Mảng màu xanh, đỏ trên vùng cằn cỗi
- Chủ nhật - 12/03/2017 22:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thanh long ruột đỏ phát triển mạnh ở thôn An Châu, xã Hòa Phú.
Bén duyên cùng thanh long ruột đỏ
Nắng chiều đầu tháng 3 phớt màu vàng nhạt trên những đọt thanh long vừa đẻ nhánh. Anh Trần Văn Phúc, thôn An Châu, xã Hòa Phú, tất bật với bao công việc ngoài vườn thanh long với hơn 600 trụ của gia đình. Vừa lom khom luồn người qua những trụ thanh long um tùm, cắt tỉa các nhánh không cần thiết để dưỡng những khóm hoa đang nở, anh cho biết, năm 2011, vợ chồng anh rời TP.Hồ Chí Minh về quê An Châu lập nghiệp. Mảnh đất gia đình anh khá rộng nhưng chỉ trồng cây keo lá tràm, mỗi lần bão đến là nước mắt chảy theo hàng trăm hec-ta keo ngã đổ.
Anh đang nghiên cứu, tìm tòi giống cây thay thế thì đúng lúc UBND xã triển khai trồng thí điểm thanh long ruột đỏ. Anh đầu tư đúc 100 trụ bê-tông trồng 400 nhánh thanh long. Hơn 2 năm chăm bẵm cây “rồng xanh” này, vườn nhà anh đỏ rực muôn trái lúc lỉu, trĩu nặng sà xuống sát mặt đất. Vụ thu hoạch đầu tiên, anh thu về lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với đất đồi núi nên năm 2015, anh mở rộng thêm 4 sào trồng cây đỏ vỏ, đỏ lòng này. Đến nay, anh đã thu hoạch 3 vụ với giá trị mỗi trụ thanh long cho thu nhập 3,2 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, trong xây dựng nông thôn mới, thanh long ruột đỏ là một trong nhiều giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được địa phương khảo nghiệm và đưa về vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng; trong đó địa phương hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Riêng đối với cây thanh long, trong đợt 1 của năm 2013, xã đã hỗ trợ cây giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật cho 9 hộ trồng thí điểm, trong đợt 2 năm 2015, địa phương tiếp tục duy trì mức hỗ trợ như trên cộng thêm 70% kinh phí đúc trụ cho các gia đình tham gia mô hình.
Cây “quý hiếm” ở Hòa Ninh
Nhìn vườn bưởi với diện tích trên 5.000m2, cây sum suê, trĩu quả cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, anh Đặng Văn Nhân, thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh nói vui: “Sẽ chẳng bao giờ có cây quý này ở xã Hòa Ninh nếu thời điểm năm 1982 không xuất hiện cây này mọc hoang bên mép hàng rào nhà mẹ tôi”.
Năm đó, thấy cây bưởi con mọc hoang bên hàng rào, mẹ anh bứng vào trồng trong vườn, không chăm sóc, chẳng bón phân hay tưới nước mà vẫn phát triển tươi tốt, cho quả ngọt lịm, mọng nước. Thấy vậy, anh Nhân vội chiết cành trồng khắp trong vườn.
Khi Nhân lập gia đình và ra riêng, việc đầu tiên anh quan tâm để khởi nghiệp là bưởi. Thế là cả khu vườn nhà được phủ màu xanh của bưởi. Thấy vậy, hai em trai của anh cũng cải tạo vườn tạp để chuyên canh cây bưởi với tổng diện tích gần 6.500m2. Bưởi của họ lạ ở chỗ vỏ màu xanh nhưng ruột lại màu hồng, da mỏng, cùi tép đỏ tươi, mọng nước lại rất ngọt, hương thơm ngát.
Về hiệu quả kinh tế, anh Nhân khẳng định, chẳng có cây gì trên đất đồi núi Hòa Ninh lại vượt mặt qua cây bưởi cả. Bởi trung bình mỗi cây thu hoạch cho giá trị từ 1,5 đến 2 triệu đồng/năm. Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, cả ba anh em thu hoạch gần 10 tấn bưởi nhưng vẫn “cháy” hàng.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, cuối năm 2015, UBND xã xây dựng đề án về “Phát triển mô hình trồng bưởi ở Hòa Ninh” và đề án này đã được Sở NN-PTNT xem xét, đề nghị thành phố đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, Hòa Ninh đã vận động nhân dân trồng mới hơn 12ha bưởi, theo kế hoạch sẽ đạt 30ha vào năm 2017 tại các thôn Đông Sơn, An Sơn và Trung Nghĩa.
Các xã miền núi ở Hòa Vang có tiềm năng đất vườn đồi khá lớn nhưng vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả kinh tế. Với hai loại cây trồng nêu trên, thiết nghĩ các địa phương khác cũng cần nghiên cứu, nhân rộng để tạo thành một vùng chuyên canh cây trồng rộng lớn, giúp người dân nâng cao thu nhập; đồng thời trên cơ sở đó quy hoạch cụ thể để có hướng đầu tư bài bản, lâu dài góp phần phục vụ du khách nghỉ chân dưới chân núi Bà Nà.
THANH GIANG
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng