Liên kết chuỗi sản xuất trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Liên kết chuỗi sản xuất trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển, đã có nhiều trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô từ vài trăm đến vài nghìn con lợn, vài chục nghìn con gà. Tuy nhiên, vấn đề chính cản trở chăn nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao hiện nay là người chăn nuôi tuy sản xuất ra sản phẩm nhưng khâu tiêu thụ chủ yếu thông qua trung gian nên thường bị ép giá, không được định đoạt giá trị hàng hóa của mình. Để từng bước khắc phục tình trạng trên thì hình thức liên kết chăn nuôi sẽ là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Nhằm phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, từ cuối năm 2015, Sở NN và PTNT đã tạo điều kiện cho HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) ký hợp đồng với Cty TNHH Tuệ Hương và Cty CP Vina-HTC thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gà sạch. Đây là mô hình liên kết đầu tiên trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được Sở NN và PTNT xây dựng điểm để từng bước nhân ra diện rộng. Sở NN và PTNT định hướng sản phẩm, hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi và kỹ thuật nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ xây dựng và chứng nhận cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong chuỗi liên kết này, các đơn vị kinh doanh lo cả đầu vào, đầu ra sản phẩm cho nông dân, từ con giống, thức ăn chăn nuôi… đến xuất bán sản phẩm. HTX Vạn Xuân Trường đứng ra tổ chức, lập kế hoạch sản xuất gà sạch theo đơn đặt hàng của Cty Tuệ Hương. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm của Cty là gà phải được nuôi bán công nghiệp, không sử dụng chất cấm, không sử dụng kháng sinh và nuôi theo quy trình của Sở NN và PTNT. Ông Triệu Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX cho biết: Giống gà được lựa chọn cho mô hình là 2 giống gà ta chọn tạo LH-001 và LH-002 của Cty CP Lượng Huệ (Hải Phòng) là các giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, sức sống cao, dễ nuôi. Để có được sản phẩm “chuẩn” theo yêu cầu của Cty TNHH Tuệ Hương, qua giới thiệu của Sở NN và PTNT, HTX ký hợp đồng liên kết với Cty Vina-HTC cung ứng thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, không sử dụng các chất kích thích. Quy trình sản xuất gà sạch được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn đầu cho gà ăn thức ăn do Cty Vina-HTC cung ứng, đến giai đoạn 2 chủ yếu cho ăn bột cá, bột đậu…

Trong khoảng thời gian nuôi từ 3,5-4 tháng/lứa (kéo dài hơn so với phương thức nuôi công nghiệp từ 2-4 tuần), HTX tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Đến nay, chuỗi liên kết đã đi vào ổn định, mỗi tháng Cty Tuệ Hương tiêu thụ 800-900 con gà với giá thu mua 70-74 nghìn đồng/kg. Ông Trần Quang Hùng, thôn Phú Đa cho biết: Khi tham gia liên kết, các đơn vị cung cấp toàn bộ con giống đạt tiêu chuẩn, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhờ liên kết sản xuất, gia đình tôi đã giảm được những rủi ro trong chăn nuôi và hoàn toàn yên tâm về thị trường, không lo giá thị trường lên xuống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Từ khi tham gia chuỗi liên kết, gia đình tôi xuất bán 2 lứa được hơn 1.000 con gà, thu lãi trên 20 triệu đồng. Từ tháng 4-2016, Cty tiếp tục ký hợp đồng với HTX thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ lợn sạch cũng theo hướng bán công nghiệp, sử dụng giống lợn lai Móng Cái. Dự kiến bắt đầu từ tháng 9 Cty Tuệ Hương sẽ thu mua với số lượng mỗi tháng từ 40-50 con lợn với giá thu mua thịt lợn hơi (Cty ký hợp đồng thu mua với giá ổn định trong vòng 2 năm) 50 nghìn đồng/kg, hiện cao hơn giá thu mua thị trường từ 10-15 nghìn đồng/kg. Theo ngành Nông nghiệp, về giá cả và số lượng thu mua gà, lợn của doanh nghiệp trong liên kết này đã đảm bảo được lợi nhuận và đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của 20 hộ chăn nuôi trong HTX. 
Nuôi gà sạch theo chuỗi liên kết của hộ ông Trần Quang Hùng, thôn Phú Đa, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Nuôi gà sạch theo chuỗi liên kết của hộ ông Trần Quang Hùng, thôn Phú Đa, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi giữa HTX Vạn Xuân Trường với Cty Tuệ Hương và Cty Vina-HTC bước đầu có hiệu quả, được các cấp, các ngành ghi nhận, người chăn nuôi đồng thuận cao. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Việc thực hiện liên kết theo chuỗi là yêu cầu tất yếu vừa để chăn nuôi phát triển ổn định vừa đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Các hộ chăn nuôi được ứng trước thức ăn chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được cung cấp vật tư nông nghiệp (con giống, thức ăn chăn nuôi) có chất lượng, giảm rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Điều quan trọng nhất là được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với Cty nên họ yên tâm đầu tư sản xuất. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi Cty Vina-HTC có nơi tiêu thụ thức ăn chăn nuôi; Cty Tuệ Hương có nguồn nguyên liệu ổn định có chất lượng, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu trên thị trường. Ngành Nông nghiệp nâng cao vai trò quản lý, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, là xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Có một thực tế là mặc dù được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng về chăn nuôi, tuy nhiên việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi ở tỉnh ta lại yếu. Nguyên nhân do chưa có nhiều doanh nghiệp vào cuộc “lo đầu ra” cho các hộ chăn nuôi. Chăn nuôi trên địa bàn hiện vẫn mang tính nhỏ lẻ là chủ yếu, chưa có sự kết nối giữa các hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh bởi các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, dẫn đến không cạnh tranh được về giá bán. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thị trường. Những giải pháp trong thời gian tới về việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm từ các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trực tiếp ký kết với các HTX chuyên ngành, trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra. Xây dựng điểm tiêu thụ, các hệ thống phân phối sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như: kinh doanh, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi… tạo nền tảng để đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.
 
Chuỗi liên kết trong chăn nuôi giữa HTX Vạn Xuân Trường với Cty TNHH Tuệ Hương, Cty Vina-HTC bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, nâng cao được vai trò và lợi ích của các bên tham gia liên kết. Tuy nhiên đây vẫn là mô hình nhỏ, chưa thật sự tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn. Do đó, cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp để việc liên kết này được lan tỏa, phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới nhằm phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh hướng tới sự hiệu quả, bền vững./.


Theo Báo Nam Định