Liên kết nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo

Liên kết nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo
Thôn Hòa Mục, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên có hơn 100 hộ gia đình liên kết nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo.

Hiếu kỳ trước sự khác lạ của ngôi làng có khá nhiều nhà cửa cao tầng hoành tráng, nhưng hầu như vườn nhà gia đình nào cũng có một vài vuông mái lợp prô xi-măng lúp xúp, tường bao chỉ gồm những mảnh bạt nhựa che ngăn lúc kín lúc hở, chúng tôi đã mạnh dạn vào khám phá.

"Thì ra đó chỉ là những gia trại nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo của thôn Hoà Mục” - một thành viên trong đoàn chúng tôi đã nói.

08-41-28_gi_tri_nuoi_nhn_giong_g_li_dong_to
Một gia trại nhân nuôi gà lai Đông Tảo

Sau khi dạo qua một vòng khắp các gia trại chăn nuôi, chúng tôi được ông Nguyễn Sĩ Duẩn (Trưởng thôn Hoà Mục) cho biết: “Địa bàn này có hơn 100 hộ liên kết chăn nuôi gà đẻ. Bình quân mỗi gia đình nuôi khoảng 500 gà bố, mẹ. Nhiều hộ nuôi tới trên 1.000 con. Hầu hết sản lượng trứng sau đẻ đều được đưa vào máy ấp nở. Con giống bán cho các gia đình chăn nuôi gà thương phẩm thông qua các chủ lò ấp trứng”.

Theo đó, một số chủ hộ chăn nuôi gà đẻ, có mối quan hệ rộng, có khả năng kết nối cung cầu, đã đứng ra đầu tư máy ấp trứng gia cầm, nhận ấp nở và bao tiêu con giống cho các hộ trong thôn, sau cung ứng cho thương lái theo hợp đồng.

Nhà nông chỉ việc chuyên tâm chăn nuôi, sao cho khai thác được năng suất và chất lượng trứng cao nhất trên các đàn gà, rồi đưa đến các lò ấp, nhận tiền theo số lượng gà sơ sinh từ trứng. Thương lái chỉ việc đến các lò ấp trong làng, gom con giống đưa đi tiêu thụ khắp các địa phương trên miền Bắc.

Cách làm này tiện ích cho cả 3 bên, vừa phát huy được tính chuyên sâu của các thành viên trong chuỗi liên kết, vừa gia tăng thu nhập bền vững cho người chăn nuôi. Nhờ vậy, có khá nhiều gia đình nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo ở Hoà Mục đã trở lên khá giả, xây được nhà cửa khang trang hiện đại như đã nêu trên.

“Nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo dễ cho thu nhập cao như vậy, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không hề đơn giản” - ông Trương Xuân Đỉnh (chủ hộ nuôi gà) đã thẳng thắn nói với chúng tôi.

Khó khăn nhất là vào những tháng mùa đông. Thời tiết khô lạnh kèm theo gió bắc, sương giá. Trại gà phải thường xuyên che bạt kín. Các chất thải loại từ gà rất khó bốc thoát ra bên ngoài. Nên gà nuôi trong trại chủ yếu hít thở những thứ mà chúng vừa thải ra - rất dễ phát sinh dịch bệnh. Nếu người chăn nuôi chủ quan khinh suất thì rủi ro thất thoát gà vì dịch bệnh là không thể tránh khỏi.

Theo ông Đỉnh, để khắc phục các khó khăn trở ngại nêu trên, cần giãn giảm mật độ gà nuôi trong trại. Tăng cường bóng điện hồng ngoại. Mở bạt che và bật quạt thông gió khi có ánh nắng mặt trời. Thường xuyên dùng đệm lót sinh học cho nền chuồng. Cho gà ăn đầy đủ dưỡng chất. Vacxin phòng bệnh cho gà sớm, nhất là bệnh hen. Phải có trại chăn nuôi hậu bị (trại tạm nghỉ). Thời gian tạm nghỉ cho trại hậu bị tối thiểu 2 tháng mới nhập gà nuôi trở lại. Ngoài ra, để nuôi gà sinh sản đạt hiệu quả cao, còn phải chọn lọc được đàn nuôi hậu bị bố mẹ khoẻ mạnh cân đối, không còi cọc khuyết tật, không mang mầm bệnh, có đầy đủ dáng nét đặc trưng của giống gốc.

08-41-28_my_p_trung_gi_cm
Cho trứng vào lò ấp

Ông Đỉnh còn dí dỏm ví von: “Cặp đôi gà hậu bị bố mẹ được coi là hoàn hảo, con mái phải có số đo vòng 3 khủng - mông to, đít xệ, lỗ huyệt lớn; con trống cũng phải có 6 múi - mông, đùi, lườn, ngực săn chắc, mào cờ hoặc mào sít, tuỳ giống nhưng lúc nào cũng phải dựng đứng tía đỏ, hừng hực khí sắc hung tợn”.

“Để duy trì phong độ đẻ ổn định cho đàn gà, trong quá trình chăn nuôi phải cho ăn thêm thóc mầm hoặc vitamin ADE, nhằm kích thích sự ham muốn cho con trống, kéo dài chu kỳ sinh sản cho con mái” – ông Đỉnh cho biết thêm.

Bằng cách chăn nuôi này, gia đình ông Đỉnh đã thường xuyên duy trì được trên 5.000 gà sinh sản, bao gồm 3.000 con nuôi hậu bị, 2.000 con đang đẻ. Trung bình mỗi tháng xuất bán được 20.000 gà con bóc trứng, doanh thu 140-250 triệu đồng, lợi nhuận đạt 30-80 triệu đồng (tuỳ thời điểm).

Ngoài chăn nuôi gà đẻ, ông Đỉnh còn đầu tư thêm một số máy ấp trứng, kết hợp ấp nở trứng của nhà với ấp và bao tiêu con giống cho hàng chục hộ nuôi gà đẻ trong thôn.

"Nhà nước nên cấp vacxin hoặc hỗ trợ tiền mua vacxin cho các trại nuôi gà tập trung số lượng lớn, để nhà nông chủ động phòng dịch. Vì công tác tiêm phòng thú y hiện nay chỉ theo mùa, theo đợt. Dẫn đến hiện tượng vaxcin cho các trang trại chăn nuôi “Khi cần thì không có. Khi có thì không cần”, khuyến nghị của một số nông dân thôn Hoà Mục.
HẢI TIẾN/ Nongnghiep.vn