Làm nông nghiệp công nghệ cao ở Israel, những điều mắt thấy tai nghe

Làm nông nghiệp công nghệ cao ở Israel, những điều mắt thấy tai nghe
Với dân số 8,5 triệu người và diện tích phần lớn là sa mạc khô hạn, nhưng lâu nay Israel được cả thế giới biết đến là một quốc gia rất phát triển đặc biệt là về nông nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp.

Ông Chin Abner Giám đốc kinh doanh của công ty Green 2000 trao đổi kinh nghiệm trồng cây trong nhà kính với các đại biểu tỉnh Đồng Tháp sang thăm và học hỏi kinh nghiệm tại Israel.

Người Israel sử dụng phương pháp khử mặn đất, phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả và thậm chí nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi. Israel cũng là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang được đẩy lùi. Israel đứng đầu thế giới về tái chế nước, với tỉ lệ đến 70% nước được tái chế.
 
Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% là khoa học và chỉ 5% lao động. Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, nhưng những nông trang (Kibbutz) sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

Sự trỗi dậy của Kibbutz một phần là kết quả của những đột phá trong công nghệ và nông nghiệp do các nông trang và trường đại học ở Israel thực hiện. 

Đến thăm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Israel tại Trung tâm hợp tác và phát triển quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp Israel (Cinadco), chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Yakov Poleg - Giám đốc Trung tâm Cinadco. Ông đã giới thiệu những thành tựu mà ngành nông nghiệp Israel đã đạt được sau những nỗ lực thay đổi trong những năm qua. Mỗi ha cà chua ở Israel có thể đạt năng suất đến 300 tấn. Ngoài việc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về hiệu quả sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp thì Israel còn gặt hái rất nhiều thành công khác và đang sở hữu công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. 

Ông Yakov cho biết: “Tôi thấy rằng nông nghiệp là quan trọng đối với Việt Nam, còn chúng tôi có những thế mạnh về kinh nghiệm hợp tác phát triển nông nghiệp với nhiều quốc gia. Chúng tôi có nhiều chuyên gia nhiều nhà khoa học và phòng Hợp tác quốc tế của chúng tôi sẽ bắt tay làm việc đó để hỗ trợ các công ty Việt Nam hình thành công nghệ sản xuất từng bước nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm”.

Trồng hoa trong nhà kính

Dù là đất nước nhỏ bé nhưng Israel lại dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hoa vàothị trường châu Âu. Nhiều loại nông sản khác được sản xuất bằng công nghệ nông nghiệp của Israel cũng gặt hái kết quả cũng rất khả quan.

Tại trang trại trồng hoa của Công ty Danziger thuộc vùng Mishmar Hashivaa ở miền trung Israel, các loại hoa được nuôi cấy, trồng trong nhà kính và được quản l‎y‎ chặt chẽ đối với các yếu tố vi sinh. Đặc biệt trong trang trại này, mỗi kệ hoa đều có đường ống nước chạy qua một hệ thống tưới nước, một hệ thống cung cấp các chất dinh dưỡng và một hệ thống tưới nước ấm cho cây vào mùa đông hoặc khi cần nhiệt để kích thích ra hoa. Tất cả đều ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa chủ động trong các khâu bổ sung dinh dưỡng cần thiết.

Ông Daniel Kaufman, giám đốc kinh doanh công ty, cho biết vào năm 1998, công ty chỉ có 5 loại giống hoa. Các loại hoa ở đây đều được nghiên cứu nguồn gien và đều được canh tác với kỹ thuật khác nhau tùy theo đặc tính của mỗi loài. Hiện tại, ở đây có hơn 300 loài hoa khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào nhu cầu thị trường mà công ty chọn đẩy mạnh các sản phẩm cần thiết.

Ông Daniel cho biết: “Công ty của chúng tôi sản xuất và ươm giống các loại hoa và hoa cắt cành phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu ra hơn 60 nước trên thế giới. Trong nhiều năm qua, trang trại hoa của chúng tôi đã nhân giống được nhiều giống hoa lạ nhờ vào tay nghề của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp dày dặn kinh nghiệm và các trang thiết bị hiện đại trong các phòng thí nghiệm.”

Theo ông Daniel, muốn có được các loại sản phẩm hoa đa dạng và đẹp thì nhìn chung chúng ta phải đưa ra phương pháp trồng thật tốt. Còn nhiều vấn đề phải tính đến như đặc điểm thời tiết và khí hậu và nhiệt độ, và đây là những nhân tố cơ bản để chúng ta có được một qui trình chuẩn. Mọi việc phải đúng theo thời điểm thì kết quả mới đạt được cao nhất.  

… đến trồng rau  hữu cơ và nuôi cá rô phi trên sa mạc

Công ty Green 2000 lâu nay được giới chuyên gia biết đến là mô hình phát triển nông nghiệp và canh tác trong nhà kính đạt hiệu quả cao. Tại đây, rau xà lách được trồng trong bể thủy canh rất độc đáo. Dù đây không phải lần đầu biết đến phương pháp trồng rau thủy canh, nhưng chúng tôi đều đánh giá cao sự tiện lợi dễ thu hoạch và chất lượng rau đạt được rất tốt. Đáng chú ‎nhất là khu vực trồng cà chua tại nhà kính này. Giống này cho trái sai, năng suất cao có thể ăn ngay tại vườn mà không cần rửa. Ngoài ra, cách trồng dây leo giúp giảm mặt bằng tăng năng suất trên cùng một diện tích. Biện pháp trồng các loại hoa có hương thơm để dụ côn trùng và ong cũng được trang trại này áp dụng. Đây được đánh giá là biện pháp bổ trợ giúp giảm thiểu cho mô hình gây hại trồng rau hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Ông Chin Abner, Giám đốc kinh doanh của công ty, cho biết hệ thống bơm tưới thông minh có thể giúp nông trại hạn chế chi phí nhân công và định lượng được các loại dung dịch cần thiết. Ông Chin Abner cho rằng nhu cầu hợp tác với công ty ông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao là điều ông rất quan tâm. Ông cho biết ông sẽ sang tỉnh Đồng Tháp theo lời mời của chủ tịch tỉnh để cùng nghiên cứu 24/7 với các kỹ sư nông nghiệp của Việt Nam để đưa ra báo cáo đánh giá cụ thể chúng ta nên làm gì về vùng đất và kinh nghiệm của nông dân Việt Nam. Ông nói: "Chúng tôi sẽ lên chương trình và triển khai cùng các nhóm chuyên gia của các bạn để phát triển các nông trại tương tự tại địa phương".

Rời Green 2000, chúng tôi cũng đến thăm trang trại nuôi cá rô phi đen và đỏ hiện đại ở trang trại cá giống ở Kibbutz Nir David thuộc công ty Công nghệ Sản xuất Thủy sản (APT) nằm ở phía Nam Israel. Đây được xem là một trong những trang trại nuôi cá giống lớn nhất ở Israel. 

Ông Tamiz Ezeg, giám đốc công nghệ công ty ATP, cho biết vùng nuôi này đã hình thành từ 60 năm trước và đã từng trải qua rất nhiều khó khăn mới đạt được kết quả như hôm nay. Hiện tại, mỗi năm vùng nuôi này cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 tấn cá thương phẩm. Trước khi đưa ra thị trường, cá được phân loại to nhỏ khác nhau qua hệ thống máy chọn cá. 

Cũng theo ông Tamizcho, dựa vào hiểu biết của ông thì khí hậu thuận lợi ở Việt Nam là điều rất quan trọng, nó sẽ là nơi tuyêt vời để nuôi cá và dĩ nhiên nguồn nước tốt ở sông Mekong như ở Việt Nam thì không có vấn đề gì để nuôi cá. Ở Việt Nam thì sẽ rất thuận lợi cho việc sản xuất cá giống toàn đực như thế này. Chúng ta có thể phát triển những vùng nuôi và cho ra sản phẩm tốt nhất trên thế giới. Có thể thấy rõ trong điều kiện khí hậu khắc nhiệt của Israel và nguồn nước rất hạn chế, các doanh nghiệp nơi đây vẫn có thể nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để vượt qua khó khăn về tình trạng khan hiếm nước để nâng cao giá trị sản phẩm.    

Ở đây, họ thường đào ao hồ sâu khoảng 4m, mỗi hồ nuôi có diện tích khoảng 50ha. Các hồ được bơm nước nóng 37 độ C vào trong bể chứa cá rô phi để sản xuất thương mại. Sau khi được dùng trong bể cá, chỗ nước chứa chất thải của cá lại là nguồn phân bón hoàn hảo cho các rặng cây chà là và ôliu. Các nông trang cũng tìm ra cách trồng rau và cây ăn quả được tưới trực tiếp bằng nguồn nước ngầm. Nhờ vậy, nước được tái chế những 2 lần thay vì sử dụng 1 lần rồi bỏ đi. 

…tới chăn nuôi bò sữa và các sản phẩm từ sữa

Ít người biết rằng ngành công nghiệp nuôi bò và chế biến sữa của Israel cũng cực kỳ nổi tiếng.

Trang trại nuôi bò sữa ở Israel.

Ông Michal Kraus, giám đốc điều hành Tập đoàn sữa Israel, cho biết, người Israel ưa chuộng các loại sữa chua, pho mát vào mùa hè ấm áp do đây là các loại thức ăn mát và dễ ăn. Các loại pho mát cứng dùng làm bánh pizza thường được tiêu thụ trong những tháng đông. Ở Israel, các siêu thị có đến hơn 800 các loại pho mát được bày bán.

Theo con số thống kê của Tập đoàn sữa Israel, có đến 32% người Israel tiêu thụ phô mai mềm, 30% uống sữa hàng ngày, 26% sử dụng pho mát cứng và 12% ăn các sản phẩm chế biến từ sữa làm món tráng miệng.

Theo anh Ori thuộc công ty Jacobs chuyên về chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa ở vùng Kfar Haro’e phía Bắc Israel, công ty của anh chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa và phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu. 

Anh cho biết: “Sản phẩm pho mát của chúng tôi để trong phòng lạnh khoảng 1 tháng là có thể mang bán ra thị trường. Nguồn gốc các sản phẩm của công ty chúng tôi đều bắt nguồn từ Pháp từ hơn 20 năm trước đây do ông chủ cho con cái ra nước ngoài học nghề đem về. Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất pho mát, trang trại chúng tôi còn phải nhập từ các trang trại khác về thì mới đủ nguồn nguyên liệu. Sản phẩm của chúng tôi được đưa vào tất cả các hệ thống siêu thị trong cả nước và cũng thường xuyên tham gia các hội chợ nông nghiệp ở Israel. Làm pho mát thì cứ trung bình 4 tiếng được một mẻ , cứ 10 lít sữa thì làm ra được một chiếc pho mát”.

Nguyễn Văn Tiến, một sinh viên Việt Nam, đang làm việc ở đây cho biết: “Hiện giờ có hơn 400 bò sữa đang được nuôi ở trang trại của chúng tôi. Tất cả bò đều được đánh mã số đầy đủ để tiện cho việc quản lý và theo dõi. Mỗi con bò trung bình một ngày cho sản lượng 40 lít, cá biệt có con lên tới 80 lít/1 ngày. Một ngày trang trại của chúng tôi có thể sản xuất ra 34.000 lít sữa".

Tiến sỹ Ephraim Maltz thuộc Trung tâm nghiên cứu Volcani của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông Israel cho biết: Sản xuất sữa ở Israel được thực hiện bằng quota mà hiện giờ mới chỉ có ở hai quốc gia áp dụng là Na Uy và Canada. Trong trường hợp nhu cầu về sữa và các sản phẩm từ sữa tăng thì tập đoàn sữa Israel sẽ nâng hạn nghạch sản xuất sữa lên cho nông dân. Điều này cho phép người nông dân đưa ra kế hoạch sản xuất và tổ chức sản xuất hợp lý tránh dư thừa.

Dây truyền hút sữa bò hiện đại do công ty Afimilk của Israel sản xuất được lắp đặt ở nông trang Revivim thuộc tỉnh Ramat Negev, miền Trung Israel.

Ở Israel, có đến 80% số bò đều được đăng k‎‎ý trong danh sách đàn bò của Israel. Tất cả bò đều được đưa vào dữ liệu trên máy tính để quản lý, điều này giúp cho việc nắm bắt được phả hệ, lai lịch và sản lượng sữa cũng như các yếu tố khác liên quan đến mỗi con bò.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, nông dân Israel đã học cách nuôi bò bằng cách sử dụng môi trường tự nhiên tốt hơn cho dù khí hậu khô cằn và tình trạng thiếu nước trầm trọng ở Israel. Các phương pháp bao gồm nuôi bò bằng thực phẩm tự nhiên tái chế, sử dụng nước tái chế để trồng thức ăn cho gia súc và sử dụng lại phân bò trong nông nghiệp.

Họ còn sử dụng máy đo cảm biến nhiệt nhằm theo dõi, cải thiện sức khoẻ và sinh sản của bò, và tăng hiệu quả trong quá trình vắt sữa. Công nghệ giám sát và sản xuất được quản lý bởi hai công ty của Israel là Afimilk và SCR, là những nhà tiên phong trong ngành công nghiệp chế biến sữa, nổi tiếng trên thế giới. Hiện giờ sản phẩm của họ đã được xuất khẩu đi khắp thế giới.

Quả thực, những điều kỳ diệu tưởng chừng không thể làm được mà lại được làm một cách hoàn hảo và hiệu quả cao thì chỉ có thể là ở Israel. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không chỉ ở nơi đây mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới là yếu tố con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành công.

Tác giả bài viết: Việt Thắng - Đình Viễn

Nguồn tin: baotintuc.vn