Liên kết '4 nhà' mở hướng phát triển kinh tế
- Thứ năm - 11/05/2017 20:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ những bầu cây thí điểm
Đến bản Thằm Thẩm, nơi có 8 hộ được chọn trồng thí điểm mô hình chanh leo gần 2 năm trước, chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi những giàn chanh trĩu quả và không khí lao động hăng say của bà con đồng bào Mông.
Lãnh đạo huyện Tương Dương tham quan mô hình chanh leo của anh Và Bá Ka ở bản Thằm Thẩm (Nhôn Mai). Ảnh: Đặng Nguyễn |
Vườn chanh leo 269 gốc của Và Bá Ka được trồng từ cuối năm 2015, vụ đầu tiên cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây truyền thống như ngô, lúa, đào, mận... Vì thế, năm nay gia đình anh chuyển phần lớn diện tích nương rẫy sang trồng chanh leo với gần 500 gốc. Thấy hiệu quả, từ 8 hộ trồng thí điểm ban đầu, đến nay bản Thằm Thẩm đã có 18/20 hộ trồng, với trên 18ha.
Ông Lương Xuân Hiệp - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho hay, những sườn đồi thoai thoải bạc màu bao năm trồng ngô, trồng lúa nay được thay thế bằng cây chanh leo cho thu nhập cao nên bà con phấn khởi lắm. Sau Thằm Thẩm, đến nay Huồi Cọ, Xói Voi, Na Hỷ… cũng triển khai, nâng tổng diện tích trồng chanh leo toàn xã đạt 40,5ha.
Còn ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, gia đình ông Xồng Bá Xử là 1 trong 13 hộ ở bản nhận trồng chanh leo mùa đầu cho biết: “Mới đầu đăng ký trồng chanh leo cũng lo, nhưng được đi học tập kinh nghiệm, đặc biệt khi tham gia trồng được chính quyền địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí và cây giống nên gia đình quyết tâm bỏ công, làm đất để hình thành nên vườn chanh leo gần 200 gốc”. Đến nay, cây cao 70 - 80 cm, phải đến tháng 9 mới cho thu hoạch. Theo tính toán của ông Xử, nếu thời tiết thuận lợi gia đình ông sẽ thu về trên 70 triệu đồng.
Liên kết “4 nhà” để phát triển bền vững
Không chỉ được đánh giá là cây thoát nghèo, chanh leo đã thực sự làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tự cung tự cấp, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từng được xem là “thành trì” tưởng như không thể thay đổi của bà con, thay vào đó là ý thức vươn lên, là tư duy sản xuất hàng hóa. Từ chỗ đói nghèo, nhiều hộ đã thực sự trở thành “ông chủ” không chỉ bởi thu nhập cả trăm triệu đồng, mà còn nắm trong tay cả đội ngũ làm công. Nhờ có nguồn thu nhập khá từ chanh leo nên tình trạng di dịch cư trái phép, đi làm ăn xa, tình trạng phát nương làm rẫy giảm hẳn.
Chanh leo trồng trên đất Tương Dương được Công ty CP Chanh leo Nafoods đánh giá đạt chất lượng cao. Ảnh: Đ.N |
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phấn khởi: Nhiều năm qua huyện đã tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, nhưng vẫn chưa tìm được một hướng đi thích hợp. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi chọn phát triển cây chanh leo. Đây là hướng đi hoàn toàn có cơ sở, bởi điều kiện ở những vùng quy hoạch có độ dốc lớn, khí hậu lạnh, đất đai thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng chanh leo. Hiện nay, đường Tây Nghệ An đã mở, rất thuận lợi cho người dân trong việc giao thương, cũng như kết nối các vùng nguyên liệu trên địa bàn như xã Tri Lễ (Quế Phong) và một số xã ở huyện Kỳ Sơn…
Huyện Tương Dương đã có những đột phá trong chỉ đạo điều hành, trong đó đã chú trọng triển khai liên kết “4 nhà” ngay từ khi thí điểm mô hình. Huyện đã làm việc với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods, là đơn vị mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu chanh leo, trong đó chủ đạo là thị trường châu Âu. Theo chương trình liên kết, công ty chịu trách nhiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư giống và thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho nông dân, với giá tối thiểu 9.000 đồng/kg.
Cùng với đó, huyện thành lập ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân phối hợp với doanh nghiệp và người nông dân cùng thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện trong việc đưa cây chanh leo vào trồng. Đồng thời, tổ chức cho các hộ tham gia, lãnh đạo thôn, bản, xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm, giúp dân tận mắt thấy hiệu quả kinh tế cũng như kỹ thuật trồng cây chanh leo.