Làm nông nghiệp đô thị
- Thứ tư - 23/09/2015 11:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công ty Mirai đặt cược vào tương lai của ngành trồng rau trong nhà -modernfarmer.com |
Từ 10 năm nay, các công ty Nhật trong lĩnh vực máy tính, chất bán dẫn hoặc bóng đèn LED gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế ảm đạm và sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường giá rẻ nhưng chất lượng cao.
Thế là các công ty này hướng đến một địa hạt tăng trưởng mới: canh tác nông nghiệp ở đô thị trong các trang trại thẳng đứng, tức những tòa nhà hình tháp xây dựng ở trung tâm các thành phố nhằm tái tạo môi trường thuận lợi cho việc trồng rau.
Về với đất, nhưng không cần đất
Hiện nay, nông nghiệp ở Nhật không phải là gam màu tươi sáng: chủ trang trại tuổi ngày càng cao (60% nông dân có độ tuổi trên 65), giới trẻ không ngó ngàng đến chuyện làm nông, kỹ thuật canh tác không giúp tăng năng suất, tỉ lệ tự túc lương thực kém...
Ngoài ra, sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011 gây nhiễm xạ trong một vùng đất làm nông nghiệp khiến người Nhật nghi ngờ về chất lượng rau trồng ở vùng quê mình. Vì vậy, nhiều người nghĩ rau trồng có nhiều cơ may “sạch” hơn nếu được canh tác ở trung tâm thành phố.
Là công ty bị ảnh hưởng nặng nhất do doanh số máy tính và tivi tụt giảm, Toshiba xây khu phức hợp Toshiba Clean Room Farm rộng 2.000m2 tại Yokosuka, một thành phố duyên hải gần Tokyo, trồng rau diếp, rau chân vịt hoặc cải mizuna. Tất cả đều không mọc từ đất mà được nuôi bằng các chất lỏng dinh dưỡng ở nhiệt độ ổn định.
Qua dự án này, Toshiba muốn cung cấp khoảng 3 triệu túi rau mỗi ngày, với doanh số kỳ vọng 300 triệu yen (2,4 triệu USD), một giọt nước so với doanh số hơn 51 tỉ USD của toàn công ty. Vấn đề là lợi nhuận thật sự của Toshiba đến từ việc quảng bá bí quyết làm chủ các bóng đèn LED, nhiệt độ sử dụng, các phương pháp vô trùng, các hệ thống tin học hoặc chất bán dẫn đi kèm.
“Toshiba làm chủ tất cả công nghệ nên có thể cung cấp cho khách hàng mọi thứ cần thiết để họ tự xây trang trại thẳng đứng cho riêng mình” - trưởng dự án Noriaki Matsunaga giải thích. Công ty đã triển khai dự án ở Singapore và nhắm đến các vùng đất siêu đô thị hóa ở châu Á đang tìm kiếm khả năng tự túc lương thực.
Chất bán dẫn trị sâu bệnh
Fujitsu đã đóng cửa một trong những nhà máy sản xuất chất bán dẫn để biến nó thành Akisai Food and Agricultural Cloud - một không gian rộng lớn dành để canh tác rau diếp.
“Bằng cách sử dụng hệ thống chất bán dẫn trong việc canh tác rau diếp để loại bỏ côn trùng, sâu bệnh và bụi trong môi trường, chúng tôi không phải dùng đến thuốc trừ sâu” - đại diện công ty nói. Việc làm chủ công nghệ cũng cho phép Fujitsu sản xuất “theo yêu cầu”, chẳng hạn trồng rau diếp nghèo potassium để cung cấp cho người tiêu dùng có vấn đề về thận.
Các công ty khác không đứng ngoài cuộc. Panasonic đã đầu tư trước cả Toshiba vào Singapore và hi vọng cung cấp 5% lượng rau tại đảo quốc này. Sharp triển khai trồng dâu tại Dubai, địa điểm hợp lý cho dự án vì trái dâu Nhật rất phổ biến ở vùng Trung Đông, đắt tiền và lại mau hư.
Sharp sẽ cung cấp đèn LED hiệu năng cao, các cảm biến ghi nhận nhiệt độ, độ ẩm và hệ thống lọc không khí nhằm bảo vệ cây trồng khỏi các mầm bệnh, vi khuẩn và nấm mốc.
Các loại rau trồng ở Toshiba Clean Room Farm - businesswire.com |
Triển vọng cao, thách thức lớn
Những người khởi động dự án đưa ra những con số rất hấp dẫn: các trang trại thẳng đứng cung cấp mỗi ngày 10.000 cây rau diếp trên diện tích 25.000m2, tức năng suất cao hơn gấp 100 lần so với canh tác “bên ngoài”, năng lượng sử dụng ít hơn đến 40% và tiết kiệm nước đến 99%. Năng suất này sẽ còn tăng cao theo đà tiến bộ của công nghệ robot.
“Hiện nay quy trình sản xuất chỉ tự động hóa một nửa. Máy móc làm phần việc của nó, nhưng thu hoạch chủ yếu bằng tay. Trong tương lai, chúng tôi đặt kỳ vọng vào sự phát triển của robot thu hoạch. Chẳng hạn một robot có thể cùng lúc trồng hạt, cắt tỉa, thu hoạch rồi đóng gói sản phẩm cuối cùng” - Shigeharu Shimamura, tổng giám đốc Công ty Mirai (“tương lai” trong tiếng Nhật), giải thích.
Mirai đang biến một nhà máy cũ sản xuất chất bán dẫn của Sony thành trang trại trong nhà có diện tích bằng nửa sân bóng đá. Tại đây, trong môi trường hoàn toàn nhân tạo, chu kỳ ngày và đêm được rút ngắn để cây trồng mọc nhanh hơn trong lúc nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm được tối ưu hóa. “Điều có ý nghĩa nhất về mặt kinh tế trong sản xuất rau trồng nhanh là có thể nhanh chóng đưa nó ra thị trường. Ngoài rau ăn, trang trại còn có thể sản xuất thảo dược” - Shimamura nói.
Tuy nhiên dù lợi ích về năng suất là ấn tượng, nhưng người ta vẫn chưa đạt được một giải pháp đáp ứng các vấn đề của nền nông nghiệp Nhật. Các trang trại thẳng đứng còn xa lắm mới đạt mức sinh lợi, việc đa dạng hóa các loại rau trồng ở diện tích lớn còn yếu, năng lượng tiêu thụ chưa tiết giảm đáng kể... Việc 1/3 dân Nhật tuyên bố ủng hộ tái khởi động năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima cho thấy không có gì đảm bảo lợi ích của nông nghiệp đô thị là chắc chắn.
Theo Tuổi trẻ