Tiêu thụ qua hợp đồng chỉ khoảng 5%
Hàng năm, XK nông, lâm, thủy sản đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2013, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực như gạo, cà phê, chè,... tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng cũng chỉ vỏn vẹn khoảng 3-5%.
Phát biểu tại hội thảo “Vai trò của HTX tham gia chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất” mới đây, TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, từ kết quả trên có thể thấy, liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ nông sản còn khá lỏng lẻo. Bao năm nay, phần lớn DN vẫn quen lối dựa vào thương lái để thu mua nông sản mà không liên kết, làm ăn trực tiếp với nông dân. Do đó, nông dân khá bị động, thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá.
Theo ông Trần Xuân Long-Trưởng phòng Quản lý XK gạo-Cục XNK ( Bộ Công Thương): Liên kết “4 nhà” cũng như xây dựng cánh đồng mẫu lớn đem lại khá nhiều lợi ích sát sườn cho cả nông dân lẫn DN. Đơn cử như đối với mặt hàng gạo, hiện nay nhiều địa phương tại ĐBSCL đang đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa gạo. Tại đây, nông dân tham gia liên kết đã có thu nhập cao hơn từ 3-5 triệu đồng/ha so với phương thức sản xuất cá thể truyền thống. Kết quả này có được nhờ việc tăng năng suất, giảm chi phí trong hầu hết các khâu, từ đó hạ giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, mô hình liên kết "4 nhà", nhất là liên kết giữa DN và nông dân chưa chặt chẽ do chưa có phương thức liên kết phù hợp. Việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài khi nông dân và DN vi phạm thỏa thuận gặp nhiều khó khăn. Vấn đề không chỉ đến từ phía DN. Thực tế là nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Trong khi đó, HTX với vai trò là đại diện cho người nông dân lại chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực tổ chức, quản lý. Thậm chí, có những nơi, HTX có biểu hiện trở thành khâu trung gian mới giữa nông dân và DN nên người dân thiếu tin tưởng, đồng thuận.
“Một trong những vấn đề không thể không nhắc tới là trong khi HTX chưa làm tốt vai trò làm cầu nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản thì các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề này cũng còn thiếu cụ thể. Các chế tài xử lý những hành vi cản trở, phá vỡ quan hệ liên kết chưa đủ mạnh”, ông Trần Xuân Long nhấn mạnh.
HTX phải thực sự là cầu nối
Theo bà Phạm Thị Trầm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, Thái Bình, thắt chặt các mối liên kết “4 nhà” là cơ hội rất lớn để khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các HTX phải thực sự trở thành cầu nối giữa nông dân và DN trong hợp tác, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất. Bà Trầm dẫn chứng, khi nông dân có vướng mắc trong hợp đồng với DN thì HTX cần kịp thời đứng ra hướng dẫn họ làm các thủ tục cần thiết để bán được nhiều sản phẩm cho DN với giá có lợi. Thực tế, muốn DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp, cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý từ nông dân, HTX, các DN thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Văn Minh, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội bổ sung: Để nâng cao vai trò của HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới cần nâng cao trình độ quản lý của cán bộ HTX, năng động, hiệu quả, sát với nông dân, sát với quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý HTX, nâng cao thu nhập cho bà con xã viên để người dân yên tâm bám ruộng.
Theo nhiều chuyên gia, muốn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được cải thiện, không thể chỉ xây dựng cơ chế liên kết dựa trên biện pháp hành chính, “đóng khung” quy định mà cần bám sát nguyên tắc điều tiết của thị trường. Mấu chốt là đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, xây dựng được sự tin tưởng, trách nhiệm giữa các bên tham gia. Cụ thể như, vừa phải đảm bảo giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người nông dân, vừa giảm giá thành sản phẩm, ổn định lợi nhuận cho các DN. Để thực hiện xây dựng liên kết thành công, cần có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, người dân, HTX, DN tham gia liên kết, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.
Vai trò của mối liên kết "4 nhà" được đặt ra từ năm 2002 với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo đó là các chính sách bổ trợ, thúc đẩy việc thực hiện như: Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn... Tuy nhiên, mối liên kết "4 nhà" vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Cụ thể, mối liên kết giữa DN) và nông dân, nông dân và nông dân trong các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau… |