Liên kết trong chăn nuôi – hướng đi mới của nông dân Quảng Nam
- Thứ bảy - 08/09/2018 11:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển kinh tế gia trại rất hiệu quả. Hiện nay, thôn Hòa Bình thành lập một tổ liên kết chăn nuôi với 32 hộ tham gia, thu nhập hàng năm khá ổn định.
Trang trại gà ta nhà ông Lê Trung Khoảng ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đang mang lại hiệu quả trong liên kết chăn nuôi. (Ảnh: Phương Cúc). |
Ông Lê Trung Khoảng là thành viên trong tổ này cho biết, trước khi tham gia tổ liên kết, ông Khoảng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là gà dễ bị bệnh. Sau khi vào tổ, các hộ cùng liên kết với nhau, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, hỗ trợ nhau trong việc ký hợp đồng mua thức ăn, thuốc thú y và cung cấp con giống đồng thời làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm. Chính vì thế, việc chăn nuôi cũng hiệu quả hơn.
Hiện, Tổ hợp tác của thôn đã liên kết với các thương lái ở một số địa phương tiêu thụ sản phẩm, nên gia đình ông Lê Trung Khoảng không phải lo về đầu ra.
Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Tam Kỳ, đến nay Hợp tác xã chăn nuôi gà ta thả vườn Mười Tín ở xã Tam Thăng, đã trở thành nơi cung cấp gà sạch cho cả thành phố. Hợp tác xã này với 10 hộ tham gia có quy mô trang trại là 10 ha, nuôi khoảng 40.000 con gà.
Ông Bùi Việt Tín, Giám đốc Hợp tác chăn nuôi gà ta Mười Tín cho biết, người chăn nuôi chính là các xã viên của hợp tác xã, có điều kiện hỗ trợ nhau, được định hướng trong sản xuất bền vững và được hỗ trợ trong khâu tiêu thụ. Hiện, siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm gà của Hợp tác xã. Giá thịt gà cao hơn thịt gà ngoài thị trường, nhưng vẫn tiêu thụ mạnh, thu nhập của người chăn nuôi tăng cao.
Giá thịt gà ta của Hợp tác xã gà Mười Tín, thành phố Tam Kỳ luôn cao hơn thịt gà ngoài thị trường. (Ảnh: Phương Cúc). |
Việc chăn nuôi theo mô hình liên kết giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, góp phần bình ổn giá, hạn chế dịch bệnh và kích cầu trong chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trong năm 2018, từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp thành phố Tam Kỳ đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại và hộ gia đình xây dựng và phát triển liên kết chăn nuôi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Những mô hình liên kết chăn nuôi mà thành phố Tam Kỳ hướng đến là thịt gà, thịt lợn, tôm nuôi. Thành phố đã ký kết với Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Việt Thắng (chi nhánh tại huyện Duy Xuyên) liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn.
Có thể nói, liên kết trong chăn nuôi là động lực để phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời về lâu dài nó còn là nền tảng cho ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập./.