Lão 'khùng' trồng bơ sáp xuất Nhật, gấp đôi nội địa 140.000 đồng/kg
- Thứ bảy - 02/09/2017 11:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Dương Mã Dưỡng chia sẻ cách chăm sóc bơ sáp
Gã “khùng” trồng bơ
Sau nhiều cuộc gọi điện thoại, chúng tôi mới gặp được ông Dương Mã Dưỡng (ông chủ thương hiệu bơ sáp Mã Dưỡng). Lão nông với khuôn mặt đen sạm vì nắng gió đã vui vẻ nắm lấy tay tôi thật chặt: “Cảm ơn nhà báo đã đến chơi. Rồi ông khoe, vụ bơ sáp năm nay gia đình tôi đã thắng lớn vì được mùa, được giá”. Thế rồi, ông cười thật tươi - tiếng cười giòn tan của một lão nông đã trải qua 56 mùa mưa, nắng.
Bên tách trà thơm, ông chủ bơ sáp Mã Dưỡng kể: “Cơ duyên trồng bơ của tôi cũng rất tình cờ khi được người bạn tặng một chậu quýt giống để trồng cách đây hơn 20 năm. Đáp lễ, tôi ra vườn hái vài quả bơ tặng bạn. Vài ngày sau người bạn nói với tôi bơ ngon vậy sao không trồng, ghép giống để bán. Từ đó, tôi mới để ý và nhận ra cây bơ to sụ ở góc vườn lúc nào cũng sai trĩu quả, trái to, bóng mượt dù không được chăm sóc”.
Rồi ông bắt đầu nhân giống bơ để trồng thử. Năm 1995, khi vườn tiêu đã trưởng thành, ông Dưỡng đầu tư mạnh mẽ vào vườn bơ. Khi mới bắt đầu trồng, nhiều người trong vùng cho rằng, ông bị “khùng”, họ nói: “Ai đời bỏ công sức, tiền của đi trồng bơ”. Bởi vào thời điểm ấy, nông dân nơi đây chưa tin tưởng giống bơ này, vẫn ưu tiên phát triển nông sản khô như cà phê, điều, tiêu, vì thu hoạch xong có thể phơi khô và bán lúc nào cũng được. Còn riêng với trái bơ khi vào mùa, trái chín không ai mua thì chỉ có đổ bỏ thôi.
“Khi nghe mọi người bàn tán như vậy. Đôi khi, tôi muốn bỏ cuộc. Nhờ sự động viên của gia đình và người em trai Dương Nhục Sáng, hai anh em tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ bơ sáp” - ông Mã Dưỡng kể.
Ba năm sau khi trồng, những cây bơ giống đầu tiên cho năng suất rất cao, trái lớn và đẹp. Từ đó, ông quyết định đầu tư trồng lớn, kết hợp với ghép cây giống để bán và xây dựng thương hiệu bơ Mã Dưỡng.
Vườn ghép giống bơ quý của ông Dương Mã Dưỡng
Ghép giống bơ “quý” thành công
Nhìn những cây bơ trong vườn phát triển mạnh, cho trái sai trĩu cành và vườn giống khỏe mạnh, mấy ai nghĩ rằng, ông Dưỡng đã rất nhiều lần thất bại khi ghép giống bơ. Ban đầu, ông tìm hiểu cách ghép trên mạng nhưng chỉ dẫn này quá chung chung, tỷ lệ cây sống sót thấp nên ông quyết định qua Thái Lan để học. Nông dân này cho biết, lúc đầu cứ lấy bo (mầm của cây mẹ) để ghép, tỷ lệ cây con sống rất thấp. Sau khi học kỹ thuật ghép ở Thái Lan, ông mới biết cách lấy bo ra sao, chọn mắt nào ghép để tăng tỷ lệ sống cho cây con.
Ông Dưỡng cho biết, để cho ra được cây giống tốt, cây mẹ khi ghép phải có năng suất cao, độ tuổi một năm, có lá già và ngọn chuẩn bị phóng đọt lá lần thứ hai, không được bỏ phân trước đó một tháng. Nhờ ghép thành công giống bơ “quý” nên bình quân mỗi năm cơ sở của ông bán 10.000 cây bơ giống, giá bán 50.000 - 60.000 đồng/cây, thu về hơn 500 triệu đồng.
Loại bơ sáp cao sản này từ lúc trồng đến khi ra trái bói 3 năm. Khi đến 3 năm mỗi cây bơ sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tạ trái, đến 5 năm cho thu từ 2-3 tạ trái. Mỗi năm bơ cho trái 2 đợt. Đợt một vào tháng 6 âm lịch (mùa thuận) và đợt hai vào tháng 11 âm lịch (mùa nghịch). Nếu mùa thuận, giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, còn mùa nghịch có thể lên đến 120.000 đồng/kg. Với diện tích sở hữu 7 ha, trong đó 2,5 ha sầu riêng 9 năm tuổi và 4,5 ha cà phê xen bơ sáp cao sản, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Dưỡng thu nhập hàng tỷ đồng.
Bơ sáp Mã Dưỡng vươn xa
Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín đưa ra thị trường, ông Dưỡng cùng người em trai là ông Dương Nhục Sáng đã có sự phân công rất khoa học. Khi cây chưa đến thời kỳ thu hoạch, hai anh em đều tập trung chăm sóc vườn cây, nhưng đến khi thu hoạch, ông Dương Nhục Sáng là người trực tiếp trông coi vườn và chăm lo việc thu hoạch. Còn ông Dương Mã Dưỡng đi ngoại giao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tìm đối tác thu mua sản phẩm mà mình đã làm ra. Không chỉ vậy, ngoài lượng trái bơ thu được từ vườn, để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, mỗi vụ, ông Dưỡng còn thu gom mua khoảng 40 tấn bơ mang thương hiệu Mã Dưỡng mà mình đã dày công gầy dựng hơn 10 năm qua của một số hộ dân khác, nhằm cung ứng cho thị trường trong nước.
Sản phẩm bơ sáp Mã Dưỡng
Chia sẻ về kỹ thuật trồng bơ, ông Dưỡng cho hay, trước khi trồng nên xử lý đất bằng phân bón hữu cơ vi sinh EMZ với 1 lít pha 1.000 lít nước tưới được trên 500 gốc để cải tạo lại độ màu mỡ, tái tạo lại chất dinh dưỡng có trong đất và làm tơi xốp đất. Kế đến bón lót bằng phân hữu cơ gà Nhật Bản với hàm lượng 4-2-2, liều lượng bón 250-350kg/ha. Ở giai đoạn trước khi ra hoa sử dụng phân trung lượng Hana Darake (Nhật Bản) với liều lượng 0,5 lít pha 1.000 lít nước phun cho 500 cây, kết hợp phân gà hữu cơ, nhằm thúc đẩy ra hoa đồng loạt, giúp quá trình thụ phấn nhanh và ra hoa đồng loạt.
Ở thời kỳ nuôi trái, cần bổ sung phân bón sinh học vi lượng IRO BIJIN (Nhật Bản) kết hợp thuốc sinh học AKADO 10SC trị bọ xít muỗi và thuốc tuyến trùng rệp sáp để nâng cao chất lượng quả và hạt, giúp hình thành hợp chất tạo nên màng tế bào cho cây cứng hơn và tăng độ bóng cho trái cũng như trị bệnh cho cây. Còn ở giai đoạn sau thu hoạch, cần sử dụng phân bón hữu cơ NPK Hyper Star hàm lượng 10-4-4 nhằm giúp cây hồi phục sau thời kỳ nuôi trái. Ngoài ra cần bổ sung nước tưới vào mùa khô để cây phát triển tốt cho năng suất cao.
Chính sự năng động, nhạy bén và giàu kinh nghiệm nên bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Viện Chính sách, pháp luật và quản lý (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tôn vinh là sản phẩm thương hiệu Việt, chứng nhận huy chương vàng, danh hiệu thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng năm 2015 cùng nhiều giải thưởng khác.
Có thương hiệu nên đầu ra và giá cả của bơ sáp Mã Dưỡng rất thuận lợi, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng chọn mua. Đặc biệt, đầu năm 2017 ông ký kết hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản, cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật. Với tiêu chuẩn này, giá bán mỗi kg bơ sáp Mã Dưỡng vào thị trường Nhật 140.000 đồng, cao gần gấp đôi so với giá bán tại thị trường nội địa.
Tuy nhiên, ông chủ thương hiệu bơ sáp Mã Dưỡng cũng chia sẻ: “Đối tác tự tìm kiếm rất nhiều nhưng khó khăn là số lượng sản phẩm không đủ để ký hợp đồng. Những tháng đầu năm 2017, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều đối tác như: Singapore, Australia, Mỹ, Anh, Isarel, Hồng Kông… họ đề nghị ký hợp đồng số lượng lớn. Nhưng ngặt nỗi chúng tôi không đủ số lượng nên đành tạm hoãn với họ. Mong các ngành liên quan của tỉnh hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời định hướng cho người trồng theo tiêu chuẩn an toàn cũng như tạo quỹ đất để sản phẩm bơ sáp Mã Dưỡng có điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới”.