Luật trồng trọt phải hướng đến khắc phục tình trạng 'được mùa mất giá'

Luật trồng trọt phải hướng đến khắc phục tình trạng 'được mùa mất giá'
Thảo luận tại tổ về Luật Trồng trọt, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay các nội dung trong Luật Trồng trọt vẫn còn thiếu và sơ sài.

Luật trồng trọt phải hướng đến khắc phục tình trạng 'được mùa mất giá' - Ảnh 1Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho ý kiến về dự thảo Luật trồng trọt

 

Chiều ngày 23/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật trồng trọt, đa số ĐB tán thành cho rằng, việc ban hành Luật Trồng trọt thay thế cho Pháp lệnh trồng trọt ở nước ta thời điểm này là rất cần thiết, thậm chí có thể nói là hơi muộn. Tuy nhiên, về các quy định cụ thể trong dự luật này, nhiều ĐB cho rằng còn chung chung, chưa chặt chẽ, chưa đủ sức bảo vệ người nông dân hoặc chưa phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho rằng, các nhà làm luật mới chỉ tiếp cận theo khía cạnh chuyên môn chứ không phải chuỗi giá trị. “Tôi nghĩ phải đưa vào luật việc truy xuất nguồn gốc mới bảo vệ được người sản xuất sạch”, Thứ truưởng nói.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng Luật Trồng trọt tác động đến khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng cách trình bày của dự thảo Luật chưa có sự gần gũi, hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hơn. "Các thuật ngữ đề cập trong dự thảo luật không sai nhưng chưa gần với đời sống. Luật tập trung nhiều vào khái niệm, thuật ngữ mang tính khoa học kỹ thuật chuyên ngành chứ chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp người nông dân tiếp cận được giống, phân bón an toàn", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu.
Luật cần phải quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ trong việc đưa giống nước ngoài vào Việt Nam, kể cả việc đưa giống Việt Nam ra nước ngoài; có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, lai tạo giống mới bởi thực trạng nghiên cứu, lai tạo giống mới ở nước ta hiện nay còn kém so với yêu cầu của một nước nông nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Minh Tuấn - đoàn ĐBQH Đồng Tháp - cho rằng hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản VN khá nhiều, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà nguy hiểm hơn là giá trị của nông sản nông dân làm ra bị thấp.

Luật trồng trọt phải hướng đến khắc phục tình trạng 'được mùa mất giá' - Ảnh 2 Đại biểu Trương Minh Hoàng (ĐBQH tỉnh Cà Mau) 

 

Còn đại biểu Trương Minh Hoàng (ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, Luật phải đề cập câu chuyện sao cho ngành trồng trọt của bà con tạo thành chuỗi liên kết. Tránh tình trạng nông dân sản xuất hoa quả, hàng hóa nông sản ra nhưng bán không được, rồi lại kêu gọi giải cứu như thời gian qua.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật trồng trọt phải hướng đến khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” do khủng hoảng thừa nông sản, khi người dân thấy cây giống gì trồng có hiệu quả kinh tế thì đổ xô vào trồng theo rồi năm sau lại phải đi giải cứu. 

“Vừa rồi, bao nhiêu vụ giải cứu. Từ giải cứu lúa, hành tím, củ cải, dưa hấu… những tác hại đó kinh khủng khiếp. Rồi hệ lụy từ việc nhập các loại giống không đảm bảo, bà con nông dân đã khóc ròng trên ruộng, lúa không trổ bông, bắp không có trái, khoai ruột vàng thành ruột trắng. Hay lại có những chiến dịch như thu mua bắp non, đang chuẩn bị thu hoạch đi vặt trụi. Trước đây có vụ thu mua rễ cây trà, càng cổ càng lâu năm càng đắt… Rất nhiều bài học liên quan đến trồng trọt như vậy” - ĐB Bùi Đặng Dũng (đoàn An Giang) nêu. 

Đồng thời cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của dự luật chưa nêu rõ, dự thảo Luật cũng chưa đảm bảo khắc phục được.

Đây là phiên thảo luận đầu tiên về dự thảo luật này. Ngày 8.6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trồng trọt.

THANH NHUNG/ Báo Dân sinh