Làm phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi

Làm phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, từ tháng 4/2014 đến nay dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ xây dựng 2.750/2.900 công trình khí sinh học cho các hộ chăn nuôi.

Sau khi thực hiện một số giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi, các hộ đều khẳng định hiệu quả sử dụng, giảm chi phí chất đốt và tạo ra phân bón cho cây trồng và nhất là môi trường nông thôn sạch sẽ.

06-24-15_bon_phn_huu_co_gim_chi_phi_v_vuon_su_rieng_vn_xnh_tot_-_nh_hd
Bón phân hữu cơ giúp vườn sầu riêng xanh tốt

Anh Lê Khánh Đức, cán bộ LCASP Tiền Giang cho biết, đến nay dự án đã triển khai tập huấn trên 50 lớp cho 1.500 hộ dân về phương pháp ủ phân composte. Đây là cách sử dụng chủ yếu bã phế thải thực vật, phân của động vật thông qua hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật phân hủy và làm tăng chất lượng của sản phẩm, tạo nên phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. 

Nhờ quá trình lên men và nhiệt độ tự sinh của đống phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm, thậm chí ủ phân có thể phân hủy được cả xác động vật chết khi lượng phế thải thực vật đủ lớn. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thụ khoáng của cây trồng, đồng thời có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. Phân ủ còn có tác dụng tốt đối với tính chất lý hoá học và sinh học của đất, không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Phân hữu cơ từ kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi có ưu điểm vượt trội về mặt hiệu quả. Một số nhà vườn ở Tiền Giang lắp đặt công trình khí sinh học như anh Hai Thống ở Cai Lậy sớm biết cách tận dụng chất thải làm phân bón cho vườn sầu riêng. Anh Hai Lên ở xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho cho biết, ủ phân bò làm phân hữu cơ bón cho hoa kiểng rất tốt...

Tuy nhiên trong thực tế thành phần phân ủ thường không ổn định về chất lượng do nguyên liệu đưa vào không đồng đều... phải tốn thêm công ủ và diện tích để ủ. Việc ủ phân thường ở dạng thủ công và lộ thiên tạo sự phản cảm về mỹ quan và phát tán mùi hôi trong 1 - 2 ngày đầu.

Tuy nhận thức của người dân về phân hữu cơ rất tốt như làm tơi xốp đất, giữ độ ẩm đất, bền cây, tăng năng suất, giá thành thấp… nhưng mặt trái là khi đưa vào sản xuất thì họ ít sử dụng vì cho rằng chi phí vận chuyển ra đồng cao, tốn nhiều công. Do vậy vùng trồng dứa và một số vùng trồng cây ăn quả ở Tiền Giang vẫn còn bón phân vô cơ, có nơi chiếm tới 85 - 90%.

Ông Huỳnh Thanh Nông, kỹ thuật viên LCASP Tiền Giang cho biết, dự án đang xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật bằng máy xử lý bằng công nghệ ép tách phân dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Máy ép có thể tách hầu hết các tạp chất nhỏ đến rất nhỏ trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp.

06-24-15_cong_trinh_xy_hm_biogs_phu_hop_ho_chn_nuoi_qui_mo_vu_v_nho_-_nh_cb
Công trình xây hầm biogas phù hợp hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ

Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý riêng còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc xuống hầm khí sinh học xử lý tiếp. Độ ẩm của sản phẩm (phân khô) có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng.

Đây là giải pháp phù hợp trong bối cảnh đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nông hộ chăn nuôi nhỏ ngày càng bận rộn; đồng thời khắc phục nhược điểm các hộ khó sản xuất phân bón, do lượng phân chuồng ít.

Hiện một số trang trại chăn nuôi lớn ở Tiền Giang tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như chất thải chăn nuôi, mụn dừa, trấu, mùn cưa… để sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, hướng tới canh tác bền vững.

Tiền Giang là một trong những tỉnh phát triển chăn nuôi mạnh nhất ở ĐBSCL với khoảng 220 trang trại, chiếm 24% trong tổng số trang trại chăn nuôi trong khu vực, hầu hết đều xây dựng công trình khí sinh học.

Tác giả bài viết: HỮU ĐỨC - TRẦN HIẾU

Nguồn tin: nongnghiep.vn