóng sức lao động, HTX còn đi đầu trong xây dựng các mô hình nông nghiệp mới bằng sự chủ động liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đặc biệt là sản xuất giống. Nhiều năm qua, HTX đã liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương để sản xuất giống trên diện tích gần 100ha, mỗi năm cung ứng từ 100 tấn đến 200 tấn lúa giống. Hướng đi này cũng được áp dụng thành công trong các mô hình chăn nuôi. Trang trại chăn nuôi lợn khép kín quy mô 500 con của ông Nguyễn Hữu Đạt được đầu tư bài bản với hệ thống hạ tầng đồng bộ là một ví dụ điển hình. Theo ông Đạt: "Trước đây khu vực này quanh năm úng ngập, từ 2 năm nay, HTX đề xuất với chính quyền địa phương cho chuyển đổi sang chăn nuôi. HTX đã đứng ra liên kết với các công ty lớn chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm. Vì được bảo trợ đầu ra nên có thời điểm, giá lợn thịt trên thị trường tụt giảm nhưng gia đình vẫn không bị ảnh hưởng". Còn anh Nguyễn Bá Nam, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Tảo Khê phân tích: "Nông dân sẽ không biết khái niệm liên kết trong chăn nuôi công nghiệp là gì nếu không có HTX hướng dẫn. HTX là điểm tựa cho chúng tôi trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật và quy trình sản xuất bài bản".
Với ý tưởng táo bạo, gần đây, HTX An Mỹ đã thỏa thuận thuê lại 39,5ha của hơn 300 hộ dân để hình thành vùng chuyên canh trồng khoai lang theo công nghệ mới và được cơ giới hóa 100% từ làm đất, gieo trồng đến thu hái. Bà Nguyễn Thị Thoan ở thôn Đoan Nữ tự hào nói: “Chúng tôi rất vui khi hình ảnh máy chạy trên đồng xới đất, tra giống, chăm sóc cây trồng trước đây chỉ thấy trên ti vi, giờ đã trở thành hiện thực ở ngay trên đồng đất quê mình”.
Xây dựng mối đoàn kết, thống nhất
Giám đốc HTX, ông Nguyễn Văn Tài là người có tác phong nhanh nhẹn, với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với kinh tế tập thể, ông luôn hăng say với mỗi câu chuyện về mảnh đất An Mỹ. Thấy chúng tôi lật giở các bảng biểu nông lịch, kế hoạch, lịch điều hành sản xuất… ở văn phòng làm việc HTX, ông Nguyễn Văn Tài giải thích: “Chúng tôi in tài liệu khuyến cáo sản xuất và phát đến từng hộ dân, thông báo trên loa truyền thanh và kèm theo số điện thoại người phụ trách để xã viên nắm vững và phối hợp nhịp nhàng”. Như để tránh phân bón, giống giả hay kém chất lượng, HTX đưa vật tư đến bán tận nhà cho hộ xã viên với giá rẻ hơn thị trường 5%. Đối với các hộ khó khăn, HTX cho mua chịu không tính lãi trong thời gian nhất định hoặc đến cuối vụ thanh toán.
Nhờ thực hiện tốt các dịch vụ và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX đã có nguồn thu ổn định để duy trì các hoạt động xã hội và đóng góp vào quỹ từ thiện ở địa phương hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức đánh giá: HTX An Mỹ là một trong ít các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện làm tốt các dịch vụ, đưa khoa học, cơ giới vào sản xuất. Đặc biệt, HTX đã xây dựng được một mối đoàn kết, thống nhất giữa nhân dân với chính quyền địa phương và HTX. Ít có nơi nào, vai trò của cán bộ HTX lại được coi trọng như ở An Mỹ".
Chia sẻ về mô hình HTX ở An Mỹ, ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khu vực HTX nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn thì sự năng động, sáng tạo của HTX An Mỹ là rất đáng biểu dương. HTX không chỉ là điển hình về kinh tế tập thể của Thủ đô, còn là điển hình của cả nước và đã nhiều lần được vinh danh. Tuy nhiên, để đưa HTX tiến thêm một bước trong việc tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyển đổi gần 100ha đất nông nghiệp cấy lúa sang cây trồng khác như mục tiêu đề ra thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Người dân ở đây mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyên canh, trên cơ sở đó, HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp, phát huy sức mạnh tập hợp xã viên, tích tụ ruộng đất theo vùng để tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng… Làm được như vậy nông dân An Mỹ sẽ có thêm động lực để tiếp tục làm giàu trên đồng đất quê hương.