Lão nông "sợ"... nghèo!

Lão nông "sợ"... nghèo!
Đã từng là một tỷ phú, nhưng rồi thiên tai và sự khắc nghiệt của thị trường đã lấy đi của ông tất cả. Không một phút nản lòng, lão nông ấy bắt tay xây dựng lại cơ nghiệp từ đầu bằng một lý giải rất đơn giản: “Tui “sợ”... nghèo!”. Lão nông ấy là Nguyễn Văn Diệm, 65 tuổi, ở tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

 Tay trắng dựng tiền tỷ

Tôi biết ông Nguyễn Văn Diệm từ những ngày đầu ông đến vùng gò đồi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này để lập nghiệp. Ngày đó, những năm 1997-1998, ông Diệm khi ấy đang là một cán bộ ngân hàng, có nhà cửa và cơ ngơi khá vững chãi ở thị trấn Hoàn Lão, trung tâm huyện lỵ Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những năm đó, nhà nước đang có chính sách và các dự án kêu gọi những người nông dân lên vùng gò đồi phủ xanh đất trống đồi núi trọc làm kinh tế.

 Lão nông Lão nông Nguyễn Văn Diệm bên chuồng hươu sao vừa mới gây dựng lại sau cơn bão số 10

Cũng xin kể thêm rằng, ngày đó vùng đất gò đồi ở phía tây huyện Bố Trạch phần lớn đều rất cằn cỗi (những vùng đất tốt Nông trường Việt Trung đã canh tác hết rồi), đầy sỏi đá, chỉ có các loài cây dại như sim, mua, lau léc mới sống được ở đất này. Thế mà, đùng một cái ông Diệm đã bỏ ngang công việc ở ngân hàng, dắt díu vợ con rời phố thị lên vùng đất cằn cỗi này xin nhận đất lập nghiệp.

“Với khát vọng làm giàu, vợ chồng tui đến đây nhận đất với ý định là làm trang trại, nhưng nói thật, ngày đó vợ chồng tui cũng chỉ có sức người là chủ yếu. Mới chỉ công đoạn phát cây khai khoang, vợ chồng tui đã rơi vào cảnh tiền hết, gạo vơi. Nhiều bữa, dốc hết ba lô cũng chỉ còn bơ gạo, vợ chồng con cái phải trộn cả mớ rau má vào nấu cháo mà húp cho đằm bụng để có sức mà cuốc đất...” – Ông Diệm nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp đầy gian nan.

Khai hoang được mảnh đất nào, ông Diệm trồng ngay xuống đó những loài cây ngắn ngày như lạc, đậu, sắn, dưa hấu... để có cái ăn trước mắt. Sau một năm, khi không còn phải lo chuyện "đói" nữa thì ông bắt đầu trồng các cây dài ngày như cao su, hồ tiêu “Tui  nghèo nên không thể có tiền để bỏ ra làm một lúc, phải lấy ngắn nuôi dài, đó là cách duy nhất để người tay trắng như mình làm trang trại” - Ông Diệm tâm sự.

Hơn 10 năm quăng quật, bền gan với đồi trọc, ông Diệm đã trồng và chăm sóc được 10 ha cao su. Những năm 2008 - 2009, cây cao su bắt đầu cho khai khác mủ, gia đình ông Diệm đã bắt đầu có của ăn của để, đã trả được món nợ hàng trăm triệu đồng mà gia đình vay để làm trang trại. Những năm đó, nhờ mủ cao su được giá, mỗi ngày gia đình ông Diệm có nguồn thu hơn 1 triệu đồng từ tiền bán mủ. Đến năm 2012, ông Diệm đã mua được một chiếc xe hơi trị giá cả tỷ đồng và tích lũy được một số vốn kha khá với dự định sẽ xây dựng một căn nhà khang trang để gia đình sinh sống, bù lại những ngày vất vả đã qua.

“Ông Diệm là một người nông dân dám nghĩ, dám làm, dù bị thiên tai “quật” đến trắng tay nhưng ông ấy vẫn không hề nản chí. Với quyết tâm làm lại từ đầu bằng những cách tính toán hợp lý, chúng tôi tin ông ấy sẽ thành công.

Hội Nông dân Quảng Bình đang xem xét đưa ông Diệm vào danh sách bình chọn danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2016” - ông Mai Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay.

Những tưởng từ đây cuộc sống của gia đình ông Diệm đã thực sự đổi thay, thế nhưng đến cuối năm 2013, cơn bão số 10 với sức gió giật trên cấp 12 đã quét qua Quảng Bình. Hàng ngàn héc ta cao su ở tỉnh Quảng Bình đã bị gió bão quật ngã, trong đó 10 cao su của gia đình ông Diệm cũng không ngoại lệ. Buổi sáng khi cơn bão vừa đi qua, nhìn thấy vườn cây cao su, tài sản, tâm huyết gần cả đời người bị đổ gãy tan hoang, vợ chồng ông Diệm chỉ biết ôm nhau mà khóc...

Bão đổ vườn, không đổ ý chí

Ở cái tuổi hơn 60, khi vườn cây cao su của mình bị bão quật đổ, những tưởng ông Diệm sẽ buông xuôi. Nhưng không, cơn bão vừa đi qua, khi nhiều nông dân trong vùng chỉ biết than ngắn, thở dài thì hai vợ chồng Diệm nhanh chóng thuê máy, nhân công khôi phục lại vườn cây cao su. Cây nào đổ gãy, ông cưa bỏ, những cây bị bão xô nghiêng, ông dùng máy dựng lại, bón phân chăm sóc cho cây hồi phục.

Thế nhưng, cũng từ sau cơn bão số 10, giá mủ cao su trên thị trường xuống dốc không phanh. Nhiều chủ vườn cây cao su ở Quảng Bình đã bỏ bê cây cao su không chăm sóc, không buồn cạo mủ. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, vợ chồng bàn tới, bàn lui,  cuối cùng ông Diệm đã quyết định phá bỏ vườn cây cao su để làm lại từ đầu bằng các loại cây con khác.

Thời điểm cơn bão số 10 xô đổ vườn cây cao su, vốn liếng của hai vợ chồng ông Diệm tính đi, tính lại cũng còn gần 1 tỷ đồng. Với số tiền đó, hai vợ chồng  nếu nghỉ ngang thì cũng đủ để cho họ dưỡng già, thế nhưng ông Diệm đã không làm vậy

“Tiền nhiều đến mấy nếu cứ ngồi ăn rồi cũng hết, cũng nghèo thôi. Với lại còn con cái nữa, cả đời người vất vả cũng mong cuối đời để lại cho con một cái gì đó gọi là vốn liếng cho chúng nó làm ăn. Bây giờ mà nghỉ ngang, cũng được thôi nhưng nói thiệt là tui “sợ”... nghèo lắm !(cười)” – ông Diệm chia sẻ.

Theo lời ông Diệm, tiếng là vốn liếng dù còn lại gần 1 tỷ đồng nhưng phần lớn đều là những món nợ rất khó đòi. Bởi lẽ những năm trước, nhiều hộ gia đình làm trang trại xung quanh đã vay mượn vợ chồng ông để làm nhà, mua xe. Vì chưa làm nhà nên ông cho mượn, với lại ngày đó những người mượn tiền của vợ chồng ông đều có vườn cây cao su, cho họ nợ tiền khi cần thì lấy, không có gì đáng ngại... Thế nhưng, cơn bão số 10 quét đến đã quật ngã vườn cây cao su, làm cho họ mất hết khả năng trả nợ.

Thế nên, quyết  định phá vườn cây cao su để làm lại từ đầu, ông Diệm không có cách nào khác lại phải theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Sau khi thuê máy múc hết gốc cây cao su, ông Diệm làm đất trồng sắn, dưa, ớt để nhanh có nguồn thu. Tiếp đến ông quy hoạch 4 ha để trồng cây hồ tiêu. Năm 2015, hồ tiêu của ông Diệm đã bắt đầu cho lứa bói đầu tiên. Vụ tiêu đó, dù chỉ là hái bói nhưng ông Diệm cũng thu được hơn 2 tấn tiêu, bán gần 400 triệu đồng.

 Lão nông Vườn tiêu 1 ha lứa đầu của ông Diệm hiện đang cho thu nhập khá.

Ngoài ra, những năm gần đây, ông Diệm cũng đã bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi bằng việc đầu tư 3ha mặt nước để nuôi cá, xây chuồng trại nuôi 11 con hươu lấy nhung và hàng chục đàn ong lấy mật.

Hôm chúng tôi cùng đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh đến thăm trang trại của ông Diệm, mọi người ai cũng khâm phục cách nghĩ, cách làm của lão nông đã bước qua cái tuổi 65 này. 10 ha trang trại được ông quy hoạch chỉnh chu đâu ra đó. Xung quanh trang trại, ông Diệm đã xây dựng hệ thống hàng rào, đường giao thông vào tận nơi để xe tải của bạn hàng thuận tiện khi bốc hàng.Vừa qua, ông Diệm cũng đã đầu tư hệ thống tưới nước “nhỏ giọt” tự động trên khắp trang trại của gia đình. Ông bảo, hệ thống tưới đó tốn hơn 300 triệu đồng đầu tư nhưng bù lại, ông Diệm đã đỡ công rất nhiều trong việc tưới cây và tiết kiệm được nguồn nước.

Dẫn khách tham quan trang trại, ông Diệm trải lòng: “Mới làm lại từ đầu nên bây giờ cũng chưa đâu vào đâu, tiền bỏ ra nhiều nhưng thu vào chưa đáng kể, nhưng vài năm nữa các anh trở lại đây thì “phải biết!”.

Cái từ “phải biết” mà nói bằng chất giọng của một lão nông Quảng Bình nghe thật đã tai. Và chúng tôi tin lời ông, với sự đầu tư quy mô, hợp lý, đặc biệt là với một người yêu đất và “sợ” nghèo như ông Diệm, một ngày không xa, cái trang trại ấy lại giúp ông kiếm được tiền tỷ...

Theo baoquangbinh.vn