Lào Cai tạo đột phá từ vùng sản xuất hàng hóa qui mô lớn

Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp tỉnh Lào Cai góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đưa thu nhập bình quân của người nông dân tăng cao, năm 2017 đạt 18,32 triệu đồng, tăng 7,38 triệu đồng/người so với năm 2013.
an-tuan.jpg

Phóng viên: Xin ông cho biết những chuyển biến của tỉnh trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp trên địa bàn ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Lào Cai là tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng du lịch nông nghiệp sinh thái và nằm trên giao lộ ASEAN-Trung Quốc, là cửa ngõ tiếp giáp với thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Chính phủ, đặc biệt là sau 03 năm tổ chức thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy về “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020” sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tốt.

Sản xuất nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bình quân trên 6%/năm; cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 8,36% so với năm 2013, chiếm 42,01% cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn. Chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn theo hướng VietGap, Hoa các loại, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới, cây chè ...

Giá trị trên đơn vị canh tác năm đạt 62,6 triệu đồng/ha (tăng 18,12 triệu đồng/ha so với năm 2013), dự kiến năm 2018 đạt 69 triệu đồng/ha; cao hơn so với các tỉnh trong khu vực (Yên Bái 57 triệu đồng/ha; Lai Châu 24 triệu đồng/ha; Hà Giang 43,02 triệu đồng/ha; Điện Biên 37 triệu đồng/ha).  

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… được triển khai từ năm 2015, hết năm 2018 toàn tỉnh đã có 1.700 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tạo giá trị gia tăng cao (gấp từ 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường).

An ninh lương thực được đảm bảo, năm 2018 dự kiến sản lượng đạt 319.947 tấn, tăng 50.767 tấn so với năm 2013; Chăn nuôi, thủy sản chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh.

Trồng rừng được phát triển theo hướng trồng rừng đa mục đích, bình quân trồng mới trên 8.000ha/năm, chất lượng và giá trị rừng được nâng lên, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 ước đạt 54,6% (tăng 2,7% so với 2013).

Phóng viên: Sau một thời gian triển khai đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”  đến nay, Lào Cai đã tạo ra được những vùng sản xuất qui mô lớn nào? hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020”, đã hình thành một số vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa được thị trường đánh giá cao như:

Vùng lúa chất lượng cao: 7.270 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, sử dụng các giống Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, tám thơm, thơm RVT, Séng cù, J01, BC 15, LH 12... Năng suất bình quân 60 tạ/ha, sản lượng 43.620 tấn, giá bán bình quân cao hơn 3.000 đ/kg so với lúa lai, góp phần tăng giá trị thu nhập bình quân từ 20 - 25 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa đại trà.

Vùng sản xuất rau an toàn, rau trái vụ vùng cao:  Duy trì ổn định 720 ha, sản lượng đạt trên 10.800 tấn tập trung chủ yếu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn với các loại rau trái vụ, rau bản địa vùng cao như Súp Lơ, Sa Lát, Su Hào, Bắp Cải, Cà chua, Su Su, bò khai, ngót rừng... Giá trị thu nhập ước đạt 200 triệu/ha, đặc biệt đối với diện tích rau ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 420 triệu đồng đến 525 triệu đồng/ha/năm.

Vùng sản xuất hoa với diện tích trên 280 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa, Bắc Hà với các loại hoa Ly ly, hồng, Đồng tiền, Địa lan, Lay ơn...  Doanh thu bình quân đạt 450 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có hoa Lily đạt 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm; hoa hồng đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt tới 300 triệu đồng/ha/năm.

Vùng trồng cây dược liệu đến nay diện tích đạt trên 1.000 ha, sản lượng ước 2.900 tấn tập trung tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn trong đó riêng cây Atiso chiếm trên 70% sản lượng, ngoài ra các cây dược liệu khác như: Xuyên khung, Đương quy, Y dĩ, Sa nhân, Tam thất ... Ước giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác cây dược liệu đạt 150 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân trên 40 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có diện tích canh tác Tam thất cho lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha.

Vùng trồng chè với tổng diện tích chè tập trung đạt 5.500 ha, sản lượng trên 21.000 tấn tập trung chủ yếu tại các huyện: Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát. Sử dụng giống chè chất lượng cao như chè Shan, Kim Tuyên... phục vụ chế biến theo công nghệ Ô long. Giá trị thu nhập bình quân đạt trên 70 triệu đồng/ha.

Vùng cây ăn quả ôn đới diện tích đạt trên 2.200 ha, sản lượng trên 700 tấn tập trung tại các huyện Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát với một số giống lê có chất lượng cao như Lê VH6, Lê xanh, Đào địa phương, Đào pháp, Mận Tam hoa, Mận hậu…Giá trị thu nhập bình quân trên 120 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, các vùng trồng cây ăn quả khác cũng được hình thành như vùng trồng chuối 2.488 ha, sản lượng 74.500 tấn (Bình quân 28 - 30 tấn/ha) tập trung tại Bảo Thắng, Bát Xát, TP Lào Cai; vùng trồng Dứa 1.200 ha, sản lượng 24.000 tấn (Bình quân 20 tấn/ha) tập trung chủ yếu tại huyện Mường Khương. Giá trị thu nhập ước đạt 150 triệu đồng/ha.

Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đã thúc đẩy mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đã thu hút được 44 doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, hoa, chè, cây ăn quả... quy mô 7.802 ha, liên kết với 12.504 hộ; giá trị tiêu thụ qua liên kết đạt trên 420 tỷ đồng. Đồng thời xây dựng nhẫn hiệu cho sản phẩm địa phương gắn với minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc tạo uy tín cho sản phẩm của tỉnh được đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh có 35 doanh nghiệp; HTX với 178 dòng sản phẩm được nhận diện, truy xuất nguồn gốc; 30 chuỗi sản phẩm an toàn được xây dựng (gấp 2,5 lấn mức bình quân chung số chuỗi/ tỉnh, TP của cả nước). Nhiều sản phẩm đặc sản của Lào Cai đã được đưa vào tiệu thụ tại một số siêu thị lớn của Hà Nội.

img_8039.JPG
Ông Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) đưa đoàn lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao 

Phóng viên: Xin ông cho biết, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi gì để khuyến khích người dân tham gia và thu hút sự vào cuộc của những doanh nghiệp tâm huyết?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Triển khai thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh các chính sách của Trung ương đã ban hành như Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu theo Nghị định 65/2017/NĐ-CP; Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018/NĐ - CP...

Tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 85/2016/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, tập trung vào hỗ trợ sản xuất hàng hóa, công nghệ cao như: Hỗ trợ trồng, chế biến chè chất lượng cao; sản xuất tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tích tụ ruộng đất; trồng rau hoa ứng dụng công nghệ cao); hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Sản xuất lúa Séng Cù, Khẩu Nậm Xít, nếp Thẩm Dương; Mận Tam Hoa, mận Tả Van, lê VH6, đào Pháp chín sớm; sản xuất cây dược liệu Atiso, Đương Quy, Tam thất, Sa Nhân tím; cây gia vị ớt; Hỗ trợ phát triển lợn Đen bản địa, giống trâu Bảo Yên, giống bò Vàng vùng cao; phòng phòng, chống dịch bệnh; sản xuất giống vật nuôi; phát triển trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung; Hỗ trợ Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa; Hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng, chế biến gỗ rừng trồng.

Nhằm đáp ứng được yêu cầu về phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới và phù hợp theo phân cấp được quy định tại các văn bản QPPL của Trung ương (như Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Nghị định số 77/2018/NĐ-CP), Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang rà soát, xây dựng và tham mưu cho tỉnh sửa đổi bổ sung Nghị Quyết số 85/2016/NQ_HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai với quan điểm chính sách được ban hành cần chú trọng hỗ trợ vào những vấn đề còn hạn chế trong thực tiễn sản xuất, chính sách không cho không mà hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hoặc hỗ trợ gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh phân quyền quyết định hỗ trợ cho cấp huyện nhằm khuyến khích người dân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác.

img_8251.JPG
Ông Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) với bà con nông dân huyện Sapa

Phóng viên: Thưa ông, hiện nhiều vùng sản xuất hàng hóa qui mô lớn, tận dụng được tiềm năng thế mạnh của địa phương nhưng không tránh khỏi tình trạng “bấp bênh” được mùa rớt giá hoặc chưa thực sự tạo ra được sản phẩm có thương hiệu. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nguyên nhân của tình trạng “bấp bênh”, được mùa rớt giá của một số sản phẩm nông sản trong những năm qua là do: Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở các địa phương còn hạn chế, sản xuất còn mang tính tự phát, phong trào, quy mô không ổn định; nông dân và doanh nghiệp chưa thực hiện liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ chưa tốt; chưa có bảo quản sau thu hoạch; có thời điểm cung vượt quá cấu, hệ lụy là bị rớt giá. Nguyên nhân, chưa có nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; khâu chế biến chưa phát triển, nhiều nông sản vẫn xuất thô, khiến chất lượng, giá trị các loại nông sản thấp. Trong khi đó, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cần vốn lớn, lợi nhuận không cao, hay gặp rủi ro (thiên tai, dịch bệnh…) nên chưa thu hút, kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư, tham gia liên kết sản xuất, gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nên việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Ngoài các nguyên nhân chủ quan, việc nhiều nông sản rớt giá còn bởi một số nguyên nhân khách quan, như: Điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, cùng với đó là chưa tạo được liên kết vùng trong sản xuất hàng hóa; thường  khi thuận lợi về điều kiện thời tiết thì tất cả các loại nông sản của các tỉnh đều được mùa, thu hoạch lại cùng thời điểm; ngược lại khi mất mùa thì lại không có nông sản để tiêu thụ. Trình độ sản xuất, tập quán canh tác của một số địa phương còn hạn chế, vẫn tự phát sản xuất theo số đông; vừa không tuân thủ theo định hướng của cơ quan chuyên môn, vừa hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, chi phí cao. Thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, chưa có thị trường tiêu thụ nông sản một cách ổn định, nhất là một số nông sản xuất khẩu (Chuối, dứa, ngô hạt) chủ yếu là thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, do vậy khi bị đóng cửa thị trường này sẽ dẫn đến tình trạng sản phẩm không tiêu thụ được. 

Phóng viên: Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu những gì cho UBND tỉnh để lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh phát triển triển hơn; đâu là giải pháp phát triển bền vững cho những vùng nguyên liệu thế mạnh của địa phương?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Để thực hiện công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững, ngành sẽ tập trung tham mưu, khai thác tốt những tiềm năng thế mạnh, đặc thù của tỉnh, phát huy tốt hơn lợi thế của từng vùng khí hậu, vùng sinh thái và từng lĩnh vực, cụ thể:

Tập trung vào phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc hữu của địa phương, có giá trị kinh tế cao, ít chịu tác động do phải cạnh tranh trên thị trường; như: gạo chất lượng cao, dược liệu, rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới (Đào pháp, Lê, các loại mận); gà địa phương, lợn bản địa; cá nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi) tại huyện Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai; gắn sản xuất nông nghiệp với dịch vụ du lịch nông nghiệp sinh thái.

Ngoài ra, Lào Cai có lợi thế về thị trượng tiêu thụ nội địa, năm 2017 đón trên 3,5 triệu khách du lịch, nhu cầu thực phẩm rất lớn; có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại với các tỉnh khác, do không phải mất nhiều chi phí vận chuyển. Ngành tiếp tục tham mưu phối hợp với các địa phương Xây dựng Khu vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa vệ tinh tại các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn và TP. Lào Cai, để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung (như: rau màu, hoa, các sản phẩm chăn nuôi lợn, gà, gia cầm, trâu, bò, ngựa..) cung cấp cho nhu cầu thực phẩm trong tỉnh.

Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ cán bộ đến người dân, doanh nghiệp nhằm chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiếp tục tổ chức lại sản xuất, trong đó xác định doanh nghiệp, HTX là hạt nhân, nông dân là chủ thể trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong sản xuất và liên kết 4 nhà; tăng cường các hoạt động diễn đàn đối thoại với nông dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và tiếp nhận các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh tổ chức xây dựng hệ thống phân phối, quảng bá, giới thiệu, cung ứng sản phẩm.

Xin cảm ơn ông!

 
 

Tác giả bài viết: Nguyên Hoa

Nguồn tin: kinhtenongthon.vn