Liên kết để cùng đưa nông sản Việt Nam tiến mạnh ra “chợ” thế giới
- Thứ năm - 10/10/2019 21:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thêm nhiều “điểm sáng”
Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cho biết, năm 2018, dù đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng kim ngạch XK nông sản vẫn đạt xấp xỉ 42 tỷ USD; 9 tháng năm 2019, các rào cản kỹ thuật liên tục được dựng lên từ các thị trường nhưng chúng ta vẫn đạt trên 30 tỷ USD kim ngạch XK, phấn đấu năm 2019 sẽ đạt khoảng 41 tỷ USD, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ. “Nhưng từ con số số này có thể thấy, nông sản Việt đã ngày càng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường, trong đó đồ gỗ, thủy sản đã nổi lên như những điểm sáng”- ông Tuấn nói.
Nông dân cần liên kết với doanh nghiệp để chinh phục nhiều thị trường khó tính (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Thơ
Năm 2018, dù đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt xấp xỉ 42 tỷ USD; 9 tháng năm 2019, các rào cản kỹ thuật liên tục được dựng lên từ các thị trường nhưng chúng ta vẫn đạt trên 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu năm 2019 sẽ đạt khoảng 41 tỷ USD. |
Cũng theo ông Tuấn, thống kê này chỉ ra rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của chúng ta đã 73 tỷ USD, như vậy, giá trị thương mại quốc tế 2 chiều lớn gấp 1,75 lần giá trị nông sản chúng ta sản xuất ra. Điều này chứng tỏ việc sản xuất của nông dân ngày càng đi theo tín hiệu thị trường, đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của từng thị trường.
Ông Tuấn cũng cho rằng, bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng mở rộng trong các mối quan hệ song phương, đa phương, người nông dân không thể đơn thương độc mã đi ra “chợ” thế giới. Theo thống kê, hiện có khoảng 55.000 doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, chiếm 8% số lượng DN cả nước. Ngoài ra, còn có 13.000 HTX nông nghiệp, 40 liên hiệp HTX đóng vai trò kết nối, liên kết với 10 triệu hộ làm nông nghiệp để tổ chức sản xuất.
Với việc tăng trưởng đáng kể về kim ngạch XK, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên đã chứng minh được vị trí, vai trò đầu tàu của DN trong việc dẫn dắt liên kết trong chuỗi giá trị. Nếu chỉ có một mình nông dân, chắc chắn con đường của họ chỉ ra đến chợ làng, chợ huyện, còn vươn ra chợ thế giới thì phải có vai trò của DN. Liên kết nông dân với DN trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu, là giải pháp, động lực để chúng ta phát triển nền sản xuất hàng hóa.
“Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa DN và nông dân trong chuỗi giá trị chưa được như mong muốn, trong tổng số 50.000 DN tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực chất chỉ có 1.000 DN trực tiếp liên kết với nông dân phát triển sản xuất; tương tự như vậy chỉ có khoảng 1.000 hợp tác xã có mô hình liên kết với nông dân. Vì vậy, Nhà nước phải tiếp tục tạo cơ chế là động lực giúp DN tìm đường về với nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn, dẫn dắt thị trường cùng nắm tay nông dân tự tin đi “chợ”- ông Tuấn nói.
Cần cái bắt tay của nông dân - doanh nghiệp
Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cho rằng, thời gian qua, có một làn sóng DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã xây dựng các chuỗi liên kết với nông dân. Đây là 1 tín hiệu đáng mừng.
“Phải khẳng định, dù là DN trong nước hay DN có vốn đầu tư nước ngoài thì cũng đều được đối xử công bằng với hệ thống chính sách và ưu đãi đầu tư tương đối đầy đủ. Các DN FDI với tiềm lực vô cùng lớn, kinh nghiệm, năng lực quản trị dày dặn khi tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng nông sản sẽ tạo động lực cho nông dân và DN trong nước học tập kinh nghiệm, từ đó phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó vươn lên, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh”- ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng, trong suốt thời gian qua, 10 triệu hộ gia đình đã là hạt nhân kinh tế, nỗ lực sản xuất để tạo ra bức tranh nông nghiệp như hiện nay. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng và luôn biến động khó lường, nếu đứng riêng lẻ sẽ không thể đáp ứng được những thay đổi này. DN phải là đầu tàu dẫn dắt.
“Tóm lại, muốn ra chợ lớn, phải liên kết với DN, nông dân không thể đứng ngoài cuộc, phải tạo thành chuỗi liên kết DN, nông dân, hợp tác xã để tạo thành thế đứng vững chắc” - ông Tuấn nói.
Hiểu được vai trò quan trọng của DN đối với nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho DN như Nghị định 57, 115, 55… nhằm tháo gỡ những khó khăn về đất đai, vốn, công nghệ cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông Tuấn: “Phải xác định rằng, Nhà nước chỉ tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, tạo cơ chế thông thoáng chứ không thể cho nguồn lực để hỗ trợ mãi cho doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nhân phải tự tìm cho mình con đường, đồng hành cùng nông dân chinh phục thêm nhiều thị trường mới”.