Lão nông miền Tây xây cầu từ thiện
- Thứ ba - 15/08/2017 03:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo ông Đặng Thanh Tuyền (cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Tân Long), nhóm xây cầu từ thiện ở xã Tân Long có 13 thành viên đều xuất thân từ nông dân, vừa tranh thủ làm ruộng vừa tranh thủ xây cầu. Tất cả 13 thành viên này làm việc trên tinh thần tình nguyện và làm… không công, không đòi hỏi bất cứ một sự ưu đãi nào.
Ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi, ngụ ấp 18, xã Tân Long), người khởi xướng phong trào xây cầu thiện nguyện, kể:
“Tân Long là xã có nhiều ấp vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn bởi sông rạch chằng chịt, người dân chủ yếu bắc cầu tạm hoặc dùng ghe, xuồng để qua sông vất vả, nguy hiểm. Tội nghiệp nhất là các cháu học sinh đi học bằng ghe, xuồng, qua những cây cầu tạm bợ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Một lần, có một nhóm từ thiện, Mạnh Thường Quân từ An Giang xuống địa phương xây dựng cầu cho bà con, chúng tôi nghĩ mình là người địa phương được hưởng lợi từ cây cầu này nên đã tự nguyện xin tham gia làm cầu, một mặt là để được góp sức mình vào xây dựng cầu, mặt khác là để có dịp gặp gỡ các nhà hảo tâm để vận động xin kinh phí về xây dựng cầu tại chính quê hương mình và quan trọng hơn là để… học hỏi kinh nghiệm xây dựng cầu bởi vì tại sao người ta từ An Giang xuống xây cầu cho bà con mình, còn mình là người địa phương mà lại không làm được. Từ đó, nhóm xây cầu của chúng tôi được ra đời và đi vào hoạt động”.
Ông Sáu Nhỏ (bìa trái) cùng các thành viên trong nhóm đi khảo sát chuẩn bị xây dựng một cây cầu mới. |
Theo ông Nhỏ, cây cầu đầu tiên của nhóm xây dựng là cầu bắc qua kênh Sáu Hằng ở ấp Long An có chiều dài 28m, rộng 2m với tổng kinh phí xây dựng trên 70 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, nhóm xây cầu của ông Nhỏ đã xây mới được 12 cây cầu ở thị xã Ngã Năm, 35 cầu ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và hiện chuẩn bị xây thêm 4 cây cầu nữa ở xã Tân Long. Bình quân mỗi cây cầu được xây dựng với kinh phí từ 70-75 triệu đồng, có một số cây trên 100 triệu đồng.
Kể thêm về việc xây cầu, ông Sáu Nhỏ chia sẻ: “Nói thật, Nhà nước phải lo nhiều việc ở nhiều nơi, không thể một hai ngày lo hết được mọi chuyện. Vì vậy, cần sự chung tay của bà con, cộng đồng góp sức làm. Nghĩ như vậy nên chúng tôi tình nguyện đứng ra thành lập nhóm xây cầu với mong muốn chia sẻ với nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình và người dân”.
Ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cũng có một đội xây cầu của các lão nông ấp Chót Dung, xã Kế An ra đời cách đây 2 năm. Nhóm đã xây dựng được hàng chục cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Ông Đặng Văn Nám (xã Kế Thành, huyện Kế Sách), kể:
“Hồi đó, đường ở ấp này chỉ là những con đường đất gồ ghề, gập ghềnh, chỉ có thể đi bằng xe hai bánh vào mùa khô, mùa này thì lầy lội, trơn trợt chỉ có đi bộ. Đặc biệt, vùng này kênh rạch nhiều nên bà con thường dùng cây có sẵn trong vườn bắc cầu tạm (gọi là cầu khỉ) để qua lại cho người đi bộ nên rất khó khăn. Mấy năm nay, với sự đầu tư của nhà nước, hệ thống đường giao thông đã được bê tông hóa, đi lại thuận lợi ở cả hai mùa mưa nắng. Còn những cây cầu khỉ nay đã được thay bằng cầu bê tông cốt thép kiên cố. Điều chúng tôi rất vui là những cây cầu đó được xây dựng bởi những lão nông trong ấp”.
Đội xây cầu ở ấp Chót Dung do ông Phan Văn Út, Trưởng Ban nhân dân ấp, đứng ra thành lập và điều hành với 17 thành viên. Công việc chính của các thành viên trong đội là bẻ sắt, đóng cốp pha, trộn hồ, đổ bê tông… Hai năm qua, các thành viên trong đội đã thực hiện bẻ đai sắt cho 14 cây cầu trong, ngoài ấp với hàng trăm ngày công.
Vốn là nông dân… chính hiệu, ban ngày họ làm ruộng, cuối ngày làm việc thay vì nghỉ ngơi như những người khác thì 17 thành viên của đội lại bắt đầu công việc phục vụ xây cầu. Thời gian từ 18 đến 21h30 với các công việc duỗi thẳng, cắt và bẻ đai sắt.
Ngoài ra, với các cây cầu xây dựng trong ấp, các ấp lân cận, đội xây cầu thiện nguyện ấp Chót Dung tham gia “trọn gói” tất cả các giai đoạn thi công. Đến nay, đội đã xây dựng mới 6 cây cầu, nâng cấp 1 cây cầu khác với gần 2.000 ngày công lao động, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh công việc xây cầu, các thành viên của đội còn tham gia vận động nhân dân trong ấp hiến đất, đổ cát làm nền hạ được 4.700 mét đường giao thông nông thôn trong ấp. Tổng nguồn lực huy động được để xây dựng hệ thống giao thông tại địa phương đã lên đến hàng tỷ đồng.
Theo ông Út, để có được sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc xây dựng cầu, thì việc công khai, minh bạch, không vụ lợi, nói được, làm được là các yếu tố để nhà tài trợ, người dân tin tưởng ủng hộ. Đặc biệt, phải giữ được chữ tín với người dân thì chắc chắn bà con ủng hộ và công việc của mình thành công.
Đánh giá về kết quả của đội xây cầu ấp Chót Dung, ông Trần Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Kế An, cho biết không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân, nhất là học sinh được thuận lợi, an toàn; nông sản, vật tư được vận chuyển dễ dàng, đội xây cầu còn đã đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.