Làm thương hiệu cho đặc sản Đồng Nai
- Thứ tư - 10/04/2019 22:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vườn bưởi da xanh tại huyện Trảng Bom. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là “làn gió mới” cho xây dựng nông thôn mới thông qua việc phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bền vững. Cần đặt tên cho đặc sản Đồng Nai có nhiều loại nông sản chủ lực như: tiêu, cà phê, điều… có sản lượng lớn, phát triển về chế biến nhưng chủ yếu vẫn ở mức sơ chế, bán ra thị trường dưới dạng nguyên liệu nên còn ít nhãn hàng, thương hiệu lớn. Nhiều mặt hàng trái cây như: xoài, chuối, sầu riêng, chôm chôm... cũng thuộc tốp đầu cả nước về diện tích. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế... Đến nay, cả trăm nhãn hiệu hàng hóa, nông sản đã được đăng ký bảo hộ như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh, tiêu Xuân Lộc, thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom)... Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng... Nhưng việc xây dựng thương hiệu cho nông sản vẫn là những mảnh ghép riêng lẻ, mờ nhạt. Vì thực tế, hầu như chưa có nhiều nông sản của Đồng Nai xây dựng được thương hiệu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) cho biết, từ nhiều năm trước hợp tác xã đã sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; chôm chôm Long Khánh là một trong số ít trái cây được cấp chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, do chưa đồng bộ trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chưa tự phát triển được thị trường nên khi cung cấp chôm chôm, sầu riêng vào các trung tâm thương mại ở Hà Nội hay cho doanh nghiệp xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre, sản phẩm của hợp tác xã đều phải “mượn” tên của đơn vị trung gian. “Đó cũng là nguyên nhân trái chôm chôm Long Khánh nổi tiếng về chất lượng ngon nhưng đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện” - ông Tâm ngậm ngùi. Gian nan xây dựng thương hiệu Đồng Nai đã triển khai chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của chương trình này là từ nay đến cuối năm 2020 sẽ hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp địa phương về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trong nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp...Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mới chỉ là bước đầu tiên của mục tiêu tạo được những tên tuổi, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Hương (huyện Định Quán) chia sẻ: “Với một doanh nghiệp nhỏ, việc xây dựng thương hiệu để thị trường biết tiếng là cả hành trình gian nan. Khó khăn nhất với chúng tôi là chi phí để tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu quá lớn…Doanh nghiệp cũng gặp khó trong phát triển các kênh phân phối vì ở phân khúc cao thì đụng những ông lớn; ở phân khúc thấp cũng không dễ cạnh tranh với những sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng tràn lan trên thị trường”. Cùng mong muốn được hỗ trợ để sản phẩm nông sản tại địa phương vươn xa, đại diện Cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Hơn 15 năm có mặt trên thị trường nhưng sản phẩm của cơ sở vẫn xuất khẩu qua trung gian, giá trị chưa cao, nhãn hàng của chúng tôi cũng chưa được thị trường nhận diện. Chúng tôi mong những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về việc đầu tư công nghệ chế biến cũng như trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường thì mới góp phần giải quyết đầu ra bền vững cho nông sản tại địa phương”. Phát huy lợi thế địa phương Chương trình OCOP đang được Đồng Nai toàn lực triển khai, được xem là bệ đỡ cho mục tiêu xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương. Ở đây, sản phẩm, dịch vụ OCOP phải là các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản địa phương; có tính độc đáo, có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Còn sản phẩm dịch vụ tại địa phương được chọn dựa trên thế mạnh về văn hóa, danh thắng, môi trường… Tham gia giới thiệu Chương trình OCOP tại Đồng Nai, ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, nhận xét: “Trong xu thế hiện nay, lợi thế cạnh tranh quốc gia là câu chuyện chúng ta cần quan tâm. Địa phương hóa sự cạnh tranh quốc gia, tất cả sự khác biệt về văn hóa, thể chế, lịch sử… đều đóng góp vào lợi thế cạnh tranh này”. Theo ông Thắng, Chương trình OCOP đang được nhiều địa phương tập trung triển khai sẽ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở đông đảo nông dân. Mục tiêu của Chương trình OCOP là ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Chương trình OCOP tập trung vào 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất và trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn; bán hàng. Ở đây, sản phẩm cần đạt các tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất của quốc gia. Chương trình cũng khuyến khích các ý tưởng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế như: hữu cơ (Organic), GlobalGAP… Trọng tâm phát triển sản phẩm gồm: nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm; xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại... Địa phương nào cũng có những đặc sản vùng, miền, văn hóa vùng miền, cảnh quan vùng miền riêng. Mục tiêu của Chương trình OCOP là khuyến khích các địa phương tập trung phát huy những lợi thế riêng này và phải để người dân chủ động chọn lựa và phát triển sản phẩm. Bình Nguyên Nguồn tin: https://www.dongnai.gov.vn/
|