Lực đẩy từ mô hình HTX kiểu mới

HTX Dịch vụ rau, hoa, củ, quả Bút Lâm (thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, Yên Phong) được thành lập từ năm 2009. Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi vào năm 2015, vấn đề HTX quan tâm hướng đến là tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Từ những ngày đầu thành lập, HTX Bút Lâm luôn đồng hành với người dân bằng các dịch vụ cung ứng giống cây trồng, phân bón, bao tiêu đầu ra một số loại nông sản. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng, năm 2009 HTX triển khai dự án trồng rau, hoa an toàn và được hỗ trợ 5 nhà lưới tổng diện tích gần 2.000m2 với 30 hộ tham gia. Ngoài sử dụng nhà lưới, nông dân trồng thêm các loại hoa, rau màu cho hiệu quả cao. Trung bình mỗi năm, các thành viên HTX trồng và cho thu hoạch hơn 2,5 vạn hoa ly, 40 vạn hoa cúc, 7 vạn hoa loa kèn, hơn 200 tấn khoai tây cùng số lượng lớn rau màu các loại. Chị Mẫn Thị Hồng, thành viên HTX cho biết: “Trước đây chúng tôi trồng tự phát, nên giá bấp bênh, giờ có HTX bao tiêu sản phẩm nên bà con bán được giá hơn. Thực tế sản xuất cho thấy trồng hoa đạt hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác, chúng tôi mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng hoa trong thời gian tiếp theo”.
Năm 2012, HTX trồng thử nghiệm giống khoai tây Solara trên diện tích 20ha đất, đạt năng suất từ 500kg đến 700kg/sào, doanh thu khoảng 8 triệu/sào. Khoai tây thương phẩm được doanh nghiệp về tận nơi thu mua và một phần phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Vụ đông 2014, HTX được hỗ trợ hơn 3,4 tấn khoai tây giống. Số khoai giống này được chia cho 23 hộ nghèo. Cùng với đó, HTX tạo điều kiện cho các hộ nghèo mua phân bón theo hình thức trả chậm và đảm nhận bao tiêu đầu ra.
 
  
Mô hình trồng hoa, rau an toàn trong nhà lưới của HTX Bút Lâm góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân.
 
Năm 2016, nhận thấy trên địa bàn có nhiều ruộng bỏ hoang, HTX vận động các hộ mạnh dạn đưa cây nghệ đỏ vào canh tác. HTX chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. “Trồng nghệ không yêu cầu kỹ thuật quá khắt khe lại cho hiệu quả cao và ít sâu bệnh, giải quyết được bài toán thu nhập cho người dân. Từ 2ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay đã có 71 hộ tham gia mô hình với diện tích hơn 5ha”, bà Mẫn Thị Hởi, Giám đốc HTX cho hay.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX thường xuyên tập huấn kỹ thuật chăm sóc nghệ và trồng xen canh với cây lạc. Sau 3 tháng, khi cây nghệ bước vào thời kỳ phát triển củ thì lạc được thu hoạch, rễ cây lạc được giữ lại và xử lý thành phân vi sinh giúp nghệ phát triển tốt hơn. Sau khoảng 10 tháng nghệ cho thu hoạch, năng suất đạt 1-1,5 tấn/sào, được doanh nghiệp thu mua với giá 15 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào lãi hơn 10 triệu đồng, cao hơn nhiều lần các loại cây trồng truyền thống. “Thực tế cho thấy, chỉ khi nào HTX ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện trọn gói hoạt động đầu vào - đầu ra thì HTX mới mang lại nhiều lợi ích cho cho thành viên HTX và nông dân. Hi vọng thời gian tới sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp kịp thời, sát với thực tiễn hơn nữa để bà con nông dân yên tâm phát triển kinh tế”, bà Hởi chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Phong Nguyễn Văn Tân, mô hình sản xuất hoa, rau an toàn ở HTX Bút Lâm đang là hướng đi hiệu quả, phù hợp, được Hội Nông dân huyện chọn làm mô hình điểm để nhân rộng. Thời gian tới, Hội tích cực tham mưu, đề xuất với các cấp, ngành có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hoa, rau an toàn; đồng thời nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản. Từ đó, tăng cường mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước quy hoạch vùng chuyên canh giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Bắc ninh