Liên kết giữa doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Hoa Kỳ trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản

Liên kết giữa doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Hoa Kỳ trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản
Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chương trình SeafoodWatch (chương trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường thuộc Thủy cung Vịnh Moterey, Hoa Kỳ) và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace, CEIP)đã tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản” và Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.

Đây là sự kiện nhằm kết nối kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ cung-cầu giữa các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và nước ngoài, đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường và nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm thủy sản. Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản và Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững lần này có sự tham dự của 4 nhà mua Hoa Kỳ là Aramark, Bon Appettite, Santa Monica Seafoods, Fortune Fish&Gourmet. Ngoài ra, tại Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản có đông đảo đại diện nhà mua, nhà cung cấp Việt Nam.

Ngày hội lần này sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản Cà Mau nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung có cơ hội trao đổi thông tin về nhu cầu và tiêu chí lựa chọn các nhà cung cấp trong khu vực/tại Việt Nam từ các Tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn là các nhà mua từ Hoa Kỳ; trực tiếp đối thoại, hỏi đáp để đánh giá thực tế các cơ hội hợp tác và phát triển thị trường với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam trong tương lai gần.

Sự kiện lần này được tổ chức tại Cà Mau cũng là cơ hội nhằm hiện thực hóa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nhằm xác định mục tiêu là đưa ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của đất nước; xây dựng Cà Mau thành thủ phủ của nơi nuôi, chế biến tôm chất lượng cao và xây dựng nhiều thương hiệu toàn cầu về tôm.

Hiện nay, Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước với trên 30 nhà máy chế biến, với công suất khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó chế biến tôm là chủ yếu. Tỉnh đã xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái với diện tích gần 20 ngàn ha và đạt được nhiều chứng nhận quốc tế như ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Naturland...Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia; trong đó thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Tỉnh Cà Mau đặt kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 4,0 tỷ USD.

Cũng tại ngày hội này, các cơ quan đã chính thức ra mắt Liên minh Tôm sạch và bền vững ở Việt Nam.

Thông qua Liên minh Tôm sạch và bền vững, nhiều nhà mua quốc tế muốn hỗ trợ các cải tiến có thể mang lại lợi ích bền vững, nhưng có rất ít doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô. Liên minh Tôm sạch và bền vững ở Việt Nam đưa ra một cách tiếp cận mới có thể tăng tốc các cải tiến theo cách có thể đo lường được và minh bạch. Điều này đã tạo ra sự quan tâm của một số người mua ở Hoa Kỳ, những người muốn xem kết quả có thể đáp ứng sự mong đợi của khách hàng.

Hiện nay, để đáp ứng được một số thị trường truyền thống và kỳ vọng ở một số thị trường quốc tế mới nổi thì ngành tôm Việt Nam phải tập trung vào việc cải thiện chất lượng, thay đổi thói quen nuôi và tạo sự minh bạch thông qua chuỗi cung ứng, đặc biệt là chủ động hơn nữa cho việc ứng dựng công nghệ. Sự hợp tác giữa tất cả những người tham gia chuỗi giá trị là rất quan trọng cho sự thành công của Liên minh và để đạt được tiến bộ cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Thông tin tại Ngày hội kết nối doanh nghiệp thủy sản, các nhà nhập khẩu thủy sản trên thế giới cho biết, hiện nay, tiêu thụ thủy hải sản bình quân 1 người trên thế giới là 22,3 kg/người/năm tăng hơn 0,5 kg so với 2017. Trong đó, tỉ trọng thủy sản nuôi trồng trong cơ cấu tiêu dùng thủy sản dự đoán tăng 60%/người và tiếp tục tăng do nguồn cung thủy sản khai thác không tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ hải sản khai thác ngoài khơi vẫn tăng. Dự báo tiêu thụ thủy hải sản vẫn tiếp tục tăng và xu hướng tiêu dùng sẽ chuyển sang thủy sản nuôi có vỏ, tươi sống, các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn, dễ sử dụng.

Ngày hội kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản diễn ra trong buối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa được tháo gỡ, đây được cho sẽ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thủy sản Việt Nam trong đó có tôm, cá tra cũng sẽ chịu những tác động nhất định.

Chiến tranh thương mại khiến hai nước Mỹ - Trung đều nâng các mức thuế nhập khẩu khiến dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc chậm lại. Điều này sẽ xảy ra hiện tượng chuyển dịch thương mại đối với mặt hàng thủy sản sang các nước khác để thay thế nguồn cung. Các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Australia, và New Zealand, và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam sẽ được lợi. Đối với Việt Nam, là nước cạnh tranh thị phần sản phẩm cá tra, basa, tôm trực tiếp với Trung Quốc tại thị trường Mỹ, do đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam tăng xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, do phải chịu thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ giảm nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu. Điều này, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc, mặt khác, do nguồn cung trong nước dồi dào và tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đang có xu hướng giảm so với đồng Đô-la- Mỹ (USD) khiến xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Văn Thọ

Nguồn: Tổng cục Thủy sản

https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/khcn-htqt/-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/doc-tin/013093/2019-06-21/lien-ket-giua-doanh-nghiep-thuy-san-viet-nam-va-hoa-ky-trong-tieu-thu-san-pham-thuy-san