Liệu có phải giải cứu vải thiều?

Chưa vào chính vụ, nhưng những âu lo về tình trạng vải thiều rớt giá đã hiện hữu, hiện mức giá chỉ 7.000-14.000 đồng/kg. Giá vải năm nay giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, thậm chí mỗi ngày giảm vài ba giá.

Thời điểm này, tại nhiều chợ, đường phố ở Hà Nội đã bày bán vải sớm đầu mùa. Mới đầu vụ, nhưng giá vải thiều năm nay lại thấp hơn các năm trước.

Giá giảm theo ngày

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tại tỉnh Hải Dương, quả vải sớm (các loại U) đã vào vụ với giá ở mức 20.000 đồng/kg. Vải thiều tại tỉnh Bắc Giang cũng bắt đầu vào vụ, nhưng giá ở mức thấp do chất lượng vải không cao, với mức giá 7.000-14.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung giá vải năm nay giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Treo biển 15.000 đồng/kg vải, chị Hoài (tiểu thương bán vải tại Cổ Nhuế, Hà Nội), cho biết mấy ngày nay, giá vải giảm liên tục. "Cách đây 5 ngày, tôi bán lẻ 35.000 đồng/kg, giờ xuống còn 15.000 đồng/kg. Sáng một giá, chiều đã xuống giá khác. Vải có bất lợi là quả nhanh khô, nếu không bán kịp trong ngày, ngày mai mất tươi thì chẳng ai mua", chị Hoài chia sẻ.

Một đầu mối buôn vải ở Bắc Giang cho biết năm trước, giá vải mua buôn đầu vụ là 20.000 – 30.000 đồng, năm nay chỉ dao động 7.000 – 20.000 đồng/kg.

Theo người dân vùng trồng vải, mấy ngày hôm nay, vải rớt giá liên tục, thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái. Ban đầu, vải u hồng có giá trung bình 13.000 – 15.000 đồng/kg, nay vải bắt đầu rộ, thương lái chỉ trả 7.000 đồng, thậm chí loại xấu còn 4.000 đồng.

Với giá bán như vậy, người dân cho biết không đủ tiền phân bón, chăm sóc. Nếu độ nửa tháng tới khi vải bước vào thu chính vụ mà sức mua chậm, số lượng xuất khẩu (XK) ít… thì giá có lẽ còn rẻ nữa, có khi xuống tới mức… 2.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, lo ngại do thu hoạch trùng với thời điểm thu hoạch vải ở Bắc Giang và Trung Quốc nên những năm được mùa, sản lượng lớn, vải Hải Dương thường bị mất giá do cung vượt cầu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết sản lượng vải đạt 150-180 nghìn tấn nên gây áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do thời gian thu hoạch ngắn, chủ yếu bảo quản trong thùng xốp ướp lạnh nên việc vận chuyển đi xa gặp khó khăn.

gai-cuu-vai-thieu-2751-1527956890.jpg

Mới đầu mùa, giá vải đã xuống mức khá thấp

Chuẩn bị kịch bản ứng phó

"Vải XK vẫn được bảo quản trong thùng xốp, vận chuyển xa, kém cạnh tranh. Vì vậy, các bộ ngành cùng DN tiêu thụ nên hỗ trợ địa phương trong khâu bảo quản, chế biến, xây dựng bao bì nhãn mác", bà Hà chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Trường, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Hương Việt, cho biết 10 năm nay, công ty đã thực hiện thu mua vải thiều, những năm trước chủ yếu tiêu thụ trong nước.

"Gần đây, chúng tôi triển khai tiêu thụ sang Trung Quốc với số lượng 3.000-4.000 tấn/năm. Tuy nhiên, quả vải gặp thách thức nhất là thời gian bảo quản ngắn. Vì vậy, phải có công nghệ chế biến sâu, làm sao để có thể bảo quản lâu hơn nữa thì DN mới có thể thu mua số lượng lớn hơn", ông Trường chia sẻ.

Trước tình trạng trên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết tại các cửa khẩu, Cục đã chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật đường biên, ngoài việc phối hợp với cơ quan liên ngành tại chỗ, cần phối hợp với cơ quan liên ngành phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là rút ngắn tối đa thời gian kiểm tra đối với quả vải, nhãn XK tại các vùng biên giới.

Bên cạnh đó, ngay tại các cơ sở chiếu xạ ở Tp.HCM và Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các cơ sở kiểm dịch thực vật bố trí và đưa trang thiết bị xuống tận nơi. Nếu XK đi Mỹ, Úc thì sau khi chiếu xạ cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật ngay tại đó chứ không cần phải lên đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh tăng cường sản xuất nhãn, vải theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nâng cao chất lượng để hướng tới các thị trường XK.

"Các địa phương không được chủ quan lơ là vì thời tiết có thể diễn biến bất thường, đồng thời yêu cầu các địa phương xây dựng ngay kịch bản tổ chức tiêu thụ một cách căn cơ, tỉ mỉ. Chúng ta không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Thy Lê/http://thoibaokinhdoanh.vn