Làng bột Sa Đéc không còn lệ thuộc vào heo
- Thứ năm - 13/02/2020 22:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quyết không bỏ nghề, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng bột, không lệ thuộc vào con heo nữa. Chính nhờ sự thay đổi này đã giúp họ có lời từ bột...
Là gia đình có mấy đời gắn bó với nghề làm bột chăn nuôi heo, khi dịch tả heo châu Phi hoành hành, ông Nguyễn Văn Nương, Chủ nhiệm Hội quán làng bột Sa Đéc đã thay đổi suy nghĩ, thay vì làm bột kiếm đồng lời từ việc nuôi heo thì ông và một số hộ khác đã chuyển sang đầu tư máy móc, thiết bị tập trung sản xuất bột để kiếm lời. Hiện tại, ngoài sản xuất bột tươi, cơ sở của ông Nương còn sản xuất cả ống hút bột gạo để cung ứng cho thị trường.
Ông Nương chia sẻ: “Bây giờ mình phải SX bột có lời, chứ không còn lời bằng con heo nữa bởi dịch bệnh chăn nuôi nhiều rủi ro. Bà con ở đây tập trung đầu tư máy móc sản xuất làm sao cho bột đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm, bán được giá cao, thương lái không còn ép giá”.
Chính sự mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc của nhiều hộ mà chất lượng bột tại các cơ sở ngày một nâng lên, giá bán cũng tăng hơn so với trước. Dịp tết vừa qua mặc dù không có heo để bán nhưng nhiều bà con đều ăn tết vui vì giá bột được giá hơn những năm trước, với mức dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/ kg, tùy vào chất lượng bột. Đây cũng là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với mức giá này, mỗi ký bột người làm có lãi hơn 2 ngàn đồng.
Trước đây, cái khó của người làm bột là khi sản xuất bột, lượng bột cặn không biết làm cách nào tiêu thụ buộc phải chăn nuôi heo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bài toán khó này đã được tháo gỡ khi một số hộ đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy bột, bột cặn được chuyển sang phơi và sấy khô để bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm với giá dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Từ đó, người làm bột vừa nhẹ lo về bột cặn lại vừa có thêm một phần thu nhập và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Anh Phạm Công Lý, chủ hộ chuyên sản xuất bột ở xã Tân Phú Đông phấn khởi nói: “Từ ngày một số hộ có lò sấy thì bột cặn làm ra hàng ngày mình bán đi dứt điểm, làm bữa nào bán đi bữa đó chứ không có tồn đọng. Bao nhiêu lò sấy người ta cũng mua nên mình yên tâm lắm, không phải lo tồn đọng ô nhiễm môi trường như trước”.
Việc tách rời con heo với làng bột trong thời điểm này cũng là điều mà UBND thành phố Sa Đéc đang hướng đến. Bởi theo đề án phát triển làng bột Sa Đéc trong những năm tới đây thì thành phố Sa Đéc sẽ gắn làng bột với phát triển du lịch, trong đó có các hoạt động như cho khách tham quan quy trình sản xuất bột, trải nghiệm làm bánh từ bột gạo....
Nói về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc thông tin thêm: “Nhằm phát triển làng bột, thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình và tiếp tục hỗ trợ để cơ sở sản xuất có lời từ bột, ngoài sản phẩm chính của bột là tinh bột để cung ứng cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ bột. Vấn đề bột cặn chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở tìm công nghệ sấy làm thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản để đảm bảo tăng thêm giá trị của chuỗi ngành hàng bột trên địa bàn”.
Hiện làng nghề bột Sa Đéc có hơn 250 hộ sản xuất, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 50 ngàn tấn bột các loại. Bột gạo Sa Đéc nổi tiếng hàng trăm năm qua, nhiều sản phẩm sau bột như cháo, hủ tíu, phở… đã được xuất khẩu sang nhiều nước khó tính ở châu Âu và Châu Á.
Năm qua, tuy chưa có niềm vui trọn vẹn bởi sự ảnh hưởng từ dịch bệnh, mất đi một phần thu nhập từ đàn heo nhưng qua biến cố này đã giúp cho người có cái nhìn khác hơn, mở ra một hướng đi mới, thúc đẩy làng bột ngày càng phát triển.