Làn sóng khởi nghiệp trong nông dân
- Thứ bảy - 09/09/2017 11:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực trạng nông nghiệp Việt Nam với nhiều hạn chế trong sản xuất đã khiến giá trị nông sản làm ra chưa cao và một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn nghèo khó.
Nhận định chung trên cả nước, nông dân sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, thiên tai; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất còn nhiều, gây lãng phí, hệ thống kho bảo quản, chế biến lương thực còn nhiều bất cập, tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch khá cao, giá trị xuất khẩu nông sản còn hạn chế do yếu tố “xanh” chưa cao trong sản phẩm xuất ra, thiếu tính liên kết vùng và vai trò liên kết “4 nhà”.
Hiện nay lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm đi và bị già hóa (lao động cao tuổi chiếm đa số). Những ngườitrẻ có xu hướng chuyển từ vùng nông thôn lên các thành thị để tham gia vào các ngành nghề khác. Điều này cũng dễ hiểu, vì khi nền kinh tế phát triển, thanh niên nông thôn các tỉnh đều dồn vào các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… để tìm việc làm.
Dẫn đến tình trạng ở nông thôn - nơi sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước - chỉ còn lại lao động lớn tuổi. Cùng với lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm, thì nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với diện tích đất nông nghiệp bình quân/người đã thấp và ngày càng có xu hướng giảm, từ đó dẫn đến tình trạng mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới.
Tìm cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp, một mặt phải xác định là sẽ rất chậm, mặt khác để thành công nó còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố về thị trường, phân phối, bên cạnh đó là những rủi ro cũng rất cao về giá cả bấp bênh, sự chi phối của yếu tố thời tiết…
Hiện nay làn sóng đầu tư vào nông nghiệp cũng đang phát triển rầm rộ, tuy nhiên lại chỉ có các “đại gia” kinh tế tham gia với các dự án khủng lên tới hàng ngàn tỷ đồng; trong khi chủ thể quan trọng nhất của nền nông nghiệp là người nông dân thì hầu như vẫn đứng bên lề xu thế này.
Nhìn lại giai đoạn phát triển nông nghiệp từ năm 1990 đến nay cho thấy, phát triển theo số lượng không còn phù hợp, đòi hỏi những ai đam mê khởi nghiệp trong nông nghiệp phải phát huy tính sáng tạo, đổi mới tư duy phát triển từ lượng sang chất.
Hiện nay, thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát, thiếu ý thức canh tác trong nông nghiệp đã dẫn đến ô nhiễm môi trường do phân, thuốc, ảnh hưởng sức khỏe của người dân nông thôn và người tiêu dung sản phẩm nông nghiệp.
Với sự phát triển của công nghệ, người nông dân có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, truy nguyên nguồn gốc, kết nối sản phẩm sạch, an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Đứng trước thực tại này, căn cứ Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ký ngày 12/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Nông dân khởi nghiệp năm 2017. Hội nghị được tổ chức từ 13h30 - 17h ngày 18/9/2017 với quy mô 500 đại biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau).
Thông qua Hội nghị, những gương nông dân tiêu biểu đã và đang thành công trong khởi nghiệp ở nông thôn, nông nghiệp sẽ được đề cử, giới thiệu, nhân rộng, được nhiều người biết đến để tham khảo, học tập, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần cho sự phát triển chung vì nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Mục tiêu quan trọng của Hội nghị chính là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, công tác tuyên truyền của Hội, để những người có tư tưởng khởi nghiệp hiểu rõ, tư duy đúng đồng thời khuyến khích, động viên cho những ý tưởng xuất sắc có tính khả thi cao.
P.V - Vneconomy