Lãng phí, hiệu quả thấp trong sử dụng đất lâm nghiệp!
- Thứ sáu - 12/06/2015 02:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 2 BQL rừng đặc dụng, 5 BQL rừng phòng hộ, 2 công ty nông - lâm nghiệp và các tổ chức khác đang được giao quản lý, sử dụng khoảng 263.000 ha. Trong tổng số diện tích được giao cho các chủ rừng này quản lý thì số diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ rất lớn. Thế nhưng, theo đánh giá, quỹ đất sản xuất được giao hiện chưa được sử dụng hiệu quả và thể hiện khá rõ nét qua việc các chủ rừng đang để lãng phí rất nhiều diện tích.
Qua tìm hiểu được biết, hiện trong tổng số gần 20.396 ha đất lâm nghiệp mà BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh được giao thì có trên 2.612 ha đang bị lãng phí. Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn cũng đang để trống trên 923 ha và thực trạng này đang diễn ra ở nhiều đơn vị khác với số diện tích chưa được sử dụng lên đến 4.161 ha. Khi thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, các địa phương và cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi gần 418 ha của các nông trường quốc doanh và gần 348 ha của các chủ rừng nhà nước, các công ty lâm nghiệp làm ăn không hiệu quả và giao khoán cho dân. Tuy nhiên, tốc độ cắt chuyển còn chậm.
Do địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi, chi phí vận chuyển và đầu tư lớn nên hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nguyên liệu chưa cao. |
Theo số liệu thống kê, hiện nay, các nông - lâm trường, các BQL rừng phòng hộ và đặc dụng, công ty lâm nghiệp trên địa bàn đang trồng gần 75.906 ha rừng sản xuất. Đối với các chủ rừng này, nhất là đối với các BQL rừng phòng hộ thì quỹ đất sản xuất này đã có đóng góp quan trọng trong việc bổ sung nguồn kinh phí hoạt động, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động trong đơn vị cũng như người dân vùng lân cận. Tuy nhiên, nếu đánh giá khách quan thì hiệu quả kinh tế từ hàng chục ngàn ha đất lâm nghiệp mà các chủ rừng này đang sử dụng mang lại còn rất khiêm tốn.
Ông Nguyễn Kim Hùng - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu (Hương Khê) cho biết: “Trong số 4.387 ha đất rừng sản xuất của đơn vị đang quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt chưa có điều kiện cải tạo, chỉ có 1.100 ha đã được trồng keo với khoảng thời gian từ 1 - 2 chu kỳ. Do chúng tôi là đơn vị sự nghiệp nhà nước, không có vốn để đầu tư nên buộc phải liên kết với Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy (Hanviha) và cho các hộ tự bỏ vốn thực hiện theo các dự án trồng rừng. Mặt khác, do địa hình hiểm trở, chi phí mở đường, vận suất và các loại chi phí khác cao nên doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng đầu tư khi trả đủ 27,5 tấn/ha/chu kỳ. Với mức thu này, mỗi chu kỳ, đơn vị chỉ đạt lợi nhuận khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha, tùy vào địa hình và chất lượng rừng trồng. Và, nếu không được Nhà nước trả lương nuôi bộ máy thì trồng rừng trong điều kiện này sẽ lỗ”.
Cũng giống như các chủ rừng nhà nước và các công ty lâm nghiệp, hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp đối với số diện tích đã được cắt chuyển, giao khoán cho các hộ dân cũng chưa cao. Hiện nay, ngoài 21.317 ha đất lâm nghiệp do xã quản lý chưa thực hiện giao khoán nhưng cơ bản đã có chủ thì toàn tỉnh hiện có 39.951 ha rừng và đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, trong đó, đã giao quyền sử dụng đất 21.267 ha, chưa giao quyền sử dụng đất 18.685 ha.
Những năm qua, nhiều hộ dân được giao đất, giao rừng, nhận khoán rừng đã có nhiều cố gắng để tạo nên những bước đột phá trong phát triển kinh tế từ trồng rừng, vườn đồi, trang trại và thực tế cũng đã có được những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế sẵn có thì vẫn còn khá khiêm tốn, hiệu quả kinh tế từ rừng đem lại vẫn chưa như ý dù đã tăng mức đầu tư và có sự quan tâm chăm sóc hơn. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì năng suất và chất lượng rừng trồng thấp, chủ yếu là rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ, bình quân mỗi năm tăng trưởng đạt 10 - 12 m3/ha, trữ lượng bình quân chỉ đạt 90m3/ha.
Điều này đã dẫn tới mức thu nhập của người dân có đất trồng rừng chỉ khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha/chu kỳ 6 - 7 năm và khoảng 10 - 15 triệu đồng đối với các hộ được nhận khoán theo Nghị định 135 và các chương trình trồng rừng khác. Hiệu quả kinh tế thấp không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lích lũy vốn cho tái đầu tư mở rộng sản xuất mà còn khiến người dân chưa thực sự mặn mà với trồng rừng, chưa mạnh dạn tìm tòi hướng đi mới và tăng mức đầu tư để tạo ra những bước đột phá trong sản xuất…
Với thực trạng đó, đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách giao đất gắn với giao rừng. Đối với những diện tích mà các chủ rừng nhà nước và công ty nông - lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả hoặc không sử dụng đến thì phải mạnh dạn cắt chuyển về địa phương để có kế hoạch giao cho dân. Cùng với đó, là phải tập trung nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để phát huy hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất rừng. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến việc cải thiện chất lượng nguồn cây giống, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất, tập trung chế biến tinh sâu, tăng cường biện pháp bảo vệ rừng và môi trường rừng...
Tiến Dũng
Theo baohatinh.vn