Làm tốt hơn nữa công tác thông tin thị trường

Bộ Công thương cho biết, sau nhiều năm nỗ lực xúc tiến, đàm phán với sự tham gia của các bộ, ngành hữu quan, năm 2015 một số sản phẩm nông sản của Việt Nam như vải thiều, xoài, thanh long... đã bắt đầu được cho phép nhập khẩu vào các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, EU... Đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với các nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản muốn duy trì, phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu thì phải có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế về kiểm dịch, an toàn... Hay nói cách khác, phải hướng đến tư duy sản xuất hàng hóa sát với nhu cầu của thị trường. Mà muốn làm được điều đó thì phải nâng cao vai trò của thông tin, đưa thông tin thị trường gần hơn với thực tế mùa vụ của từng vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và biên giới.
Thực tế thời gian qua cho thấy, để tìm đầu ra cho nông sản, bên cạnh những cơ chế, chính sách thông thoáng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã xây dựng nhiều đề án thông tin phục vụ phát triển đầu tư, kinh tế, thương mại... Nhưng mảng thông tin thị trường đáp ứng yêu cầu của gần 70% dân số là nông dân dường như chưa được quan tâm đúng mức là điều đáng tiếc. Vì thiếu thông tin và sử dụng thông tin không hiệu quả, cho nên chỉ cần biến động nhỏ về thời tiết và thị trường là nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của một hoặc nhiều địa phương sẽ chịu cảnh thừa ế, mất giá, như đã từng xảy ra đối với tôm, cao-su, hồ tiêu, thanh long, dưa hấu... Hậu quả là sản xuất đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, thu nhập của nhiều hộ dân.

Tình trạng này chỉ có thể từng bước được giải quyết với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền ở từng địa phương, từng cán bộ khuyến nông cơ sở trong việc khai thác, xử lý để thông tin, tuyên truyền, định hướng cho nông dân sản xuất phù hợp với đặc thù của từng vùng. Hay nói một cách khác, thông tin thị trường cũng cần phải được coi như một công cụ sản xuất của nhà nông. Đây là công cụ đặc biệt không chỉ tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng của hàng hóa, mà còn góp phần đưa các chủ trương, chính sách quản lý của Nhà nước đi vào thực tế nhanh chóng và hiệu quả hơn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có một phần rất lớn nằm ở khu vực dân tộc miền núi và biên giới đang rất “đói” thông tin thị trường.

Để làm tốt hơn nữa công tác thông tin thị trường, thiết nghĩ các cơ quan chức năng liên quan cần xác định rõ các yêu cầu cụ thể về thông tin thị trường, hội nhập, thông qua đó xây dựng phương án cơ chế kết hợp giữa các cấp chính quyền cơ sở và doanh nghiệp, các hợp tác xã để đặt hàng và xử lý thông tin phục vụ sản xuất, nuôi trồng của các địa phương. Riêng đối với khu vực miền núi và biên giới, cần chủ động tham mưu đề xuất Chính phủ sớm ban hành chính sách chuyên biệt ưu đãi về việc cung cấp thông tin thị trường, hội nhập, xúc tiến thương mại bằng tiếng dân tộc. Trước mắt là các cụm tiếng của các dân tộc có dân số đông hơn, tại các vùng kinh tế trọng điểm ở phía bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ để tiến hành thí điểm phục vụ thông tin thị trường vùng dân tộc, miền núi và biên giới. Hàng hóa nông sản có luân chuyển từ miền ngược về miền xuôi và vươn ra thị trường quốc tế thì mới mong tăng tỷ trọng GDP của ngành nông nghiệp vượt con số 18% như hiện nay.

 
Theo nhandan.org.vn