Lọc nước nuôi tôm

Lọc nước nuôi tôm
Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trên cát ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định) sau những năm đầu ăn nên làm ra giờ đã tới thời kỳ suy thoái, do nguồn nước ô nhiễm.
Bơm nước ngầm vào bể lọc để đưa ra hồ nuôi

Có hồ, chẳng lẽ bỏ hoang, anh Phan Thanh Thánh (SN 1984) đầu tư trang bị hệ thống lọc nước sạch nuôi tôm nên thắng to!

Mấy thuở chìm nổi

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, phong trào nuôi TTCT trên cát phát triển mạnh tại xã Mỹ An. Máu nghề sẵn trong người, thêm tính xông pha của tuổi trẻ, anh Thánh đi vay 45 triệu đồng để đầu tư vào hồ nuôi có diện tích 3.000 m2.

Vừa nuôi anh vừa tham khảo bí quyết của những người đi trước để bổ sung kiến thức. Sau 3 tháng, hồ tôm cho thu hoạch. Trừ hết chi phí, anh còn lãi ròng 70 triệu đồng.

Sau khi xuất bán tôm, anh dành nửa tháng để cải tạo hồ rồi tiếp tục thả giống nuôi vụ thứ 2. Trong năm 1999 anh thả nuôi 3 vụ, vụ nào cũng thắng.

Nước lên thuyền lên, sang năm 2000 anh Thánh tiếp tục đầu tư nuôi thêm hồ mới có diện tích 2.800 m2.

Những năm tiếp theo, năm nào anh Thánh cũng được nếm hương vị của chiến thắng trong công cuộc nuôi tôm. Mỗi năm, những hồ tôm đều đều mang về cho anh 200 triệu đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, đến năm 2006 chuỗi thắng lợi của anh Thánh bị dịch bệnh tôm chặn đứng. Trong năm ấy, anh bị thua liền 3 vụ, tôm giống thả xuống chưa được bao lâu đã lăn ra chết trắng hồ vì bệnh đốm trắng.

Đến năm 2011, anh Thánh thả giống nuôi lại, chọn con giống kỹ càng hơn, áp dụng quy trình kỹ thuật chặt chẽ hơn, thế nhưng vẫn không thoát được dịch bệnh. Lần này anh thua trắng 200 triệu đồng tiền đầu tư.

Anh Thánh nhớ lại: “Thời điểm này người dân địa phương ào ạt san lấp mặt bằng làm hồ nuôi. Khi ấy tôi thả nuôi lại 3 hồ với diện tích trên 10.000 m2 và một hồ ương giống khoảng 600 m2.

08-54-36_2
Anh Thánh thường xuyên kiểm tra độ phát triển của tôm

“Trong thời điểm nhạy cảm về môi trường như hiện nay, mình phải theo dõi sát sao sự phát triển của tôm và các dấu hiệu của nguồn nước, chủ yếu là độ pH để có cách xử lý kịp thời.
Để giảm ô nhiễm trong hồ nuôi, cần áp dụng cách nuôi tôm luân phiên, 2 vụ tôm chính xen kẽ vụ tôm phụ. Từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch thả nuôi vụ chính, vụ phụ nuôi xen, trung bình 2 năm nuôi 5 vụ tôm. Mật độ giống thả trong vụ chính là trên 100 con/m2, vụ tôm phụ 50 con/m2”, anh Thánh chia sẻ.

Khi bị thua trắng, tôi xác định dịch bệnh phát sinh không phải do nguồn giống, không phải do nuôi không đúng quy trình hay do lây lan, mà do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.

Tôi tạm nghỉ nuôi, xử lý môi trường các hồ nuôi và tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm. Trong thời gian này, tôi nắm bắt được yếu tố quyết định cho sự thành công trong nuôi tôm là nguồn nước nuôi phải sạch. Tôi quyết định nuôi tôm theo kiểu mới”.

Làm sạch nguồn nước

Nắm bắt được cách nuôi mới, kể như nắm chắc phần thắng trong tay. Sang năm 2012, anh Thánh mở rộng quy mô nuôi tôm thêm 2 hồ nữa. Tại thời điểm này tổng cộng anh Thánh nuôi 7 hồ tôm và 1 hồ ương nuôi tôm giống với tổng diện tích gần 20.000 m2.

Tiếp đến, anh xây dựng 1 bể lọc kim loại nặng và khí độc để lọc nguồn nước bơm vào ao nuôi.

 Bể lọc nước có dung tích 12 m3 gồm một lớp san hô; một lớp than hoạt tính; một lớp cát sạch có tác dụng lọc nước, kim loại nặng và khí độc. Anh tự tin tiếp nối sự nghiệp nuôi tôm.

“Được sống trong môi trường nước sạch, tôm phát triển tốt, không sinh dịch bệnh, sản lượng cải thiện rõ rệt, từ 7 - 8 tấn/vụ/ha nay tăng lên 10 tấn/vụ/ha”, anh Thánh cho biết.

Trong năm 2014, các hồ tôm đã mang lại cho anh doanh thu 7 tỷ đồng. Khoản thu này ngoài bù được những khoản thua lỗ của những năm trước đó, còn nằm chắc chắn trong “hầu bao” của anh Thánh một khoản tiền lớn.

Năm 2015, anh Thánh vinh dự là một trong 2 thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bình Định nhận giải thưởng Lương Định Của.

Nguồn: NNVN