Làng giữ hồn Tổ quốc

Làng giữ hồn Tổ quốc
Dịp Quốc khánh trùng với ngày tựu trường nên đây là khoảng thời gian tất bật nhất trong năm của làng may cờ Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

70 năm giữ nghề

Đường vào làng Từ Vân, từ đoạn qua hầm chui cao tốc Hà Nội - Cầu Giẽ, gập ghềnh, với nhiều lồi lõm của những ổ trâu, ổ gà. Gần sát ngày Quốc khánh 2/9, ô tô tải, xe con ra vào nườm nượp. Con đường, vốn chỉ đủ chỗ cho hai ô tô con tránh nhau, như oằn mình để đưa những lá cờ Tổ quốc tới khắp mọi miền đất nước.

4161110444
Cờ được sắp gọn thành từng chục, rồi bó gọn trước khi đem giao cho khách.

Trái với cảnh đầu xã Lê Lợi, đoạn giáp Quốc lộ 1A, ai lần đầu vào Từ Vân cũng phải trầm trồ về đường làng ngõ xóm nơi đây. Xã Lê Lợi gồm 3 thôn là Hà Vỹ, Từ Vân và An Cảnh, thì thôn nào cũng có đường bê tông. Trừ những nhà trong ngõ nhỏ, hầu hết mọi nhà đều có thể đỗ ô tô tận cửa. Những lá cờ đỏ sao vàng được giăng khắp nơi, từ ngọn cây đến cột điện, như thể muốn nói rằng chính “mảnh hồn dân tộc” này đã giúp Lê Lợi thay da đổi thịt.

Gõ cửa cơ sở được người dân mách là lớn nhất Từ Vân, đập vào mắt trước tiên là không khí làm việc dồn dập. “Làm nghề này chỉ mong ngày nào cũng là Quốc khánh”, bà Hải, 60 tuổi, thợ làm ở xưởng sản xuất Duyên Phục, vừa xếp cờ thành bó vừa nói. “Bình thường cơ sở chỉ có khoảng hơn 10 người làm, nhưng những dịp lễ lớn như này có khi tới 30 người làm ngày đêm. Đông nhất là hồi đầu năm 2018, khi U23 Việt Nam đá ở Thường Châu. Chúng tôi làm gần như 24 giờ một ngày, làm sao chỉ trong hai ngày là hoàn thành hàng trăm nghìn lá cờ”.

Từ thế kỷ XVI, Từ Vân đã là làng nghề thêu dệt có tiếng. Bí thư xã Lê Lợi, Nguyễn Văn Chiến cho biết, nhiều người làng Từ Vân đã lên Hà Nội và mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu. Trong những lá cờ tung bay ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, rất nhiều được làm ở Từ Vân.

Bà Huệ, năm nay đã ngoài 70, có hơn 50 năm theo nghề truyền thống kể rằng, năm ấy (1945), những nghệ nhân giỏi nhất ở Từ Vân đã được Ủy ban kháng chiến mời về Hà Nội để làm cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa. Họ được tuyển vào Hợp tác xã cờ đỏ trên phố Hàng Bông, và tự tay làm mọi công đoạn, từ mua vải may cờ (vải sa) ở La Khê, Hà Đông, đến mua tua ở Triều Khúc, Thanh Trì.

Hơn 70 năm trôi qua, nhiều biến cố lịch sử xảy ra nhưng Từ Vân vẫn là là cái nôi, là điểm khởi đầu của những lá cờ mang hồn dân tộc.

Anh Nguyễn Văn Phục, 44 tuổi, chủ xưởng sản xuất Duyên Phục chia sẻ: “Tôi theo nghề làm cờ từ ngày còn bé. Khi tôi biết một chút đã thấy ông và bố tôi làm nghề này. May cờ, với tôi, như một lựa chọn tự nhiên. Tôi coi đó là cái nghiệp của mình”.

2161109993
Anh Nguyễn Văn Phục, chủ một xưởng may cờ ở Từ Vân.

Vừa nói, anh vừa chỉ sang vợ - chị Đào Thị Duyên - và nói, trước khi về làm dâu, chị làm nghề khác. Nhưng từ lúc về sống với nhau, chị thành thợ cả, quán xuyến những việc khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ như thêu ngôi sao vàng năm cánh.  

Bươn chải giữa thời cuộc

Giống nhiều làng nghề khác, Từ Vân gặp không ít khó khăn khi bước vào nền kinh tế thị trường, từ giá bán, thời gian sản xuất tới chất lượng sản phẩm. Theo ông Chiến, cả làng hiện chỉ còn một vài hộ làm nghề may cờ toàn thời gian. Số còn lại coi đây là nghề lúc nông nhàn, hoặc chỉ tăng gia mỗi khi có dịp lễ như Quốc khánh, ngày 30/4 hay Tết Nguyên đán. “Những hộ này nhận lại một phần đơn hàng từ các cơ sở lớn và thường huy động cả nhà làm liên tục trong vài ngày hoặc một, hai tuần”, ông Chiến chia sẻ.

Hạnh, làm trong xưởng sản xuất của bà Vương Thị Nhung, đang học Trung học phổ thông, dáng gầy gò, khệ nệ bê một khung lớn có huy hiệu Đoàn thanh niên lên in trên cờ đỏ. Em bảo: “So với làm đồng và làm công nhân trong nhà máy, may cờ nhẹ nhàng hơn mà thu nhập cũng tương xứng, thậm chí cao hơn khi vào vụ. Em được người nhà giới thiệu đến đây làm để có thêm thu nhập, phụ giúp bố mẹ”. Hạnh cũng cho biết, trước em có học vài lớp nhân cấy tay nghề thêu cờ do huyện Thường Tín tổ chức nhưng lúc này chưa biết dùng vào việc gì.

“Cờ may làm nhanh và rẻ hơn cờ thêu. Một ngày, em có thể làm được vài chục lá cờ may, nhưng cờ thêu thì có khi phải vài ngày mới xong một chiếc”, Hạnh tâm sự.

3161110222
Máy cắt lazer trị giá hàng trăm triệu đồng.

“Trước đây, nghề may cờ khó nhất là khâu chọn vải và thêu. Vải chọn sao mà màu phải bền, không bị nếp gấp, để khi thuê được phẳng. Nhưng giờ ưu tiên lại là công nghệ và máy móc. Hàng năm tôi đều bỏ tiền ra để cập nhật những cách làm mới, sao cho cờ may được đẹp hơn, nhanh hơn”, anh Phục nói tiếp.

“Năm trước, tôi bỏ ra vài trăm triệu để mua máy cắt lazer và máy in màu. Những việc thủ công giờ tôi chỉ duy trì vừa đủ cho khoảng 15 đến 20 người trong xưởng. Nếu nhiều việc, tôi mới thuê thêm. Ngoài may cờ, tôi cũng nhận làm nhiều việc nữa, từ băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm, miễn là xưởng có thêm doanh thu”.

Trong khoảng nửa tiếng trò chuyện, anh Phục gần như không lúc nào ngơi tay. Khi thì anh trả lời thư điện tử của đối tác, lúc lại ra máy in chuyển mẫu mới cho khách xem. Xong hết việc cá nhân, anh lại ra chỗ sản xuất, chỉ dẫn mọi người cách làm mẫu in mới. “May cờ vừa là nghề, vừa là tình yêu của những người Từ Vân. Nhưng để duy trì và giữ gìn tình yêu ấy là điều không dễ”, anh Phục ngậm ngùi.

Bà Nhung, một chủ sản xuất cờ lớn ở Từ Vân, cũng theo nghề ngót nghét 30 năm. Gia đình bà có 10 anh chị em, trong đó 3 người làm nghề truyền thống, nhưng giờ chỉ còn duy nhất bà bám trụ lại. Những người khác đã chuyển sang kinh doanh cờ, thay vì sản xuất.

“Thu nhập từ mỗi lá cờ chỉ khoảng vài chục nghìn đồng, ít hơn tương đối so với nhiều nghề khác. Bọn trẻ bây giờ không muốn theo nghề này có lẽ vì vậy”, bà Nhung thở dài. “Tôi theo nghề đến giờ vì niềm vui khi được thấy những lá cờ tung bay trên các con phố, mỗi dịp lễ lớn như Quốc khánh này”.

“Làm nghề nào cũng có vinh quang. May cờ cũng vậy. Cách đây vài năm, tôi được một đơn vị quân đội đặt may lá đại kỳ 54m2 (đại diện cho 54 dân tộc) treo ở cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Ngoài những yếu tố cơ bản như đẹp, khó phai màu, những mối thêu còn phải bền vì treo trên cao gió rất mạnh. Tôi đích thân chọn từng miếng vải, nghiệm thu từng mối thêu, trước khi ráp lại thành lá đại kỳ. Dù chưa được lên Lũng Cú lần nào, sản phẩm mình làm ra được trân trọng, tôi thấy như mình đã đặt chân lên địa đầu Tổ quốc”.

(Anh Nguyễn Văn Phục)

BÁ THẮNG/ Nông nghiệp