Làn gió mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam

Nông nghiệp vẫn là lợi thế rất lớn của Việt Nam.

Nông nghiệp vẫn là lợi thế rất lớn của Việt Nam.

Thay đổi về chính sách của Nhật sẽ buộc doanh nghiệp nước này phải tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước có lợi thế nông nghiệp như Việt Nam.


Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một năm 2013 không thành công. Giá trị sản xuất của khu vực này so với năm trước đó chỉ tăng 2,47%. Rõ ràng, xu hướng đi xuống của ngành nông nghiệp, một trong những lĩnh vực then chốt và có ưu thế nhất của Việt Nam - vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy vậy, mọi thứ không phải hoàn toàn là màu xám. Lĩnh vực nông nghiệp trong năm qua vẫn có những dấu hiệu mới mẻ. Một số công ty trong nước như Chứng khoán SSI, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (PAN), hay Alphanam đã có những động thái dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn, SSI hợp tác với tập đoàn LR lập ra quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô dự kiến 150 triệu USD. Còn PAN được đại hội cổ đông đồng ý trong việc huy động thêm 650 tỉ đồng để theo đuổi chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, thủy sản và chế biến thực phẩm tiêu dùng trong các năm tới.

Và quan trọng hơn, dường như đang có một làn gió mới từ bên ngoài thổi vào ngành nông nghiệp Việt Nam, dù kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp 2013 vẫn còn khiêm tốn. Trong số ấy, người Nhật đang nổi lên như một nhân tố tích cực nhất.

Tại Hội nghị Hợp tác kinh tế đầu tư giữa Nhật và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cuối năm ngoái, các nhà đầu tư Nhật đã xem đồng bằng sông Cửu Long là điểm đầu tư mang tính chiến lược trong giai đoạn tới. Trước đó, Chính phủ Việt Nam và Nhật cũng đã ký các thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia trong nông nghiệp.

Một điều thuận lợi khác nữa cho nông nghiệp Việt Nam là chính phủ Nhật đang xem xét giảm trợ cấp nông nghiệp.

Những thay đổi về chính sách của Nhật sẽ buộc các doanh nghiệp Nhật phải đẩy mạnh tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia khác có lợi thế về nông nghiệp như Việt Nam. “Cơ hội với Nhật rất tuyệt vời”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói. Theo bà, việc Nhật tuyên bố sẽ không trợ cấp cho ngành trồng lúa gạo nữa, có nghĩa là họ sẽ chuyển sang nhập khẩu là chính. Các doanh nghiệp Nhật đang tiếp cận với Việt Nam để có thể trồng lúa tại đây với những giống lúa mang từ Nhật sang. “Về nông sản, Nhật thật sự là niềm hy vọng của Việt Nam để thúc đẩy phát triển. Đó là chính lối ra cho lĩnh vực đang bí của Việt Nam”, bà Lan nói.

Có thể thấy nông nghiệp vẫn là lợi thế rất lớn của Việt Nam, nếu xét trong nội bộ Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng thấy rõ điều này. Theo đó, chỉ có Việt Nam và Malaysia là hai nước nông nghiệp nhiệt đới nhưng Malaysia chỉ sản xuất một vài sản phẩm như cao su, dầu cọ. Vì vậy Việt Nam gần như là nước nông nghiệp duy nhất trong TPP.

Để hiểu rõ hơn về xu thế này và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam, NCĐT đã trao đổi với ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ, đơn vị thường tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật khi họ có ý định đầu tư vào đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông có thể nhận xét gì về trào lưu tìm hiểu và đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật trong năm 2013?

Nếu như Trung Quốc và Thái Lan là điểm đến đầu tư của Nhật trong thập niên từ 1980 thì hiện nay họ đang muốn tăng cường sang các quốc gia có điều kiện phát triển nông nghiệp. Năm 2013, Nhật là quốc gia có vốn FDI đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam với 291 dự án cấp mới và tổng vốn 1,29 tỉ USD.

Tuy nhiên với số dự án nói trên, hiện đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa nhiều. Trong năm 2013 cả nước chỉ có 10 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó Nhật có 2 dự án. Những hạn chế trong đầu tư cho thấy nông nghiệp là ngành khá nhiều rủi ro và cũng là ngành thuộc nhóm đầu tư có điều kiện. Mặt khác chính sách ưu đãi riêng cho nông nghiệp cũng chưa thực sự rõ ràng, tạo khuyến khích cho nhà đầu tư.

Đối với Nhật, Chính phủ có những động thái chuyển hướng tập trung phát triển nông nghiệp như là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới bởi ngành công nghệ điện tử gần như bão hòa và bị cạnh tranh khá khốc liệt bởi những nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan. Trong khi nông nghiệp đang có nhu cầu lớn để phục vụ con người trong chế biến lương thực thực phầm, đặc biệt là những sản phẩm biến đổi gien, chống lão hóa hay ngăn chặn béo phì đang có nhu cầu rất lớn.

Nhật có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp từ khá sớm với có bề dày về khoa học kỹ thuật. Trong khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, có lợi thế lớn về khí hậu, thổ nhưỡng và lao động khá rẻ nên sẽ là địa điểm Nhật quan tâm. Chúng ta cũng cần biết rằng Việt Nam đã chậm trễ so với Malaysia và Philippines trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Nhật, nên cần tranh thủ nắm bắt ngay thời điểm này.

Mặt khác, Nhật đang đối mặt với áp lực khi tham gia vào TPP về việc họ sẽ phải tiếp tục bảo hộ ngành nông nghiệp hoặc phải mở cửa thị trường này. Dù lựa chọn phương án nào đi chăng nữa thì Nhật cũng sẽ phải thuê ngoài sản xuất nông sản do diện tích đất bị giới hạn và chi phí nhân công cao. Do vậy cơ hội tiếp cận dòng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới là rất lớn.

Tuy vậy việc tìm kiếm cơ hội đầu tư và dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến điểm mới là một quá trình. Doanh nghiệp Nhật rất cẩn trọng và kỹ lưỡng khi tiếp cận một cơ hội mới. Do vậy dù đang có trào lưu mới nhưng kết quả FDI của Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay vẫn chưa thể hiện và phải mất một thời gian ngắn nữa mới có thể thấy được rõ ràng.

Đâu là thuận lợi, đâu là cản trở cho mối hợp tác giữa Việt Nam với Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp?

Thuận lợi đầu tiên có thể nói là hòa hợp về văn hóa, con người giữa hai quốc gia. Trong hợp tác quốc tế, văn hóa, con người là những nhân tố quyết định, riêng người Nhật và Việt Nam đều có chung nét hài hòa về tính cách nên rất dễ dàng trong hợp tác làm ăn kinh doanh. Chính phủ hai nước rất quan tâm, cởi mở và thân thiết nên việc đầu tư nói chung và nông nghiệp nói riêng tôi nghĩ sẽ có những chính sách mới để giúp hợp tác này phát triển tốt đẹp. Thuận lợi khác là cả hai đều có thể hợp tác ngay để đầu tư những sản phẩm cung ứng cho thị trường Nhật mà Việt Nam có điều kiện tự nhiên sản xuất.

Tuy nhiên những cản trở có thế thấy được là ngành nông nghiệp là lĩnh vực nhạy cảm, các nước đều muốn bảo hộ và Việt Nam cũng như thế nên hiện nông nghiệp là lĩnh vực thuộc nhóm ngành kinh doanh - đầu tư có điều kiện. Mặt khác, Luật Đất đai chưa mở ra về hạn điền để có thể tiếp cận sản xuất theo quy mô lớn, chính sách của ta chưa ưu đãi nhiều trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp hay khu vực nông thôn nên sẽ là một trở ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Để có thể hưởng lợi từ việc hợp tác này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Tôi nghĩ doanh nghiệp cần tiếp cận và chuẩn bị ngay để có thể hợp tác đầu tư mà trước mắt là thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế am hiểu về sản xuất nhưng chưa đủ mạnh về thị trường quốc tế. Ứng dụng khoa học kỹ thuật mới là điều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi trình độ và kỹ năng của người lao động chưa cao.

Ngoài ra, khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thì doanh nghiệp phải tuân thủ và chấp nhận những quy định chung. Không chỉ riêng Nhật mà đối với các nước thành viên TPP, vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền, xuất xứ hàng hóa hay giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế là những rào cản cần vượt qua. Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị và sớm thay đổi để phù hợp. Nói một cách dễ hiểu hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tốn kém chi phí nhiều hơn khi thực hiện theo nguyên tắc và quy định cam kết so với trước đây, khi đó mới có thể tính đến việc tham gia thị trường toàn cầu

 
Nguồn nhipcaudautu.vn